Thông tin chỉ đạo, điều hành
Đăng ngày: 25/03/2021 - Lượt xem: 701
Công an tỉnh thực hiện nội dung cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê quy định tại Luật đầu tư năm 2020

Sau khi được đại đa số các đại biểu thông qua, ngày 17/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) số 61/2020/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật gồm 6 chương với 77 điều. Trong đó, Khoản 1 Điều 6 có quy định: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện nội dung cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020. Theo đó, các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã không thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ đối với hoạt động đầu tư kinh doanh ngành, nghề dịch vụ đòi nợ; thông báo về việc không thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ biết, đồng thời yêu cầu cơ sở kinh doanh nộp lại bản chính Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho cơ quan Công an nơi cấp Giấy chứng nhận đó kể từ ngày 01/01/2021. Trình tự thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thực hiện theo quy định của Bộ Công an. 

.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

  Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các đơn vị, địa phương chủ động, kịp thời nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn cơ sở, làm tốt công tác quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp với lực lượng điều tra, trinh sát khi phát hiện có nghi vấn về các hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ bất hợp pháp; gắn với việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. 

Việc triển khai, thi hành Luật đầu tư năm 2020 với nhiều điểm mới đã góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam; bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh; hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng. Qua đó, tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Phương Huyền

Tin liên quan