Thời gian vừa qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn cả nước diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke…gần đây nhất là vụ cháy nhà dân tại số 1, ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội làm 14 người tử vong, sự việc rất đáng tiếc gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 23 vụ cháy, làm 02 người bị thương, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy, nổ là do sự cố của các thiết bị điện, sự bất cẩn, chủ quan của người dân về công tác PCCC; việc tuân thủ các quy định về an toàn PCCC của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình và bộ phận người dân chưa nghiêm, chưa thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, chưa giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn nhiệt, nguồn điện... không lắp đặt, trang bị hoặc không bảo trì, bảo dưỡng hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy và các phương tiện chữa cháy khác…dẫn đến các sự cố cháy, nổ xảy ra. Bên cạnh đó, việc xử lý tình huống cháy ban đầu của lực lượng cơ sở còn lúng túng, kỹ năng thoát nạn của nhân dân còn hạn chế.
Trước tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương và quan trọng hơn nữa là ý thức của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, khu vực trọng điểm về PCCC, quản lý đảm bảo chặt chẽ theo phân cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các quy định về PCCC như tăng cường số lượng, thời lượng phát sóng chuyên trang, chuyên mục về PCCC; phối hợp tổ chức tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn PCCC trên loa phát thanh; tổ chức phát tờ rơi tại các khu vực, cơ sở tập trung đông dân cư, tuyên truyền trực tiếp về công tác PCCC; hướng dẫn, khuyến cáo các nội dung về công tác PCCC và CNCH trên nền tảng mạng xã hội; xây dựng, nhân rộng mô hình về PCCC. Thực hiện rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, thành lập các đoàn kiểm tra tổ chức kiểm tra đối với các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Công an tỉnh phối hợp với Đài PTTH tỉnh mở chuyên mục về “An toàn cháy nổ”
Tổ chức diễn tập phương án PCCC và CNCH tại Tòa nhà Viettel (TP Hưng Yên)
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tăng cường tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Công an các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tổ chức rà soát, xây dựng phương án chữa cháy, CNCH trong khu dân cư có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia để chủ động xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại; hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực tập phương án chữa cháy đối với các khu dân cư có sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ trong phạm vi quản lý. Điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC, nhằm tạo sức răn đe, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCC.
Công an tỉnh Hội nghị tập huấn công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Hưng Yên năm 2024
Ngoài ra, với mục tiêu ngăn chặn kịp thời tai nạn cháy, nổ có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy thiệt hại về tính mạng, tài sản cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, đề nghị người dân thực hiện tốt các giải pháp như thường xuyên kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác. Không để trẻ em, người già đun nấu một mình. Dập tắt lửa, tàn lửa hoàn toàn đối với các loại bếp khi đã sử dụng xong; Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các sự cố hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến quá tải chạm chập, ngắn mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các mối nối trên dây dẫn điện phải được siết chặt; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn, có thiết bị bảo vệ. Không sạc xe điện, các thiết bị điện tử qua đêm, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khi ra khỏi nhà phải ngắt các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng./.
Phương Nhung