Tin tức, sự kiện
Đăng ngày: 11/12/2020 - Lượt xem: 1056
Cảnh giác với các cuộc điện thoại giả danh cơ quan thực thi pháp luật

Thời gian qua, tình hình tội phạm với thủ đoạn gọi điện giả danh cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có chiều hướng gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp. Có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Các đối tượng sử dụng công nghệ VOIP (là chữ viết tắt của cụm từ Voice over internet protocol có nghĩa là âm thanh được truyền qua giao thức internet) để gọi điện giả danh cơ quan thực thi pháp luật, thông báo với người dân rằng họ có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng (ma túy, rửa tiền…); chúng làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an để đe dọa, yêu cầu bị hại sử dụng điện thoại dùng hệ điều hành Android tải và cài đặt ứng dụng có tên “BỘ CÔNG AN” do các đối tượng cung cấp. Giao diện ứng dụng có hình ảnh “Công an hiệu” kèm chữ “BỘ CÔNG AN” để tạo lòng tin và có các trường điền thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, số CMND… để phục vụ xác minh. Sau khi cài đặt ứng dụng, các quyền quan trọng để quản lý thiết bị đều bị đối tượng kiểm soát (nhận, đọc, soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị; bật, tắt mạng Internet, truy cập wifi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi; đọc, ghi bộ nhớ; thông tin thiết bị), đặc biệt, các tin nhắn, cuộc gọi đến máy bị hại đều được ngầm chuyển thông tin về máy chủ của đối tượng mà không hiển thị trên điện thoại bị hại nên họ không hề hay biết.

Ảnh minh họa

Để chiếm đoạt tài sản, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng một số cách thức như sau: (1) Yêu cầu bị hại tự nhập thông tin tài khoản, mật khẩu vào các trường thông tin trên ứng dụng; toàn bộ dữ liệu này lập tức được chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, sau đó, các đối tượng truy cập tài khoản, chuyển tiền đi để chiếm đoạt; (2) Yêu cầu bị hại đăng ký tài khoản ngân hàng mới (do bị hại đứng tên) và rút tiền từ các tài khoản khác, tất toán các khoản đầu tư, sổ tiết kiệm… để nộp vào tài khoản mới lập. Qua việc âm thầm theo dõi, chiếm quyền gửi nhận các tin nhắn, đối tượng tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, đăng ký dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch, sau đó chiếm đoạt tiền bằng cách chuyển vào các tài khoản của chúng.

Trong quá trình liên hệ, các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin. Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo.

Qua công tác nắm tình hình, số bị hại bị các đối tượng lừa đảo bằng hình thức mạo danh, giả danh cán bộ các cơ quan tư pháp rất đa dạng, đa phần thường là phụ nữ và người già trên 60 tuổi, nhưng cá biệt có trường hợp các bị hại là cán bộ của các cơ quan Nhà nước... Đây đều là những bị hại ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Do vậy, Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người dân như sau:

  • Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
  • Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
  • Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
  • Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.
  • Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc số điện thoại: 02213.518.569 - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hưng Yên để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

                                                                          Minh Phương

Tin liên quan