Ở Việt Nam hiện nay rất nhiều mạng xã hội đang được sử dụng công khai với số lượng người sử dụng đông đảo như Facebook, Zalo, Instagram, … đó là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việc đăng ký và tạo lập các tài khoản một cách dễ dàng dẫn đến tình trạng rất nhiều tài khoản giả mạo, tài khoản ảo tồn tại tràn lan trên mạng xã hội, rất khó để kiểm soát và phân biệt được với các tài khoản thật. Bằng các chiêu trò như ứng dụng lừa đảo, đường link clip, hình ảnh nóng,… các đối tượng dễ dàng đánh cắp thông tin và chiếm quyền sử dụng (hack) tài khoản của người khác. Thông qua những tài khoản giả mạo và tài khoản thật bị chiếm quyền sử dụng, các đối tượng dễ dàng lấy được lòng tin của nhiều người, sau đó hỏi mượn, vay tài sản với mục đích chiếm đoạt, phổ biến nhất là hỏi vay tiền và yêu cầu nộp phí nhận quà. Tinh vi hơn nữa, các đối tượng tạo thành một nhóm cùng đưa ra những thông tin giả một cách ăn khớp với nhau, làm cho nạn nhân không thể biết được thông tin nào là thật, thông tin nào là giả. Thực tế cho thấy, mặc dù dạng hành vi này không còn quá mới, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người trở thành nạn nhân.
Ảnh minh họa
Điển hình, ngày 15/3/2021, Công an huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên nhận được đơn trình báo của chị Quàng Thị Hương, sinh năm 1986 có hộ khẩu thường trú ở Bản Pàn, xã Mường Chùm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La về việc ngày 01/3/2021, chị Hương có sử dụng facebook cá nhân nhắn tin với tài khoản facebook có tên “Confidence John”. Người này tự giới thiệu đang sinh sống ở nước Anh và muốn gửi cho chị Hương một số món quà như đồ trang sức, quần áo,… trị giá khoảng 2 tỷ đồng, sau đó yêu cầu chị Hương chuyển tiển để làm thủ tục nhận quà. Chị Hương đã chuyển khoản 04 lần cho 02 tài khoản ngân hàng khác nhau với tổng số tiền 180 triệu đồng nhưng sau đó không liên lạc được với người có tài khoản facebook “Confience John”.
Trước đó, ngày 08/3/2021, Cơ quan này cũng nhận được đơn trình báo của chị Lê Thị Thuận, sinh năm 1997 ở thôn Trình, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm về việc cách đây khoảng 1 năm, chị Thuận có kết bạn với một người đàn ông có nick Zalo “Trần Đức Hải”. Hai bên nhắn tin, gọi video nói chuyện qua lại với nhau và chưa từng gặp mặt. Sau khi lấy được lòng tin, người này đã hỏi vay tiền chị Thuận 3 lần và được chị Thuận chuyển tiền thành công 2 lần với tổng số tiền 105 triệu đồng. Đến lần hỏi vay thứ 3, chị Thuận sinh nghi và tìm hiểu thì mới phát hiện zalo “Trần Đức Hải” là giả mạo.
Quá trình điều tra cho thấy, sau khi bị hại chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu, số tiền này ngay lập tức được chuyển đi nhiều tài khoản khác. Xác minh về chủ các tài khoản tiền chuyển đến, những người này được một hoặc một số đối tượng không rõ lai lịch nhờ mở tài khoản và trả tiền công, sau đó các đối tượng sẽ sử dụng những tài khoản này. Sau khi tiền chuyển vào, các đối tượng có thể tẩu tán bằng nhiều hình thức khác nhau như chuyển đến tài khoản nước ngoài, chuyển đổi sang các dạng tài sản khác hoặc mua tiền ảo, vật phẩm ảo trong game làm dòng tiền biến mất. Vì khó xác định được dòng tiền đi đâu, không xác định được các đối tượng này là ai nên gây rất nhiều khó khăn cho Cơ quan điều tra.
Để ngăn chặn tình trạng này, Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác trong việc sử dụng mạng xã hội, chuyển tiền qua tài khoản… Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay với cơ quan chức năng để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn và xử lý đối tượng theo quy định./.
Minh Phương