Hưng Yên được đánh giá là địa bàn không phức tạp về tội phạm ma túy, tuy nhiên tỉnh Hưng Yên lại nằm trong vùng phụ cận thuộc tuyến Đông Bắc và Tây Bắc là những địa bàn trọng điểm về ma túy.
Hơn nữa, Hưng Yên lại tiếp giáp với các tỉnh, thành phố phức tạp về ma túy như: Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương và Bắc Ninh; có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội nhưng cũng là nơi mà tội phạm và tệ nạn xã hội có thể lợi dụng hoạt động, nhất là tội phạm về ma túy. Do tác động của tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy cả nước và các tỉnh lân cận, tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong những năm qua có thời điểm còn những diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy chủ yếu là đối tượng nghiện ma túy đi các tỉnh giáp ranh để mua ma túy với số lượng nhỏ lẻ mang về địa bàn vừa sử dụng, vừa bán kiếm lời phục vụ nhu cầu sử dụng ma túy của bản thân. Một số đối tượng hoạt động có tính chất chuyên nghiệp cấu kết chặt chẽ với nhau hình thành các đường dây, nhóm khép kín trong gia đình, dòng họ, bạn bè tại một số địa bàn phức tạp về ma túy. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng "vũ khí nóng" chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ, ngoài ra chúng còn lợi dụng điều kiện giao thông và địa hình phức tạp để hình thành các điểm, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, số người nghiện ma túy trên địa bàn tình ngày càng trẻ hóa, số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp dạng viên nén, dạng đá có chiều hướng gia tăng, chúng chủ yếu lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện như Nhà nghỉ, Khách sạn, quán Karaoke... để hoạt động. Thời gian qua, dưới sự vào cuộc của các cấp, các ngành đặc biệt là lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ án về ma túy được quần chúng nhân dân đánh giá cao, góp phần đảm bảo, ổn định tình hình ANTT và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trước tình hình trên, mặc dù đơn vị mới được chia tách, lực lượng phòng, chống ma túy Công an tỉnh Hưng Yên được thành lập năm 2000, quân số được biên chế còn mỏng, khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã quan tâm chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy, đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh ban hành và tổ chức triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, tham mưu tổ chức nhiều hội nghị sơ, tổng kết, điển hình như: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới...Qua đó, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp với các cấp, các ngành, công tác tổ chức thực hiện của các đơn vị và đề ra nhiều biện pháp cụ thể chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Đồng thời, đã tập trung chỉ trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống và kiểm soát ma túy với nhiều nội dung hình thức, đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng lớn tuổi; lồng ghép với thực hiện có hiệu quả công tác phát động phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Xây dựng, củng cố và nhân rộng các phong trào, các mô hình hoạt động hiệu quả trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; tăng cường công tác lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy đi cơ sở cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và đưa vào diện giáo dục xã, phường, thị trấn (hàng năm đã lập hồ sơ đưa hàng trăm người đi cơ sở cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn), góp phần kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy, làm giảm nguồn "cầu" về ma túy.
Bên cạnh thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm tình hình, quản lý chặt chẽ tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm. Chủ động phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, với các Công an tỉnh, thành phố trong việc trao đổi thông tin, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để thu thập tài liệu chứng cứ về hoạt động của từng đối tượng cụ thể để phục vụ công tác đấu tranh, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, khi triển khai phá án bắt đúng đối tượng phạm tội, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia phá án, đối tượng và nhân dân. Hàng năm, tổ chức triển khai từ 3 đến 4 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn ma túy Tháng hành động phòng, chống ma túy (Tháng 6); Với những giải pháp quyết liệt đó trong những năm qua Công an tỉnh Hưng Yên đã trực tiếp và phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra khám phá hàng nghìn vụ án về ma túy, bắt giữ hàng nghìn đối tượng đề nghị truy tố trước pháp luật, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn tỉnh được Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh khen thưởng và nhân dân ghi nhận đánh giá cao.
Điển hình: Chuyên án thu giữ 33 bánh hêrôin và 1322,387 gam ma túy đá và thuốc lắc.
Theo kế hoạch đề ra, ngày 05/10/2017 tại ngã tư đường Nguyễn Văn Linh, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy- Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an triệt phá thành công chuyên án ma túy mang bí số 126B, bắt quả tang đối tượng:
Họ và tên: Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 1960
HKTT: Tổ 13, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.
Về hành vi: Mua bán trái phép chất ma túy.
Thu giữ: 20 bánh hêrôin với tổng khối lượng 7.099,4 gam, 01 điện thoại di động cùng một số đồ vật liên quan.
Đấu tranh, bắt giữ thành công đối tượng Nguyễn Thanh Bình thu giữ số lượng lớn hêrôin, chuyên án mang tính chất đường dây liên tỉnh với khoảng cách địa lý xa về mặt không gian, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, đòi hỏi sự tập trung, phối hợp hiệp đồng, chặt chẽ, đoàn kết, sự chỉ đạo quyết liệt, mãnh mẽ của các đồng chí Lãnh đạo Công an tỉnh và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, CBCS đã không quản ngại khó khăn, quyết tâm triệt phá chuyên án bí số 126B đảm bảo các yêu cầu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ. Đạt được chiến công đặc biệt xuất sắc trên, ngày 09/10/2017 Đơn vị và Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã được UBND tỉnh Hưng Yên thưởng nóng mỗi đơn vị 50 triệu đồng; Giám đốc Công an tỉnh tặng thưởng mỗi đơn vị 20 triệu đồng nhằm khích lệ, động viên kịp thời Lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ.
Có thể nói, sau khi thu giữ số lượng ma túy lớn đã có ý nghĩa hết sức to lớn, chặn đứng một đường dây vận chuyển trái phép chất ma tuý trên địa bàn Hưng Yên, ngăn ngừa hiệu quả sự phát sinh của tội phạm và tệ nạn về ma túy, tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân đối với lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, góp phần ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn.
Sơ kết Chuyên án, Ban chuyên án nhận định trên địa bàn Hưng Yên, đặc biệt khu vực Phương Chiểu, Thủ Sỹ-Tiên Lữ và TPHY là nơi “trung chuyển’’, “tập kết’’ hình thành đường dây ma túy từ các tỉnh phía Bắc như: Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên...qua rà soát đây là những địa phương có nhiều người Hưng Yên làm ăn, sinh sống, nhận định Hưng Yên sẽ là “cái kho’’ của những giao dịch mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Với phương châm đánh mạnh, đánh trúng khoảng hơn 20 ngày sau, tức ngày 29/10/2017 tại xã Liên Phương-TPHY đơn vị tiếp tục bắt quả tang đối tượng Trương Thị Thanh - SN 1969; ĐKHKTT: xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Về hành vi: Mua bán trái phép chất ma túy. Thu giữ trên người Thanh 08 bánh hêrôin có khối lượng 2880,9 gam.
Quá trình điều tra mở rộng 2 vụ án đối với 02 đối tượng Bình và Thanh, ngày 05/4/2018 Phòng CSĐTTP về ma túy bắt 03 đối tượng: Bùi Thị Tình- SN: 1971, Lương Thị Thu -SN: 1984 và Đào Thị Phượng - SN: 1973. Đều ở: Phương Thông, Phương Chiểu, TP Hưng Yên, Hưng Yên đã có hành vi trước đó đã giao dịch mua bán trót lọt 20 bánh heroin.
Thực tiễn công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc:
1. Lãnh đạo một số chính quyền cơ sở và một số ngành, đoàn thể chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống ma túy, chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của cấp dưới hoặc mới chỉ tập trung ở từng giai đoạn, thời điểm nhất định; vẫn coi công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ của lực lượng Công an nên chưa thực hiện hết trách nhiệm được phân công; Nhận thức ma túy là tệ nạn xã hội dẫn đến chỉ chú trọng công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, chưa chú trọng thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm, phòng, chống tái nghiện.
2. Công tác tuyên truyền tuy đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức song chưa đến được nhóm đối tượng đích, đối tượng có nguy cơ cao; vẫn còn thiếu những chương trình tuyên truyền có chiều sâu về kỹ năng phòng tránh ma túy nhất là ma túy tổng hợp; một số bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên còn chưa nhận thức đúng về sự nguy hại của ma túy tổng hợp, coi đó là loại ma túy không gây nghiện, ít nguy hiểm dẫn đến gia tăng số người sử dụng loại ma túy này.
3. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng có triển khai nhưng thiếu hiệu quả, người nghiện có hoàn cảnh khó khăn chưa được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện. Việc xác định tình trạng nghiện của ngành y tế còn nhiều hạn chế, nhất là ở cấp xã; vấn đề quản lý, điều trị cho người sử dụng ma túy bị loạn thần hiện nay là rất khó khăn vượt quá năng lực của cơ quan y tế cơ sở, hiện chưa có quy định cụ thể nào để xác định tình trạng người nghiện ma túy bị loạn thần và chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, chữa trị bệnh và cai nghiện ma túy cho những đối tượng này. Vì vậy, các đối tượng này sau khi về địa phương lại tiếp tục sử dụng ma túy và phạm tội về ma túy đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.
4. Công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa được các cấp, các ngành thực sự chú trọng, bên cạnh đó, công tác rà soát, thống kê người nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Số người sử dụng ma túy tổng hợp khó phát hiện, một số nơi chưa có đủ test thử ma túy để làm xét nghiệm; chưa ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác thống kê người nghiện ma túy. Do vậy, vẫn còn một tỷ lệ đáng kể số người nghiện chưa bị phát hiện và có hồ sơ quản lý.
5. Tội phạm ma túy là tội phạm ẩn, hoạt động hết sức kín đáo, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt; chúng triệt để lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các thành tựu của khoa học kỹ thuật để hoạt động, ít để lại dấu vết tại hiện trường và rất ít người làm chứng; khi bị phát hiện, bắt giữ thì chống trả quyết liệt để tẩu thoát, tìm mọi cách để tiêu hủy chứng cứ, ngoan cố không khai nhận về hành vi phạm tội của bản thân và đồng bọn nên rất khó khăn cho việc phát hiện bắt giữ và điều tra mở rộng án.
6. Các quy định giữa Luật phòng, chống ma túy; Luật xử lý vi phạm hành chính và các Văn bản hướng dẫn thi hành không thống nhất, dẫn đến vẫn lúng túng trong tổ chức thực hiện; một số quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, tạo kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động, cụ thể: Quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 221/2013/NĐ-CP và các Văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ và thiếu tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc phải qua nhiều cơ quan (Công an xã, phường, Phòng Lao động TB&XH, Phòng Tư pháp, TAND cấp huyện) nên để ra được Quyết định đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc phải mất nhiều thời gian. Quá trình lập hồ sơ phải thông báo cho người bị lập hồ sơ biết nên những người này thường bỏ trốn trước khi có Quyết định của Tòa án dẫn đến hiệu quả công tác lập hồ sơ và bắt đối tượng đi cai nghiện bắt buộc đạt còn hạn chế.
7. Công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện hiệu quả còn thấp; việc chuyển đổi sang mô hình mở, thân thiện cộng đồng còn chưa mạnh, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa được quan tâm chỉ đạo và gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc mở rộng chương trình Methadone chưa đạt mục tiêu, chỉ có tác dụng đối với người sử dụng ma túy dạng thuốc phiện, hiện nay chưa có thuốc cai nghiện đối với người nghiện ma túy tổng hợp. Trong khi đó nhiều đối tượng nghiện ma túy cùng lúc sử dụng nhiều loại ma túy khác nhau nên việc cai nghiện ma túy rất khó khăn, hiệu quả thấp; bên cạnh đó những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện có nơi cơ trú vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số người cai nghiện tự nguyện thấp, trong đó có lý do chưa có cơ chế khuyến khích người nghiện cai tự nguyện.
8. Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, kinh phí phục vụ công tác phòng, chống ma túy còn thiếu. Lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy nói chung, lực lượng CSĐTTP về ma túy nói riêng còn mỏng, thiếu biên chế, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của CBCS không đồng đều và còn nhiều bất cập nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trong giai đoạn hiện nay.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Công an tỉnh Hưng Yên đã và đang thực hiện một số giải pháp sau:
Một là: Chủ động làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy dưới nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng địa bàn, đối tượng kịp thời phát hiện, nhận rộng các điển hình tiên tiến, gắn với việc dây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh, an toàn.
Hai là: Tăng cường công tác phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, các đơn vị nghiệp vụ Công an trong và ngoài tỉnh, nhất là với các lực lượng ở cơ sở thực hiện công tác nắm tình hình, tập trung những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, tạo thế chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống, truy quét tội phạm và tệ nạn ma túy; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, tập trung vào các đường dây, đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến Tây Bắc, Đông Bắc và các tỉnh đi qua hoặc về Hưng Yên tiêu thụ để chủ động có kế hoạch phối hợp đấu tranh triệt phá, ngăn chặn nguồn ma túy từ các tỉnh về Hưng Yên tiêu thụ; kiên quyết không để tình trạng tội phạm về ma túy hoạt động công khai gây bức xúc trong nhân dân, không để xảy ra điểm nóng về tội phạm và người nghiện ma túy trên địa bàn.
Ba là: Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; kết hợp linh hoạt, chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ để chủ động kiểm soát, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh ở các địa bàn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy, không để hình thành các điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy phức tạp gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể làm tốt công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho những người sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và đưa vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Bốn là: Nâng cao hiệu quả công tác điều tra mở rộng các vụ án, kiên quyết đấu tranh, làm rõ để bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây, mua bán ma túy, truy bắt và tăng cường xác minh truy bắt, vận động đối tượng truy nã về ma túy ra đầu thú. Phối hợp chặt chẽ với các ngành làm án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, đảm bảo đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống ma túy để rút kinh nghiệm. Nhất là tổng kết các vụ án, chuyên án lớn để rút ra các bài học kinh nghiệm.
Năm là: Chủ động nghiên cứu đề xuất hoàn thiện tổ chức và nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là tại các địa bàn phức tạp về ma túy đảm bảo đủ quân số để quán xuyến địa bàn và triển khai lực lượng thực hiện các kế hoạch công tác cụ thể; đầu tư kinh phí, tranh bị các loại vũ khí và phương tiện kỹ thuật nhằm đảm bảo tính chất áp đảo của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy.
Thượng tá Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng phòng CSĐTTP về ma túy