Thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, thời đại bùng nổ công nghệ số, tình hình tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet có chiều hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, gây hoang mang cho người dân.
Theo thống kê từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 39 vụ; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản giờ đây không chỉ thông qua các hành vi vay, mượn tiền, tài sản đơn thuần mà đã biến tướng dưới nhiều phương thức thủ đoạn, dạng hành vi khác phức tạp, tinh vi hơn, đặc biệt là thông qua mạng xã hội như facebook, zalo, viber... Cụ thể như:
Thứ nhất, các đối tượng người nước ngoài kết bạn với bị hại (bị hại chủ yếu là nữ) qua mạng xã hội (Facebook, Zalo….) nhắn tin tâm sự, tán tỉnh, vờ yêu đương.Khi bị hại tin tưởng, đối tượng thông báo muốn gửi tiền, quà cho bị hại. Sau đó, đối tượng người nước ngoài cấu kết với đối tượng người Việt Nam liên lạc với bị hại giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế,… yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau (như cước vận chuyển, thuế, phí…) vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt.
Thứ hai, các đối tượng sử dụng các ứng dụng trên mạng Internet, mạng viễn thông, sử dụng các sim số điện thoại khuyến mại, không đăng ký chính chủ do nhà mạng quản lý, gọi điện giả danh là nhân viên bưu điện, ngân hàng thông báo chủ thuê bao nợ cước viễn thông, nợ ngân hàng quá hạn; giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc giả mạo cổng thông tin điện tử của Công an để thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra, khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sau đó yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt.
Thứ ba, các đối tượng lập hoặc chiếm đoạt quyền quản trị tài khoản của bị hại rồi nhắn tin, lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền cho đối tượng sau đó chiếm đoạt.
Thứ tư, đối tượng sử dụng Facebook Messenger để gửi tin nhắn cho người bị hại thông báo trúng thưởng tài sản (Xe máy, điện thoại, đồng hồ) hoặc tiền mặt (phiếu quà tặng, phiếu đổ xăng…) có giá trị lớn. Sau đó, yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
Thứ năm, các đối tượng gửi tin nhắn SMS giả mạo của ngân hàng để lừa khách hàng truy cập vào đường link giả, sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ,... khi có được các thông tin này, đối tượng sẽ rút tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Thứ sáu, các đối tượng sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như tên tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý “chuyển nhầm” một khoản tiền đến cho “con mồi”. Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ với con mồi. Lúc này chúng có thể yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ.
Thứ bảy, lợi dụng việc đầu tư kinh doanh, chơi hoa lan đột biến gen đang trở thành trào lưu, các đối tượng thường cấu kết thành ổ nhóm, thuê nhà, đựng giàn, làm vườn trồng lan rồi thông qua các trang MXH như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok để lập ra các hội, nhóm như: Hội chơi lan quý, lan đột biến... Công khai, quảng bá, giới thiệu, quay clip trực tuyến các sản phẩm hoa lan đột biến gen và tổ chức trao đổi, mua bán trực tiếp hoặc đấu giá trực tuyến.Đối với giao dịch trực tiếp, các đối tượng hẹn người mua đến địa chỉ nhà thuê để giao dịch, sau khi giao dịch thành công, nhận được tiền, các đối tượng khóa tài khoản, chặn liên lạc và bỏ đi khỏi địa điểm nhà thuê.
Thứ tám, các đối tượng lập ra các website đầu tư tài chính, các ứng dụng có giao diện tương tự đầu tư tài chính quốc tế, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia như: Gọi điện thoại tư vấn, gửi tin nhắn, đăng tin quảng bá, mời chào qua các MXH (Zalo, Facebook...), tổ chức các buổi hội thảo có quy mô lớn, đưa những người tự xưng là chuyên gia về lĩnh vực tài chính đến chia sẻ kinh nghiệm.
Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, khiến nhiều người dân tham gia dưới hình thức đầu tư bằng các loại tiền kỹ thuật số. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản.
Thứ chín, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, các đối tượng mạo danh nhân viên y tế gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm hoặc liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật tình hình dịch bênh. Khi mở tập tin đính kèm hay nhấp vào liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ bị đánh cắp.
Chúng cũng có thể lập các website bán hàng các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vắc-xin, thuốc điều trị, hay vật tư y tế...Nhiều người cả tin mà mắc bẫy. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng.
Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, nhiều người đã “sập bẫy” các “chiêu trò” của các đối tượng lừa đảo và số tiền bị lừa đảo ngày càng lớn, đặc biệt tại Hà Nội, Cần Thơ, Nghệ An, có người đã bị lừa với số tiền trên 6 tỷ đồng. Trước tình hình trên, Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người dân như sau:
Một là, cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài; tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Khi gặp các hiện tượng bất thường như mất tín hiệu, bị vô hiệu hóa số điện thoại không rõ nguyên nhân, nhiều số điện thoại lạ gọi vào máy trong cùng một khoảng thời gian, người dùng nên liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng.
Người dùng không truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.
Hai là, tuyệt đối không mua, bán, cho mượn Giấy chứng minh thư nhân dân, Căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát. Giữ bí mật, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.
Ba là, không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện xác nhận nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản mạng xã hội.
Bốn là, không chuyển, nộp tiền cho bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; hạn chế công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng.
Năm là, không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
Sáu là, khi tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” thì cần làm theo các bước sau: Không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân, nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc, hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo.
Bảy là, khuyến cáo người dân cần cảnh giác không để các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Minh Phương