Tin tức, sự kiện
Đăng ngày: 19/11/2018 - Lượt xem: 930
Chính quy hóa Công an xã – xu hướng tất yếu khách quan. Nghịch cảnh mang tên “bán chuyên trách”

Được xác định là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) tại cơ sở; là những người gần dân, hiểu rõ dân, nắm bắt tình hình thực tế và những vấn đề có liên quan đến ANTT, là nhân tố quan trọng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nhưng là lực lượng bán chuyên trách nên Công an xã vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi.

Có đến những vùng đặc thù của Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... mới cảm nhận phần nào về thực tế khó khăn mang tên Công an xã bán chuyên trách...

Gác lại đam mê vì gánh nặng cơm áo

Từ cách nay hơn tháng, mực nước trên địa bàn huyện An Phú (An Giang) dâng cao bất ngờ, nhiều diện tích lúa, hoa màu của bà con vùng ngoài đê bao bị ngập sâu. Để giúp người dân giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, Công an xã Phú Hội (nơi có gần 10km đường biên giới với nước bạn Campuchia, được xem là “cánh đồng cá” vào mùa nước nổi hàng năm và cũng là địa bàn phức tạp về ANTT), đã cử hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng các lực lượng khác ra đồng giúp dân gặt lúa, thu hoạch hoa màu. 

 

Công an xã bán chuyên trách: khó khăn nhiều nhưng chính sách hỗ trợ thấp

 

Với phương châm “Ra tận đồng, tuyên truyền tận ghe” cho bà con ngư dân trên địa bàn, Ban Chỉ huy Công an xã Phú Hội thường xuyên phân công tổ công tác dùng vỏ lãi (phương tiện lưu thông đường thủy tại miền Tây) ra đồng để gặp gỡ, trò chuyện cùng bà con.

“Chúng tôi tuyên truyền bà con không qua biên giới đánh bắt thủy sản trái phép, không sử dụng xung, xiệc điện để đánh bắt, tận diệt nguồn lợi thủy sản. Nhắc nhở bà con mang theo áo phao, can nhựa, vật nổi khi ra đồng. Hướng dẫn bà con cách tìm nơi trú, neo đậu tàu, ghe an toàn khi có giông, lốc, mưa, bão. Nhắc nhở bà con phải có ý thức tự bảo vệ tài sản, như ngư cụ đánh bắt, bình ắc quy, máy nổ… vì có nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự mất cảnh giác của bà con trong mùa mưa lũ để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản”- Đại úy Nguyễn Trung Nhã, Trưởng Công an xã Phú Hội cho biết.

Theo Đại úy Nhã, ngoài anh là “dân chính quy”, còn lại đều là bán chuyên trách, anh em em Công an viên phụ trách ấp thiếu kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ nên họ chỉ dừng lại ở việc giúp sức, bảo vệ hiện trường, áp giải đối tượng; còn việc lập hồ sơ, xử lý đối tượng vi phạm, xử lý vi phạm giao thông... đều rất hạn chế. 

Điều khiến cho những cán bộ Công an “cắm bản” như Đại úy Nhã chính là ngày càng có nhiều anh em Công an bán chuyên trách dù rất tâm huyết nhưng không thể tiếp tục gắn bó với công việc của mình, bởi họ vẫn phải tất tả mưu sinh, nuôi sống gia đình. Đầu năm tới giờ có 2 anh em viết đơn xin nghỉ việc. Cả hai anh này đều tâm huyết, đam mê nghề, muốn phục vụ lâu dài nhưng chính sách hỗ trợ còn quá thấp không kham nổi đời sống gia đình” - Đại úy Nhã kể.

Mỗi tháng, Công an viên nhận được hơn 1,9 triệu đồng/người, mới đây UBND xã có hỗ trợ thêm 200.000đ/tháng cho phần ăn của mỗi người. “Chúng tôi gọi điện hỏi, số anh em đã nghỉ việc cho biết đang là công nhân tại một KCN ở Bình Dương” – anh trăn trở. Thượng tá Hồ Văn Tấn, Phó trưởng Công an huyện An Phú cho biết, nếu tính cả năm 2017 đến nay, toàn huyện có 52 trường hợp Công an viên bán chuyên trách xin nghỉ công tác. Thực tế Công an xã nghỉ việc đã diễn ra nhiều địa phương. 

Hôm chúng tôi tới Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng ông Nguyễn Văn Quốc, Trưởng Công an xã này vẫn phải xoay xở với đống giấy tờ trên bàn. “Khổ lắm chú à, ngày nghỉ người ta lo cho gia đình, còn mình thì phải vật lộn với mớ giấy tờ kiêm cả trực chiến tại cơ quan đây”- ông Quốc than thở.

Theo ông Quốc, quy định của lực lượng Công an xã là phải có 3 đồng chí Công an viên thường trực nhưng hiện đơn vị chỉ có 2 người. “Đầu năm tới giờ, Quảng Tiến đã có 2 Công an viên xin nghỉ việc với lý do lương thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Anh em nghỉ ngày càng nhiều không chỉ ảnh hưởng đến công tác chung mà còn khiến công việc của Phó và Trưởng Công an xã như chúng tôi bị dồn lên cao”- ông Quốc cho biết.

Được hỏi thêm về lương bổng, phụ cấp, anh Nguyễn Duy Tiến, người từng có 2 năm là Công an viên xã Quảng Tiến, cho hay, ban đầu, mức lương của anh là 1.150.000 đồng/tháng, sau đó tăng lên 1.300.000 đồng/tháng. Từ năm 2017, lương của Công an viên thường trực như anh chỉ còn chưa đầy 800 ngàn đồng/tháng nên anh nộp đơn xin nghỉ việc để về nhà làm nương rẫy.

“Làm Công an viên thường trực thì phải túc trực 24/24h tại trụ sở để nắm tình hình ANTT trên địa bàn. Công việc thì áp lực nhưng anh em chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng vì cái chung xã hội. Mãi khi đồng lương xuống quá thấp thì tôi đành phải xin nghỉ, tìm việc khác để có tiền nuôi vợ con”- anh Tiến tâm sự.

Đồng cảm với hoàn cảnh của Công an viên, ông Nguyễn Đình Tô, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tiến, bộc bạch: “Tôi thấy không có ai cực như Công an xã. Họ có thể làm việc 24 tiếng nhưng hằng tháng chỉ được hưởng phụ cấp chưa tới 2 triệu đồng. Đây là tiền phụ cấp chứ không phải là tiền lương. Công an xã không được hưởng lương như những cán bộ công chức của xã nhưng việc làm lại nhiều. Một cán bộ công chức xã làm việc 8 tiếng/ngày, nhưng Công an xã phải làm việc gấp đôi, có khi 24 tiếng mà không được nghỉ”, ông Tô chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 100 trường hợp thuộc Công an xã xin nghỉ việc chỉ vì lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn trong khi phụ cấp quá thấp, không đủ sống. Đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc nhiều Công an xã xin nghỉ việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo ANTT tại địa phương. Nhiều địa phương phải huy động thêm lực lượng quân sự địa phương hay bộ đội xuất ngũ để làm thay việc Công an xã. Tuy nhiên, khó khăn nhất là phải đào tạo họ để có nghiệp vụ làm Công an.

Cũng theo Đại tá Thư, trước đây, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm, xây dựng đề án hỗ trợ cho lực lượng Công an xã trên địa bàn tỉnh. Sau khi đề án này hết hiệu lực vào tháng 1-2017, nguồn kinh phí chi trả cho lực lượng này không được duy trì là một phần nguyên nhân khiến nhiều anh em nộp đơn xin nghỉ việc.

“Khi đề án hết hiệu lực, các địa phương tự cân đối để bố trí kinh phí chi trả cho Công an xã. Tuy vậy, nhiều nơi chi trả phụ cấp quá thấp đã khiến anh em không thể an tâm công tác. Hiện, Công an tỉnh đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh sớm thông qua đề án mới để có nguồn kinh phí chi trả cho lực lượng Công an xã” - Đại tá Đoàn Quốc Thư thông tin thêm.

Tăng cường là cần thiết

Theo Đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an tỉnh, hiện nay Sóc Trăng đã có 20/80 xã được bố trí Công an chính quy giữ chức vụ Trưởng Công an những xã trọng điểm, phức tạp về ANTT. Bước đầu cho thấy công tác này đã có hiệu quả cao, được chính quyền và nhân dân đồng tình.

“Khi đưa lực lượng Công an chính quy về giữ chức vụ Trưởng Công an xã, do anh em có chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm nên xử lý các vụ việc, tình huống tốt hơn, được người dân tin tưởng. Do đó, việc đưa Công an chính quy đảm nhiệm chức vụ Trưởng, Phó Công an xã, Công an viên là cần thiết, đảm bảo tính ổn định và có lực lượng thường trực chiến đấu ở xã, giải quyết công việc đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật” - Đại tá Lê Minh Quang cho biết.

Thượng tá Nguyễn Việt Thanh, Phó trưởng Công an thị xã Vĩnh Châu – địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, kể từ khi Lai Hòa và Vĩnh Hải có trưởng Công an xã là chính quy  đến nay, tình hình chuyển biến rõ nét. “Anh em chú trọng công tác vận động quần chúng; tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm nhanh, đúng bài bản; kịp thời giải quyết các vụ việc về ANTT xảy ra trên địa bàn theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn”, Thượng tá Thanh cho biết.

Trung tá Huỳnh Thanh Quốc Việt, Trưởng Công an xã Lai Hòa tâm sự: “Việc đưa Công an chính quy về xã là cần thiết, bởi anh em được đào tạo bài bản qua trường lớp, có kinh nghiệm. Điều này thể hiện ở việc tiếp nhận hồ sơ, tiếp dân, nắm bắt thông tin vụ việc ban đầu... rất tốt. Trong công tác, chúng tôi cũng chú trọng vào công tác vận động nhân dân tham gia giữ gìn ANTT. Đến nay, các vụ việc phạm pháp hình sự trên địa bàn xã đã giảm rõ rệt, ANTT cũng ổn định, đi vào nền nếp. Điều chúng tôi phấn khởi là được bà con nhiệt tình ủng hộ, tín nhiệm cao”.

Theo báo CAND

Tin liên quan