Những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công tác an sinh xã hội ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; trong đó, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều chủ trương, chính sách được ban hành, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, là chính sách cơ bản để giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, lợi dụng một số vấn đề về kinh tế - xã hội có tác động đến đời sống của người dân, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá Ðảng, Nhà nước, đồng thời phủ nhận những thành quả và nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, chúng cố tình rêu rao rằng “bức tranh kinh tế trong nước rất ảm đạm”, “chế độ an sinh xã hội ở Việt Nam có chiều hướng thụt lùi”, chúng lợi dụng các vấn đề như tình trạng bất ổn của giá xăng dầu, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19, tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một số lãnh đạo, cán bộ, công chức... công kích, xuyên tạc các chính sách về an sinh xã hội; cho rằng chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước ta không đủ nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội. Mục tiêu của các hoạt động chống phá này là nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, năng lực điều hành của chính quyền các cấp; từ đó gây chia rẽ nội bộ, kích động các hoạt động gây rối, chống phá; sâu xa hơn nữa là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước.
Đảm bảo an sinh xã hội với phương châm “không để ai bỏ lại phía sau”
Có thể thấy, âm mưu của các thế lực thù địch là rất nguy hiểm, nếu không tỉnh táo nhận diện và có cái nhìn khách quan, đúng đắn, đầy đủ thì rất dễ rơi vào “cái bẫy” trong các hoạt động chống phá của các hội nhóm phản động, cơ hội chính trị. Trên thực tế, quyền được hưởng an sinh xã hội đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận với tư cách là một quyền cơ bản của công dân tại Điều 34: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Điều 59 Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Quy định của Hiến pháp về quyền an sinh xã hội được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền của công dân, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách ưu đãi xã hội đối với các đối tượng chính sách, bảo vệ người tiêu dùng; giải quyết tốt hơn mối quan hệ gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện chính sách xã hội nói chung, chính sách lao động và an sinh xã hội nói riêng.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, coi đây là vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, bởi vì việc chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là một trong những mục tiêu cao nhất của sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội; mở rộng diện đối tượng hưởng trợ cấp xã hội; các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội được tiếp tục thực hiện hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhiều chương trình mục tiêu vì người nghèo nhận được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và thu được những kết quả thiết thực. Tiêu biểu như chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”; phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”... đã góp phần chăm lo giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng đối với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã kịp thời có những giải pháp, chính sách nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhà nước luôn thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; chú trọng phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, đối tượng chính sách. Các địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động nhiều nguồn lực chung tay vào công cuộc “xóa đói, giảm nghèo”. Các đồng chí lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp… thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động tặng quà, thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó...
Thay mặt Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Thanh Trường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh tặng quà cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Khoái Châu
Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, những năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác an sinh xã hội, trong đó, phải kể đến chính sách xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều nhằm bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân, hướng tới hỗ trợ toàn diện cho người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống. Việt Nam cũng hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Bảo đảm an sinh xã hội để thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người đã được cụ thể hóa trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Những thành tựu đã đạt được trong công tác an sinh xã hội của đất nước ta là thành quả của sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời là những minh chứng rõ nét, bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách an sinh xã hội cùng những nỗ lực chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp ở Việt Nam.
Phương Huyền – Công an tỉnh