Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó có 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.
Còn ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng (theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ kế hoạch và đầu tư). Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của nước ta.
Theo thống kê ở Việt Nam, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng
Chất thải nhựa được thải ra môi trường từ nhiều nguồn khác nhau như từ sinh hoạt, hoạt động công nghiệp, y tế,... Rác thải nhựa có thời gian phân hủy dài, có khi lên đến 100 năm, thậm chí 1000 năm. Quá trình phân hủy, chúng sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ (mảnh vi nhựa) đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn… Khi con người tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như mất cân bằng hoóc-môn, bệnh về hô hấp, bệnh về thần kinh… Việc xử lý rác thải nhựa bằng cách đốt sẽ tạo ra khí dioxin và fura… gây khó thở, rối loạn tiêu hoá, làm tăng khả năng ung thư cũng như gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác cho sức khỏe cộng đồng. Còn xử lý bằng cách chôn lấp sẽ tồn tại cả trăm năm dưới đất, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, hoặc gây ra thay đổi tính chất vật lý của đất, làm đất không giữ được nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh; đồng thời gây suy giảm, thậm chí phá hủy đa dạng sinh học, làm thay đổi cấu trúc, thành phần của hệ sinh thái biển. Những rác thải nhựa do bị vứt hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống cống, sông, hồ, sông… sẽ làm thu hẹp diện tích ao, hồ, sông gây cản trở các dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người.
Chất thải nhựa ngày càng đáng báo động
Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái sử dụng, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; đồng thời yêu cầu đảng viên, cán bộ chiến sỹ Công an toàn tỉnh phải gương mẫu, tiên phong thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (như túi nilon, bao gói nhựa, hộp xốp, chai lọ nhựa...); sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong các sinh hoạt hàng ngày; tích cực tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, duy trì hoạt động tình nguyện “Chủ nhật xanh” dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải, khơi thông dòng chảy, hệ thống thoát nước tại cơ quan, đơn vị, khu dân cư,…
Công an các đơn vị, địa phương không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, túi nhựa đựng tài liệu, ống hút nhựa, chai nhựa đựng nước dùng một lần,… trong các hội nghị, cuộc họp và các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, các hoạt động khác tại cơ quan; thay thế bằng cốc thủy tinh, sành, sứ; thay thế phông nền biểu ngữ in bạt nhựa bằng việc sử dụng màn hình tivi, màn chiếu, màn hình led, chữ cắt dán bằng giấy. Bệnh xá, các bếp ăn tập thể hạn chế sử dụng túi nilon, bố trí thùng rác để đựng và phân loại rác thải, không để lẫn với chất thải hữu cơ dễ phân hủy.
Các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là trong lĩnh vực vận chuyển, chôn lấp trái phép rác thải từ nhựa và nilon; đồng thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất, tái chế nhựa phế liệu.
Giảm thiểu rác thải nhựa không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân, tổ chức nào; mỗi người đều cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và hành động cụ thể bằng việc thay đổi thói quen, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần cải tạo môi trường, vì một thế giới xanh, sạch, đẹp.
Minh Phương