Cảnh báo tội phạm
Đăng ngày: 01/03/2024 - Lượt xem: 516
Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tải sản trên không gian mạng

Thời gian qua, tình hình tội phạm trên không gian mạng diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, có rất nhiều đối tượng giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Thuế, Ngân hàng... gọi điện thoại hoặc nhắn tin nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Hình thức giả danh trên đã xuất hiện từ rất lâu, tuy nhiên bằng cho cách thay đổi các thủ đoạn, các đối tượng vẫn tìm cách chiếm đoạt của nhiều người dân với số lượng tiền rất lớn.

Giả danh cơ quan Công an hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản điện thoại di động qua ứng dụng VneID. Thực chất các đối tượng giả danh cơ quan Công an gọi điện thoại cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) VNeID giả mạo, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Các đối tượng lợi dụng người dân chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt app VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử của một bộ phận người dân. Sau đó, các đối tượng đã gọi điện cho người dân và gửi đường link qua tin nhắn Zalo, Facebook... yêu cầu người dân truy cập và cài đặt phần mềm "VneID" giả mạo (có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật). Sau khi người dân cài đặt ứng dụng VneID giả mạo được cấp quyền truy cập mức cao, bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP... Các đối tượng lừa đảo kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng rồi thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại người bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Giả danh nhân viên ngân hàng với thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến thẻ tín dụng và phần mềm giả mạo để chiếm đoạt thông tin người dùng. Theo đó, kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng để tiếp cận khách hàng và mời chào sử dụng các dịch vụ thẻ như mời rút tiền từ thẻ tín dụng; hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm... nhưng thực chất là lừa đảo. Các đối tượng còn mạo danh nhân viên ngân hàng mời khách hàng mở thẻ tín dụng giả, mở thêm thẻ phụ hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng, nâng tỉ lệ hoàn tiền... Nhóm này lên kịch bản khá tinh vi và người dân dễ dàng sập bẫy. Cụ thể, các đối tượng tạo bài đăng trên trang mạng xã hội có nội dung hỗ trợ nâng cấp hạn mức thẻ tín dụng, sang ngang thẻ tín dụng, vay không hạn mức, thủ tục nhanh chóng, duyệt hồ sơ siêu tốc, phê duyệt tự động, giải ngân trong ngày... Người dùng tin tưởng bài đăng liên hệ với các đối tượng. Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể mua bán dữ liệu người dùng, trong đó bao gồm thông tin tin cá nhân, hạn mức thẻ tín dụng... để xác định các nạn nhân tiềm năng. Sau đó, đối tượng gọi, nhắn tin cho khách và tự xưng là nhân viên ngân hàng, tổ chức tài chính để gửi thông tin hỗ trợ, mời chào khách sử dụng các dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng, gửi đường link liên kết tới website giả mạo, lừa đảo. Một số trường hợp, đối tượng sử dụng các đường link rút gọn, hoặc cung cấp mã QR để nạn nhân quét. Khi khách truy cập vào trang giả mạo, website sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng, bao gồm: họ tên, căn cước công dân, chụp ảnh CCCD, số thẻ, mã xác minh thẻ CVV (Card Verification Value), ngày hết hạn thẻ giống như trang web chính thống của ngân hàng. Khách cũng được yêu cầu cung cấp mã OTP gửi về số điện thoại. Khi có thông tin tín dụng của khách, đối tượng sẽ dùng thông tin thẻ để thanh toán các giao dịch trực tuyến, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Giả danh cơ quan khác như Viện kiểm sát, Thuế…các đối tượng sử dụng ứng dụng Android giả mạo một số phần mềm có giao diện giống với các lĩnh vực dịch vụ hành chính tại Việt Nam để đánh cắp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người dùng. Khi nạn nhân truy cập đường dẫn, tải và cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại. Ứng dụng giả mạo sẽ yêu cầu cấp quyền Accessibility, nếu nạn nhân bấm "Cho phép", ứng dụng có quyền truy cập sẽ đánh cắp thông tin trên điện thoại của nạn nhân. Đặc biệt, ứng dụng sẽ rà soát các ứng dụng hợp lệ trong máy nạn nhân để tìm kiếm ứng dụng ngân hàng và các thông tin nhạy cảm, đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, SMS,... gửi về cho kẻ gian. Từ đây, các đối tượng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, người dân không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

Ngoài ra hiện nay, tình trạng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội Facebook để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra rất nhiều, cụ thể: Các đối tượng lập các tài khoản Facebook và gửi đường link cho các tài khoản Facebook trên cả nước và yêu cầu vào bình chọn một số các cuộc thi như Giọng hát việt nhí, Hoa hậu..., hoặc khảo sát lấy ý kiến trên mạng xã hội. Khi các tài khoản Facebook này nhấn vào đường link trên thì sẽ yêu cầu nhập thông tin tài khoản và mật khẩu Facebook. Khi đó đối tượng sẽ lấy được thông tin tài khoản và mật khẩu, đối tượng sẽ dùng số điện thoại ảo (thuê trên trang web https://viotp.com) để đổi thông tin, mật khẩu Facebook của bị hại. Với phương thức này, các đối tượng đã chiếm đoạt, quản lý rất nhiều tài khoản Facebook trên cả nước. Đối tượng sử dụng các tài khoản Facebook chiếm đoạt được vào ứng dụng Messenger nhắn tin cho bạn bè, người thân của tài khoản Facebook này đê mượn tiền với nhiều lý do.

Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các nhóm đối tượng như trên, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tích cực chủ động nắm tình hình, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời cảnh báo đến người dân các phương thức thủ đoạn tương tự nhằm nâng cao cảnh giác. Thông tin đến người dân khi Cơ quan Công an chỉ vận động công dân đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc nơi gần nhất để làm định danh điện tử mức 2; việc định danh điện tử mức 2 công dân trực tiếp đi làm do phải chụp ảnh, quét vân tay nên không thể làm thay được. Ngoài nội dung trên nếu có người gọi điện thoại yêu cầu công dân tải, cài đặt ứng dụng khác với ứng dụng VneID, hay cung cấp thông tin cá nhân như cccd, giấy tờ khác... để kích hoạt giúp không cần trực tiếp đến các cơ quan thì đó là đối tượng có ý đồ xấu người dân cần cảnh giác và không làm theo hướng dẫn của các đối tượng này. Cảnh giác với các đường link lạ, không nhập tài khoản và mật khẩu vào các trang mạng không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác định được danh tính của người đó. Lực lượng Công an khuyến cáo các tổ chức và người dân cần nâng cao cảnh giác trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Khi phát hiện các thông tin, hành vi vi phạm có liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đề nghị thông báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xác minh làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

                                                                             Phương Nhung

Tin liên quan