Ngày 30/4/1975 là một cột mốc vĩ đại, đánh dấu bước ngoặt quyết định đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Thế nhưng, vẫn có những ý kiến lạc lõng, xuyên tạc về ý nghĩa lịch sử ngày toàn thắng 30/4, kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập – phủ Tổng thống ngụy quyền, thành phố Sài Gòn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm (1954 - 1975). Kể từ đó, ngày 30/4 hằng năm trở thành ngày lễ chính thức của nhân dân Việt Nam. Nhân dịp sự kiện lịch sử trọng đại này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thường tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm. Thế nhưng, như đã thành thông lệ, đến thời gian này, một số đối tượng chống cộng cực đoan ở hải ngoại lại tung ra các bài viết, trả lời phỏng vấn với cách nhìn sai lệch, hằn học về Ngày 30/4/1975. Chúng gọi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 là “cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc”; gọi ngày 30/4/1975 là “Ngày Quốc hận” và tháng 4/1975 là “Tháng tư đen”,… nhằm xuyên tạc tính chất, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa và giá trị cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, kích động sự thù hận còn đọng lại trong một bộ phận người vẫn luyến tiếc thân phận làm tay sai cho đế quốc Mỹ. Thậm chí, trên một số diễn đàn mạng xã hội hiện nay, có không ít ý kiến tỏ ra “tiếc nuối” trước sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975. Họ lý luận rằng: “Phải chi hồi ấy miền Bắc cứ xây dựng CNXH theo ý cộng sản, miền Nam đi theo Mỹ để được thừa hưởng nền văn minh, sự giàu có của nước Mỹ hùng cường”, “Phải chi đừng cố giải phóng miền Nam, cứ chia nhau chung sống hòa bình thì đã không có bao người phải ngã xuống, hy sinh, gia đình ly tán”, “Nếu không giải phóng, Sài Gòn đã trở thành con rồng Châu Á như Singapore”… Có thể thấy, những luận điệu mà các tổ chức phản động, kẻ cơ hội chính trị rêu rao hàng năm vào dịp này đều là những luận điệu cũ. Có hay chăng chúng chỉ thể hiện lại bằng hình thức khác để phù hợp hơn với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội. Biết không thể lôi kéo hầu hết các tầng lớp nhân dân, chúng tập trung vào một bộ phận thanh thiếu niên còn hạn chế về nhận thức hoặc có tư tưởng bất mãn.
Xe tăng của Quân đội ta tiến vào Dinh độc lập, ngày 30/4/1975.
Thực tế là, Chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 hoàn toàn không phải là cuộc “nội chiến” hai miền hay “chiến tranh mang tính ý thức hệ” như luận điệu xuyên tạc. Đó là kết quả tất yếu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam nhằm giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; kết quả của sự đoàn kết một lòng, sẵn sàng hy sinh tất cả để đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, đập tan ngụy quân, ngụy quyền, thống nhất đất nước của lớp lớp thế hệ cha anh.
Về tính chất của cuộc chiến tranh (1954 -1975) ở Việt Nam, tất cả những bằng chứng lịch sử đều khẳng định rằng, đây là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do đế quốc Mỹ tiến hành. Âm mưu của đế quốc Mỹ là nhằm “Tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á; đồng thời, lấy miền Nam làm căn cứ tiến công miền Bắc, tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ở Đông Nam châu Á, hòng đè bẹp và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở vùng này, bao vây và uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa khác”. Bản thân người Mỹ cũng tự nhận sai lầm của mình trong cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Như trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, do Nhà xuất bản Random House (Mỹ) cho ra mắt tháng 4-1975, Robert McNamara (Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ) đã công khai thừa nhận: “Chúng tôi (tức Chính phủ Mỹ) đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Hay tướng Maxwell D.Taylor - cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, sau khi từ chức (tháng 6/1965) về làm cố vấn đặc biệt của Tổng thống Lyndon Johnson đã phải thốt lên rằng "Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà toàn là ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó" (Báo Mỹ Sao và vạch, ngày 14-5-1975) … Ngay Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ cũng thừa nhận: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ. Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu làm “kép nhất”, và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”. Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng, để chứng tỏ bản thân người Mỹ cũng đã nhìn nhận và tự nhận sai lầm về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Vậy tại sao vẫn có những con người Việt Nam lại cố tình nhìn nhận và có những quan điểm lạc lõng, hằn học phủ nhận Chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 của quân và dân Việt Nam. Phải chăng họ đang mưu toan việc đánh giá lại lịch sử, nhằm phục vụ cho những mưu đồ đen tối.
Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện hòa hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong nước và kiều bào nước ngoài. Ngay với những người từng có tư tưởng thù địch, chống phá cách mạng, vẫn được quê hương dang rộng vòng tay chào đón khi họ nhận ra lỗi lầm. Về đối ngoại, Việt Nam chủ trương làm bạn với tất cả các nước, kể cả các nước từng đem quân xâm lược nước ta. Chủ trương “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”cho thấy một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng “sẵn sàng hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một thắng lợi của chính nghĩa, đem lại độc lập, tự do thật sự cho nhân dân, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Nuối tiếc cái đã lùi vào quá khứ, dĩ vãng để gieo rắc ý thức “quốc hận” là có tội với chính đồng bào, dân tộc mình, với chính quá khứ hào hùng của lịch sử dân tộc. Tư tưởng, quan điểm đó là sự nuôi dưỡng, kích động sự thù địch, chia rẽ dân tộc một cách có chủ đích. Dùng từ “quốc hận” để chỉ ngày 30/4/1975 là cố ý xuyên tạc sai sự thật lịch sử, tiếp tay cho kẻ thù, có hại cho tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc, cần phải lên án, bác bỏ.
Vũ Nhung