Thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh việc thông tin cá nhân bị rò rỉ sau khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân. Các dấu hiệu cho thấy thông tin cá nhân bị khai thác bao gồm: Nhận được hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo sản phẩm sức khỏe, thuốc không rõ nguồn gốc, mời chào tham gia xét nghiệm tầm soát ung thư, điều trị bệnh mãn tính... kèm theo đầy đủ tên tuổi, số điện thoại, ngày khám và tình trạng bệnh lý. Đáng chú ý, nhiều cuộc gọi được thực hiện chỉ vài giờ hoặc vài ngày sau khi người dân đi khám, cho thấy dữ liệu cá nhân có thể đã bị thu thập và sử dụng trái phép.
Thủ đoạn phổ biến
Một số cơ sở y tế tư nhân yêu cầu người bệnh khai báo đầy đủ thông tin cá nhân như: Họ tên, số CMND/CCCD, số điện thoại, địa chỉ, nghề nghiệp, email, tiền sử bệnh tật... ngay từ khâu đăng ký. Tuy nhiên, sau đó thông tin này có thể bị chia sẻ, bán cho các bên thứ ba mà người bệnh không hề hay biết. Trong một số trường hợp, chính nhân viên phòng khám thu thập thông tin để sử dụng cho các mục đích cá nhân hoặc bán cho các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm, bảo hiểm...
Rủi ro từ việc rò rỉ thông tin y tế
Không chỉ gây phiền toái, việc lộ lọt thông tin sức khỏe cá nhân còn tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo, đặc biệt là với người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Đối tượng xấu có thể lợi dụng thông tin bệnh lý để đưa ra lời mời điều trị, tư vấn sai sự thật, lôi kéo mua thuốc, thực phẩm chức năng giá cao, thậm chí lừa đảo chuyển tiền “đặt cọc điều trị” qua mạng.
Trước tình trạng trên, Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người dân:
1. Chọn cơ sở y tế uy tín: Ưu tiên các bệnh viện, phòng khám có giấy phép hoạt động rõ ràng, chính sách bảo vệ dữ liệu minh bạch, quy trình lưu trữ thông tin khoa học và an toàn.
2. Cẩn trọng khi cung cấp thông tin: Chỉ khai báo những thông tin cần thiết và nên hỏi rõ mục đích sử dụng thông tin của cơ sở y tế. Tránh ghi thông tin nhạy cảm vào các phiếu không có dấu đỏ hoặc không ghi rõ đơn vị thu thập.
3. Không xác nhận thông tin qua điện thoại nếu nghi ngờ: Khi nhận cuộc gọi lạ, tự xưng là bác sĩ, dược sĩ hoặc nhân viên y tế, người dân cần cảnh giác, không cung cấp thêm thông tin cá nhân hay chuyển tiền nếu chưa xác minh nguồn gốc rõ ràng.
4. Phản ánh sai phạm: Nếu nghi ngờ thông tin cá nhân bị lộ từ cơ sở y tế, người dân cần phản ánh đến cơ quan quản lý y tế địa phương hoặc báo cáo với cơ quan Công an để được kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Thông tin sức khỏe là dữ liệu nhạy cảm, gắn liền với quyền riêng tư và an toàn của mỗi người. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân khi khám, chữa bệnh cần được cả người dân và các cơ sở y tế coi trọng, nhằm tránh bị lợi dụng, khai thác trái phép, gây hậu quả về sau./.
Vũ Anh Tuấn - Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao