Với tinh thần "Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an” Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ Nhân dân triển khai các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Khi cơn bão đi qua
Tối 1/9/2024, cơn bão số 3 - siêu bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippines. Sáng 2/9, bão vượt qua khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippines) đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông trở thành cơn bão số 3 năm 2024. Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua đã để lại những hậu quả nặng nề khiến nhiều người chết, bị thương và mất tích, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; nhiều nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, bị đổ, tốc mái, hư hại nặng nề; rất nhiều cây xanh ở các địa phương bị gẫy, đổ… Vào Việt Nam, bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa; gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía Bắc đã bị tổn thất rất nặng nề. Trong khi chính quyền, lực lượng chức năng và người dân các địa phương đang “căng mình” khắc phục hậu quả sau bão thì tại nhiều địa phương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mực nước ở các sông dâng cao khiến nhiều địa phương bị ngập lụt, người dân tiếp tục phải “oằn mình” chống chọi với lũ lụt.
Đường đi của cơn bão số 3 - bão Yagi (Nguồn ảnh: Internet)
Mưa lũ trong những ngày vừa qua đã khiến nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề. Sạt lở đất đã làm nhiều người chết và mất tích; nhiều ngôi nhà bị ngập, sập đổ, hư hỏng, hàng nghìn ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập, vùi lấp; hàng vạn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều con đường, cây cầu bị ảnh hưởng, xuống cấp; ngập lụt đang làm chia cắt nhiều nơi, nhiều khu vực dân cư bị cô lập.
Tại tỉnh Hưng Yên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mực nước sông Hồng, sông Luộc qua địa bàn tỉnh dâng cao, nhiều nơi đã ngập sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Tính đến 13 giờ ngày 10/9/2024, mực nước trên sông Hồng tại Hưng Yên là 6,12m (kém 18cm là tới báo động 2); mực nước trên sông Luộc là 4,29m (kém 41cm là tới báo động 2). Đến 18 giờ ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh có Công điện khẩn số 03/CĐ-BCHPCTT về việc phát lệnh báo động II trên tuyến đê tả sông Hồng.
Đến 6 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Luộc tại Trạm thủy văn La Tiến là 4,72m (trên báo động II là 2cm) và tiếp tục lên. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành Công điện khẩn số 04/CĐ-BCHPCTT về việc phát lệnh báo động II trên tuyến đê tả sông Luộc kể từ 7 giờ ngày 11/9/2024. Với mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hưng Yên vào 9 giờ ngày 11/9 đo được là 7,02m (trên báo động số 3 là 2cm), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh có Công điện khẩn số 05/CĐ-BCHPCTT về việc phát lệnh báo động 3 trên tuyến đê tả sông Hồng kể từ 10 giờ ngày 11/9/2024.
Lan tỏa hình ảnh người chiến sỹ Công an Hưng Yên "Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”
Trước ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 dẫn đến mực nước trên các sông dâng cao, một số địa phương đã bị ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát huy cao độ tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”, "Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”, tích cực, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ; đồng thời phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tại các địa phương triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân.
Cán bộ chiến sỹ lực lượng Công an toàn tình tổ chức trực 24/24h, bảo đảm công tác thường trực chiến đấu, thông tin liên lạc thông suốt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động khi có tình huống xảy ra. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường thuỷ, bố trí phân luồng, cảnh báo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã và Công an các xã, phường, thị trấn đã tập trung lực lượng, phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, hỗ trợ người dân triển khai các biện pháp ứng phó với ngập lụt. Phối hợp đưa người dân, di dời tài sản đến nơi an toàn; hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản… Những ngày qua, hình ảnh cán bộ chiến sỹ dầm mình trong mưa gió, ngập lụt để đồng hành, hỗ trợ Nhân dân kiên cường trước sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai đã để lại bao ấn tượng tốt đẹp về tình “quân – dân”, về sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng với mong muốn đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất các thiệt hại cho Nhân dân.
Cán bộ chiến sỹ hỗ trợ đưa người dân và di dời tài sản đến nơi an toàn
Đêm 10/9/2024, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã tham gia đoàn công tác kiểm tra tình hình thực tế công tác phòng, chống lũ tại một số tuyến đê xung yếu trên địa bàn các xã: Phụng Công, Mễ Sở (huyện Văn Giang); Bình Minh (huyện Khoái Châu), Mai Động (huyện Kim Động); Thụy Lôi (huyện Tiên Lữ), Nguyên Hòa (huyện Phù Cừ). Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, đồng chí Giám đốc yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương triển khai ngay các biện pháp để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, tăng cường nắm tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ mưa lũ, nâng cao nhận thức, ý thức tự bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình thực tế công tác phòng, chống lũ tại một số tuyến đê xung yếu
Dự báo trong những ngày tới, mực nước tại các sông sẽ tiếp tục dâng cao và lên rất nhanh. Để kịp thời ứng phó với tình hình thời tiết bất thường, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xuống địa bàn phối hợp giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của mưa lũ sau bão và mực nước ở các sông, nhất là khu vực sông Hồng, sông Luộc để chủ động triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra an ninh, an toàn hệ thống đê, kè, cống, các vị trí xung yếu; các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt; quản lý chặt chẽ các bến bãi; rà soát công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực để huy động được ngay khi cần, nỗ lực bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân.
Phương Huyền – Công an tỉnh