Ngày 14/9/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Công điện số 2412/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Công điện gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố.
Công điện nêu: Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản chủ yếu liên quan tới các cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 15 vụ cháy liên quan đến nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chợ, các cơ sở phế liệu, cơ sở lưu trú (mới đây nhất, hồi 10h50’ ngày 13/9/2022, xảy ra vụ cháy tại chợ dân sinh thuộc thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm với diện tích cháy khoảng 350m2; không gây thiệt hại về người, thiệt hại tài sản 70 gian hàng tạm và các hàng hóa bên trong); nhìn chung, các vụ cháy chưa gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, tuy nhiên công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn cháy nổ, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện Công điện số 792/CĐ-TTg ngày 07/9/2022, Công điện số 683/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những vụ cháy gần đây gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số nội dung sau:
1. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, các văn bản, Kế hoạch, công văn chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCCC, trọng tâm là Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 09/7/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; Kế hoạch số 04/KH-UBND tỉnh ngày 12/01/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Công văn số 1052/UBND-NC ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh về tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà chung cư, nhà cao tầng…
2. Công an tỉnh
- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tổng thể các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh, trước mắt tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; lưu trú, tạm trú; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; chợ, trung tâm thương mại; cơ sở công nghiệp (hoàn thành trước 15/9/2022).
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, lập danh sách cụ thể, phân loại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh, đồng thời xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Thủ trưởng các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đối với từng cơ sở. Đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hiện đã đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC cần có biện pháp để duy trì, phát huy; các cơ sở chưa đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC phải yêu cầu chủ cơ sở xác định cụ thể lộ trình, biện pháp khắc phục kiến nghị đảm bảo an toàn PCCC, đồng thời chú trọng công tác phúc tra, hậu kiểm.
- Thực hiện nghiêm túc công tác thường trực, sẵn sàng huy động lực lượng tham gia tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ để khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Rà soát công tác cấp phép kinh doanh, hoạt động karaoke trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke; bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke; quá trình cấp phép phải căn cứ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự của cơ quan chức năng có thẩm quyền; tăng mức chế tài xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm quy định của pháp luật.
4. Sở Công thương
Chủ trì, chỉ đạo Công ty điện lực Hưng Yên nghiên cứu tham mưu, đề xuất thực hiện các giải pháp quản lý an toàn điện, nhất là an toàn điện sau công tơ điện tại các cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; cơ sở lưu trú, tạm trú. Tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Xây dựng; Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về PCCC, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Nghiên cứu tham mưu biện pháp xử lý, giải quyết đối với các công trình khi xin phép xây dựng là xây dựng nhà ở riêng lẻ, sau đó chuyển đổi sang kinh doanh.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên
- Phối hợp với Công an tỉnh xây dựng, đăng, phát tin, bài, phóng sự có nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH; tập trung xây dựng các tin bài, phóng sự, bài tuyên truyền về nguy cơ cháy, nổ và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Kịp thời đưa tin, bài, gương người tốt, việc tốt; phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm về công tác PCCC của tổ chức, cá nhân để giáo dục, phòng ngừa chung.
- Chỉ đạo các nhà mạng trên địa bàn tỉnh phối hợp với Công an tỉnh định kỳ gửi tin nhắn hệ thống cho các thuê bao di động để khuyến cáo, cảnh báo, thông tin và hướng dẫn các kỹ năng bảo đảm an toàn PCCC và CNCH.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, phòng chống tệ nạn xã hội tại cơ sở, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, cơ sở lưu trú, tạm trú.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh
Chủ động lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khoá trong nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học. Hướng dẫn học sinh, sinh viên tuyên truyền, hướng dẫn gia đình, người thân lưu ý quan tâm đến công tác PCCC tại gia đình và nơi kinh doanh, sản xuất.
9. UBND huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo củng cố, kiện toàn, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC duy trì hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy cơ sở nhằm nâng cao năng lực, khả năng xử lý tình huống cháy, nổ, phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, xử lý tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, góp phần giảm thiểu tính chất, mức độ, thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương; chỉ đạo UBND cấp xã chú trọng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, tổ chức rà soát bổ sung các cơ sở thuộc Phụ lục IV Nghị định số 136/2020/NĐ-CP trên địa bàn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; thành lập Đoàn liên ngành (thành phần gồm: UBND cấp xã, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an cấp huyện, Công an cấp xã, đơn vị quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, điện lực…) tổ chức kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn; yêu cầu chủ cơ sở chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy, mở lối thoát nạn thứ 2, xây dựng phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn; kiên quyết xử lý các vi phạm đã phát hiện, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định; tiến hành phúc tra lại việc thực hiện các kiến nghị của đoàn kiểm tra đối với cơ sở.
10. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các cấp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để cơ sở không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, không phép hoạt động xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra vi phạm, mất an toàn về PCCC tại địa bàn, cơ sở.
Giao Công an tỉnh chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện, tổng hợp kết quả, báo cáo theo quy định. Quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND tỉnh (qua Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh) để chỉ đạo, giải quyết./.
Đội Pháp chế và quản lý khoa học - Phòng Tham mưu