Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Đăng ngày: 07/01/2025 - Lượt xem: 35
Bác bỏ luận điệu xuyên tạc chủ trương bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam

Là một quốc gia độc lập, thống nhất, đa dân tộc nên ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc, coi đây là một trong những nội dung quan trọng bảo đảm cho xã hội Việt Nam luôn ổn định và phát triển.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo, hiệu quả chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và giải quyết quan hệ dân tộc phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho từng thời kỳ. Vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; được triển khai, thực hiện nhất quán theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên hiện nay, để chống phá Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phần tử phản động ra sức tung ra các luận điệu xuyên tạc, bóp méo các chủ trương, quan điểm, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó, đặc biệt là các vấn đề về dân tộc. Chúng triệt để lợi dụng Intenet và mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền những quan điểm sai trái, xấu độc, cho rằng ở Việt Nam quyền bình đẳng dân tộc không được thực thi; Việt Nam không có bình đẳng giữa các dân tộc; bình đẳng dân tộc ở Việt Nam hiện nay là “con đường nửa vời”… nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Thực tế đã chứng minh dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời; các dân tộc luôn đoàn kết, bình đẳng và tương trợ lẫn nhau. Vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc không những được nêu trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hóa trong các luật, văn bản dưới luật khác có liên quan và được triển khai thực hiện trong thực tiễn, thông qua nhiều chính sách, chương trình quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển bình đẳng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Do phần lớn các dân tộc thiểu số Việt Nam cư trú ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nên đồng thời với việc xác định quyền bình đẳng trước pháp luật, Đảng và Nhà nước ta còn khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực vươn lên hội nhập với sự phát triển chung.

Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã nêu rõ: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.”. Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc từ thời kỳ đổi mới đất nước đến nay được thể hiện thông qua các văn kiện đại hội và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng, được ban hành cụ thể trong từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn với nội dung cơ bản thống nhất. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nêu rõ: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 23/5/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong đó nêu rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.”; “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”.

Có thể nói, cho đến nay, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Đảng và Nhà nước ta không ngừng đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc trên cơ sở lấy mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc. Chăm lo đời sống cho nhân dân nói chung và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã được xác định là sứ mệnh của Đảng, là mục tiêu và bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân. Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và chính sách cụ thể đối với các vùng, các dân tộc để động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vươn lên trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ở khu dân cư, xây dựng bản làng văn hóa. Nhờ vậy, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt so với trước thời kỳ đổi mới, trên tất cả các phương diện: ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe…

Với quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, có thể thấy những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động rõ ràng là một sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc. Việc tuyên truyền, vận động giúp bà con nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá Việt Nam là rất cần thiết và phải được tiến hành thường xuyên. Qua đó, góp phần tạo ra sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị cùng nhau xây dựng các mối quan hệ dân tộc tốt đẹp; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phương Huyền – Công an tỉnh

Tin liên quan