Thông tin chuyên đề
Đăng ngày: 14/05/2025 - Lượt xem: 62
Chi bộ Công an phường Hiến Nam với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự “Trọng dân, gần dân, tin dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”

1. Sự cần thiết của vấn đề “Trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân” của đội ngũ cán bộ Đảng viên hiện nay:

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò to lớn của “lòng dân”, “sức dân”, từ thời phong kiến đến xã hội hiện đại ngày nay, đất nước nào coi trọng lòng dân, ý dân, được Nhân dân ủng hộ, huy động được sức mạnh cả nước đồng lòng, góp sức thì phát triển cường thịnh và ngược lại, đất nước nào không quan tâm đến cuộc sống của người dân, bỏ mặc người dân khốn khổ thì kết cục đều đi đến chỗ bị diệt vong. Bởi thế, ông cha ta đã đúc kết muốn dựng nên đại nghiệp, phát triển đất nước cường thịnh phải “lấy dân làm gốc”, coi trọng lòng dân, ý dân.

C.Mác và Lênin đã khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội sinh động và sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng nhân dân . Quần chúng nhân dân không chỉ là người sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần của xã hội, mà còn là lực lượng cách mạng to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong; có lực lượng nhân dân thì việc khó mấy, to mấy cũng làm được. Trong mọi việc đều phải dựa vào quần chúng…, lấy sức quần chúng mà vượt qua khó khăn. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác dân vận

Trong công tác xây dựng Đảng, Bác căn dặn: “Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”, vì vậy phải “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Là người đứng đầu chính phủ bộn bề công việc, Bác vẫn dành thời gian tiếp đón và đi thăm hỏi các tầng lớp nhân dân. Theo thống kê, trong vòng 10 năm, từ năm 1955-1965, Người đã có hơn 700 lần về địa phương, cơ sở và đến với nhân dân để mắt thấy, tai nghe những việc thật, thông tin thật, người thật từ cơ sở, đi đến đâu, Người cũng ân cần thăm hỏi công việc, sức khỏe, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Bác Hồ thăm nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá; thăm gia đình công nhân Trường Cán bộ Công đoàn, năm 1961

Thực tiễn vận dụng của Đảng ta về dựa vào dân và phát huy sức mạnh của nhân dân dân trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ khi ra đời đến nay Đảng ta và thế hệ cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ luôn nêu cao ý thức thực hành tác phong "trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân", lấy Nhân dân là trung tâm để phục vụ và phát triển. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ: “Thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân phát huy vai trò làm chủ, bày tỏ ý kiến đóng góp đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, Đảng ta cũng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định cụ thể về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, về tăng cường sự tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân; quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân,…Qua đó các cấp ủy, chính quyền đã chủ động trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, dự báo chính xác tình hình, nhất là nhận định trước các nguy cơ tiềm ẩn phức tạp, để đối thoại, tháo gỡ, không để phát sinh “điểm nóng”, đi trước một bước trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân.

2. Nội dung của Trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”:

- Trọng dân: “Dân” trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tập hợp tất cả người Việt Nam thuộc các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, chủ yếu là những người lao động, nhưng không bao hàm những kẻ tay sai, bán nước, phản động, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Trọng dân là Đề cao vai trò và sức mạnh của nhân dân, coi quần chúng nhân dân là nguồn gốc của sự sáng tạo, xây dựng và là động lực thúc đẩy lịch sử tiến lên không ngừng, dân là gốc, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Trọng dân cũng có nghĩa là Coi trọng và xác định nhân dân là mục tiêu, động lực của cách mạng.

- Gần dân: Cán bộ, đảng viên với tư cách vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân; muốn gần dân, cán bộ, đảng viên cần phải chủ động đến với dân theo nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, cụ thể hoá vai trò, vị trí của bản thân, nhất là người đứng đầu, với tư cách là "công bộc", là "người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân" chứ không phải lúc nào cán bộ, đảng viên đến với "người chủ" của mình cũng với vai trò của người lãnh đạo. Nói cách khác thì người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên phải luôn thân thiện, gần gũi, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để nghe dân nói thì mới hiểu được những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói thật của người dân.

Lực lượng Công an, dân quân phường Hiến Nam giúp người dân di chuyển tài sản trong cơn bão số 3 YaGi và úng lụt sau bão

Cán bộ Công an phường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại chợ Hiến Nam

- Tin dân: Nhân dân là gốc rễ, là nền tảng của khối đại đoàn kết. toàn dân tộc, Do đó “có dân sẽ có tất cả”, “có dân việc gì cũng làm được”. Tin vào dân, dựa vào dân là tin tưởng vào sức mạnh, sự hiểu biết, trí tuệ của dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng dân là gốc rễ, là nền tảng của sức mạnh khối đại đoàn kết. Do đó khi trở thành người lãnh đạo, Bác đặt niềm tin tuyệt đối vào Nhân dân, ngay cả khi cách mạng đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Người vẫn một lòng tin tưởng vào Nhân dân. Người tin rằng “có dân sẽ có tất cả”, “có dân việc gì cũng làm được” và Người thường động viên, nhắc nhở “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ” .

Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương năm 1958

- Hiểu dân: Là hiểu rõ những tâm tư, nguyện vọng, những yêu cầu bức xúc, chính đáng của nhân dân. Với quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì người dân là trung tâm, do vậy để phát triển được thì mọi nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân phải được thỏa mãn, mọi bức xúc của Nhân dân phải được giải quyết thấu đáo. Mặt khác, đối với người cán bộ đảng viên, khi tuyên truyền, triển khai chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với người dân, thì việc hiểu được thói quen, phong tục tập quán, tính cách của người dân cũng giúp cho việc đưa các chủ trương, chính sách đến với người dân một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

- Học dân: Mỗi người cán bộ phải luôn khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe những ý kiến, kinh nghiệm sáng tạo của Nhân dân, học là để biết cách phục vụ Nhân dân. Nếu cán bộ không học các kiến thức như lý luận chính trị, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ sẽ không biết phục vụ Nhân dân như thế nào. Hiện nay, nhiều cán bộ chỉ nghe nhiều, chứ chưa biết thế nào là phục vụ Nhân dân với tư cách một cán bộ - người đầy tớ. Do vậy, họ lãnh đạo nhưng cứ thản nhiên dùng “quyền lực”, chứ không biết rằng “lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói. Muốn trở thành người làm thuê giỏi, mỗi cán bộ đảng viên phải được Nhân dân tín nhiệm, phải thấy được “trách nhiệm” của mình với nhân dân. Do vậy, mỗi cán bộ cần phải học Nhân dân, phải “biết cách làm việc” với Nhân dân.

Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phường Hiến Nam năm 2024

- Dựa vào dân: Người cán bộ, đảng viên trong mọi hoạt động công tác của mình phải biết cách dựa vào dân, Nhân dân có hàng vạn tai mắt, hàng vạn đôi bàn tay, hàng vạn khối óc. Khi Nhân dân chung sức chung lòng giúp đỡ thì nhiệm vụ của người cán bộ đảng viên chắc chắn sẽ thành công. “Dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng” luôn là nguyên tắc xây dựng Đảng và được khẳng định trong cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng, Nhân dân góp ý kiến để xây dựng và bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật, giám sát đảng viên thực hiện Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, giám sát việc thực hiện đạo đức, lối sống và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Công an phường tuyên truyền pháp luật cho học sinh trường THCS Hiến Nam

- Có trách nhiệm với Nhân dân: Trách nhiệm của người đảng viên với Nhân dân được bắt nguồn từ nguyên lý: “Nước lấy dân làm gốc”, “Sự nghiệp cách mạng là do nhân dân tiến hành”, “Nhân dân là người làm ra lịch sử”… Đảng viên phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nắm vững đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi các đường lối, chính sách ấy. Muốn lãnh đạo được quần chúng nhân dân thì người đảng viên phải sâu sát, gần gũi quần chúng, chăm lo giúp đỡ quần chúng về mọi mặt; phải “trọng dân, sát dân, tin dân”, phấn đấu sao cho “dân phục, dân tin, dân yêu”, phải “thật sự gần gũi nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân”, “việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng… Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”.

Trách nhiệm của người đảng viên là phải nêu gương trước quần chúng về mọi mặt, trong mọi phong trào, mọi nhiệm vụ, người đảng viên đều phải tiền phong, gương mẫu làm trước, tiến trước để quần chúng noi theo như Bác Hồ đã từng nhấn mạnh: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình,thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở đều phải gương mẫu”. Bên cạnh đó người đảng viên phải kính yêu nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tuyệt đối không được có thái độ “vác mặt làm quan cách mạng”, không được hách dịch, nhũng nhiễu nhân dân như lời Bác đã dạy: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân… Lãnh đạo là làm đầy tớ Nhân dân và phải làm cho tốt”.

3. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên Công an phường Hiến Nam trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân:

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì Nhân dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc”. Trong suốt những năm qua, cán bộ, đảng viên Công an phường Hiến Nam đã cụ thể hóa lời dạy của Bác vào những việc làm cụ thể, với phương châm mỗi ngày làm một việc tốt vì Nhân dân, đảng viên Công an phường luôn gần dân, nắm chắc tình hình, phục vụ Nhân dân tốt hơn, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc hơn; đi đôi với đổi mới phương thức hoạt động để Công an phường thực sự là chỗ dựa của Nhân dân.

Đối với Công an phường, câu nói của Tổng bí thư Tô Lâm “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” cùng với lời căn dặn của Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã được toàn thể đảng viên chi bộ triển khai quán triệt, học tập sâu rộng nhằm lan tỏa giá trị và ý nghĩa trong toàn đơn vị, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, những năm qua, Chi bộ Công an phường đã ngày càng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó: Giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Lực lượng Công an, quân sự phường giúp dân trong bão lũ

Với phương châm: Mỗi ngày phục vụ Nhân dân một tốt hơn, Chi bộ Công an phường đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện hiệu quả mô hình cải cách hành chính trong công tác quản lý cư trú “Ba tăng hai giảm”- mô hình đã được Giám đốc Công an tỉnh công nhận là mô hình điểm cấp tỉnh và cho nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh, là đơn vị Công an cấp phường, xã đầu tiên của thành phố Hưng Yên xây dựng “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính” đạt chuẩn…; lực lượng Công an phường được cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao sự chuyển biến về hiệu quả làm việc trong xử lý tin báo, tố giác tội phạm, nhất là công tác phối hợp tuần tra, đảm bảo ANTT, phối hợp với các ngành, đoàn thể giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng, tuyên truyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho Nhân dân. Những vấn đề phát sinh về ANTT và nguyện vọng, công việc của Nhân dân liên quan đến ANTT đã được tiếp nhận, giải quyết đầy đủ, kịp thời từ lực lượng Công an phường. Khi người dân cần, khi người dân gặp khó khăn, lực lượng Công an có mặt ngay để giải quyết, giúp đỡ. Bên cạnh đó, khi nhân dân gặp khó khăn, cán bộ đảng viên Công an phường cũng tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên kịp thời về vật chất và tinh thần đối với những gia đình bị mất mát do tội phạm tấn công, do tai nạn giao thông, do hỏa hoạn, do lụt bão; những cháu bé bị mồ côi cha, mẹ; những người già neo đơn; người tàn tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, người có công khó khăn. Đó là những chiến sỹ tình nguyện hiến máu cứu người, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, cùng đồng cam cộng khổ với Nhân dân để “máu của mình hòa vào máu Nhân dân”, để mồ hôi của mình hòa chảy cùng nước mắt của dân… Nhiều việc làm thiết thực đã được thực hiện “lúc dân cần” và “ lúc dân khó”.

4. Tồn tại cần khắc phục của đội ngũ cán bộ đảng viên trong giai đoạn hiện nay để thực hiện tốt vấn đề “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với nhân dân”:

Trong giai đoạn hiện nay có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực hiện đúng vai trò gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, có biểu hiện chưa thực sự gần dân, đôi khi thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, quan liêu, mệnh lệnh, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, chưa thật hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; chưa coi Nhân dân là chủ và thực hiện tốt việc phục vụ Nhân dân, còn sách nhiễu, “hành” dân trong nhiều việc, nhiều vấn đề.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ, một trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là tình trạng “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân”.

5. Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân trong thời gian tới:

Thứ nhất là, mỗi cán cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lấy lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân làm tiền đề cho hoạt động của mình. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải không ngại khó khăn, gian khổ, tiên phong trên các lĩnh vực công tác, làm gương trong mọi hành động, không ngừng rèn luyện phẩm chất: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Không tự cao, tự đại, kiêu ngạo, làm điều hay, sửa điều dở của bản thân. Đối với mọi người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với nhiệm vụ được giao, dù hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “để việc công lên trên việc tư”; đã được giao việc gì phải tận tâm tận lực, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.

Cảnh sát khu vực chuẩn bị phương tiện xuống địa bàn công tác

Thứ hai là, cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân có như vậy mới hiểu được dân, mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền điều chỉnh kịp thời những vướng mắc trong dân; mỗi cán bộ phải luôn trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tích cực rèn luyện tác phong, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải có phương thức lãnh đạo phù hợp, dân tin tưởng sẽ có những đóng góp tích cực cho cấp ủy, chính quyền, có như vậy mới phát huy hết vai trò của Nhân dân, dựa vào những điều kiện, sự ủng hộ sẵn có của Nhân dân để thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba là, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu trong công tác, cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Với những người lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, tiên phong trong mọi hoàn cảnh, “miệng nói, tay làm” lời nói thống nhất với hành động, thực hiện lý luận gắn với thực tiễn, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách “vì dân, trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với Nhân dân” là bổn phận và danh dự của cán bộ, đảng viên. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tuần tra, nắm tình hình ANTT trên địa bàn phường Hiến Nam

Có thể nói việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân” theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng là vấn đề rất cấp thiết trong xây dựng Đảng hiện nay đối với Chi bộ Công an phường Hiến Nam và các cấp ủy, chi bộ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chúng ta đều phải tôn trọng dân, lắng nghe Nhân dân, gần gũi để hiểu dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng. Có như vậy việc khó cũng hóa thành việc dễ, dân tin, dân yêu sẵn sàng chia sẻ, kinh nghiệm và hỗ trợ cán bộ hoàn thành nhiệm vụ và đây chính là những giải pháp quan trọng để dân tin Đảng, là nền tảng cơ sở vững chắc để phát triển và dựng xây đất nước ngày càng hùng cường./.  

Nguyễn Quang Khánh - Công an phường Hiến Nam

Tin liên quan