Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV (kỳ họp thứ 5) thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019.
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Nhà nước về bảo vệ an ninh mạng. Việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của tình hình an ninh mạng trong nước, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Hiến pháp năm 2013.
Trước và trong quá trình xây dựng Luật An ninh mạng, đã xuất hiện một số ý kiến trái chiều cho rằng Luật An ninh mạng sẽ “vi phạm quyền con người, bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận”; chỉ trích việc thi hành Luật sẽ khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động trên Internet gặp khó khăn,.. Nhiều đối tượng đã lợi dụng đẩy vấn đề lên thành công kích chế độ chính trị của Việt Nam là “độc tài”, “toàn trị”.
Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, Luật An ninh mạng đã cho thấy nhiều kết quả tích cực đối với đời sống xã hội. Môi trường không gian mạng đang dần trở nên văn minh, lành mạnh hơn. Nhiều thông tin, bài viết, video có xu hướng kích động, ảnh hưởng tiêu cực tới chuẩn mực, đạo đức xã hội đã được ngăn chặn, xử lý; đời tư cá nhân được bảo vệ; hoạt động kinh doanh lành mạnh trên môi trường mạng vẫn được đảm bảo; mọi cá nhân vẫn được bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, tự do ngôn luận, hoàn toàn không bị hạn chế nếu chấp hành các quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) đang diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã lợi dụng, đưa ra các thông tin thất thiệt, sai lệch về dịch bệnh nhằm trục lợi cá nhân, câu like, gây hoang mang dư luận. Căn cứ các quy định pháp luật, đặc biệt là Luật An ninh mạng, cơ quan chức năng khắp các địa phương trên cả nước có cơ sở tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tại Hưng Yên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về công tác đảm bảo ANTT liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Công an tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp nghiệp vụ; trong đó, tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát trên không gian mạng, kịp thời phát hiện một số trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Hưng Yên đã triệu tập, làm việc với 12 trường hợp; trong đó, lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 trường hợp với tổng số tiền phạt là 32,5 triệu đồng, đang củng cố hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 trường hợp, lập biên bản nhắc nhở đối với 1 trường hợp, và tiếp tục xem xét hình thức xử lý đối với các trường hợp còn lại.
Minh Phương