Thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước đã xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do các đối tượng là người nước ngoài thực hiện.
Theo thông báo của Cục Tài chính - Tiền tệ - Đầu tư, mặc dù cơ quan này đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các đối tượng. Tuy nhiên tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản do các đối tượng người nước ngoài thực hiện thông qua hình thức đăng ký khoản vay và tiếp nhận vốn tài trợ từ nước ngoài vẫn diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi.
(Ảnh minh họa)
Theo cơ quan điều tra, các đối tượng phạm tội lừa đảo liên quan đến việc đăng ký khoản vay và tiếp nhận vốn tài trợ từ nước ngoài phần lớn là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định, là đối tượng thuộc chế độ cũ, đã có tiền án, tiền sự, có mối quan hệ phức tạp và khó xác định…; các đối tượng này thường thành lập doanh nghiệp không có địa chỉ rõ ràng, thường xuyên thay đổi địa chỉ kinh doanh; thành lập các tổ chức tài chính, nhân đạo quốc tế, phi chính phủ không có thật hoặc do các tổ chức phản động lưu vong thành lập.
Thủ đoạn hoạt động chính của các đối tượng là: Lợi dụng sự hạn chế về nhận thức và thiếu hiểu biết trong các quy định tiếp nhận vốn vay nước ngoài của các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo một số địa phương và lòng tham của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo. Lợi dụng vào các địa phương khó khăn về vốn đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế (các dự án đã được phê duyệt, xin đầu tư dự án mới…); một bộ phận cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, nguồn vốn thanh toán nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng. Lợi dụng một số nghiệp vụ của ngân hàng trong việc gửi, giữ tài sản để làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước (điện chuyển tiền; séc; trái phiếu; hối phiếu thanh toán quốc tế...) tạo niềm tin, chứng minh năng lực tài chính, nguồn gốc số tiền. Lợi dụng sơ hở của các cơ quan Nhà nước, ngân hàng trong việc cung cấp các giấy tờ xác nhận việc gửi, giữ tài sản, văn bản tiếp nhận đơn thư, đăng ký dự án để hoạt động lừa đảo. Thông qua các hình thức liên lạc (điện thoại, thư điện tử, fax, mạng xã hội...) các đối tượng này đề nghị các cá nhân làm trung gian để tiếp nhận các khoản tiền thừa kế, cho, tặng của các cá nhân ở nước ngoài đã chết để được hưởng phần trăm hoa hồng nhằm đánh vào lòng tham của con người. Nếu mất cảnh giác, trả lời các đối tượng này sẽ bị đối tượng yêu cầu ứng trước một khoản kinh phí đi lại, ăn, ở, giao dịch, góp vốn…để làm thủ tục nhận tiền rồi chiếm đoạt. Thông qua các mối quan hệ vòng vo tìm cách tiếp xúc với các cán bộ của Đảng, Nhà nước (đương chức, hoặc đã nghỉ hưu) có uy tín, chức vụ để nhờ cậy, tác động, tạo sức ép với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương... để gửi đơn, đề nghị giúp đỡ tạo điều kiện…Các đối tượng câu kết, móc nối với các cá nhân (là đại diện các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư không có thật) ở nước ngoài vào tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước để tạo niềm tin hoặc mời cá nhân, doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài để tiếp xúc, giao dịch, ký kết hợp đồng; thành lập doanh nghiệp có tên giống hoặc gần giống với các tổ chức có uy tín trên thế giới dễ gây nhầm lẫn. Đặc biệt, các đối tượng tạo được niềm tin rất lớn với các cá nhân, tổ chức trong nước về nguồn tiền nên các cơ quan chức năng rất khó giải thích. Các đối tượng đưa ra số tiền vay nước ngoài, đầu tư nước ngoài, viện trợ (hoàn lại và không hoàn lại) vào Việt Nam với lãi suất rất thấp, thậm chí là 0% hoặc tỷ lệ ăn chia khi dự án được đầu tư phê duyệt chứng minh năng lực tài chính thực hiện các dự án để xin cấp phép, các đối tượng thường sử dụng các loại hối phiếu thanh toán quốc tế, chứng nhận sở hữu tài sản tại nước ngoài, thư bảo lãnh của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước (có giá trị lớn từ hàng chục tỷ đến hàng ngàn tỷ USD, EURO, Yên Nhật, tiền của các quốc gia vùng Vịnh...); làm giả các hối phiếu thanh toán, điện chuyển tiền (Swift-103), giấy chứng nhận sở hữu nguồn tiền, hồ sơ “kho báu” của các cơ quan, tổ, chức tài chính, ngân hàng có uy tín có trụ sở tại nước ngoài (HSBC, Barclay, Deustch Bank…) hoặc không đảm bảo tính pháp lý, không đủ cơ sở chứng minh có thật.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cảnh báo tới các địa phương, doanh nghiệp và người dân về các đối tượng và thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, nhằm nâng cao cảnh giác không để các cá nhân, tổ chức nước ngoài lợi dụng nhu cầu vay vốn của các cá nhân, tổ chức trong nước để hoạt động lừa đảo gây thiệt hại về kinh tế. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành thận trọng trong việc ban hành các văn bản khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, thực hiện dự án.
Để hạn chế thấp nhất các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do các đối tượng người nước ngoài gây ra, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tổ chức tín dụng cần thận trọng khi ký kết các hợp đồng gửi, giữ tài sản đối với các tài sản có nghi vấn (chú ý các hộp bằng kim loại giả cổ có chứa trái phiếu, ngân phiếu nước ngoài… với giá trị lớn) không để các đối tượng lợi dụng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với các đơn vị thuộc khối ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hưng Yên cần chủ động trao đổi thông tin và phối hợp với Công an tỉnh thẩm tra các hồ sơ có nghi vấn, nhất là các hồ sơ có điện chuyển tiền (SWFT-103), giấy chứng nhận nguồn vốn nước ngoài có số tiền lớn…
Thùy Hương - Công an tỉnh