Thông tin chuyên đề
Đăng ngày: 16/04/2024 - Lượt xem: 994
Đáp ứng yêu cầu công cuộc chuyển đổi số, đảm bảo quyền và lợi ích của công dân

Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, Luật Căn cước năm 2023 với nhiều quy định cụ thể về căn cước, định danh điện tử cho công dân… giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền Kinh tế số, Xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Qua 9 năm triển khai thi hành, Luật Căn cước công dân năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, việc thi hành Luật cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do vậy, để tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta, việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 là cần thiết.

Luật Căn cước năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 27/11/2023, gồm 07 chương, 46 điều, quy định về: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 46.

 Việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 thành Luật Căn cước là một bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý nhà nước.

Luật có 10 điểm mới, cụ thể là:

  • Thứ nhất, chính thức đổi tên Căn cước công dân (CCCD) thành Căn cước

(Điều 3).

- Thứ hai, về giá trị sử dụng của thẻ CCCD, CMND đã được cấp (Điều 46): CCCD đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng hết thời hạn ghi trong thẻ, công dân có nhu cầu thì cấp đồi sang thẻ căn cước mới. CCCD và CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì có giá trị sử dụng đến ngày 30/6/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành mà dùng thông tin từ CMND hoặc CCCD vẫn có giá trị sử dụng.

- Thứ ba, CMND 9 số hết hiệu lực từ 01/01/2025 (Điều 46). CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.

- Thứ tư, thẻ căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú (Điều 18).

- Thứ năm, mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước (Điều 18 và Điều 19). Cụ thể, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Thứ sáu, về cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi (Điều 23): người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

- Thứ bảy, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30). Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

- Thứ tám, bổ sung quy định cấp căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33). Theo đó, mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID). Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

- Thứ chín, bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23). Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện.

- Thứ mười, theo Điều 22 của Luật Căn cước, thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, số bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước năm 2023 bổ sung độ tuổi cấp Căn cước đối với người dưới 14 tuổi, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của người dân. Việc bổ sung quy định này là bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 05 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan; đồng thời, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Mặt khác, thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc sử dụng giấy khai sinh với kích thước của tờ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời; giấy này chỉ có các biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, lạc hậu, dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin của người dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho người dân. Trong khi đó, thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ Bảo hiểm y tế, Sổ tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày nên hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này là rất lớn.

Về chi phí, lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, Bộ Công an đã rà soát, đánh giá và thấy rằng nếu thực hiện quy định này thì xã hội không tốn chi phí trong cấp sổ tiêm chủng (10.000đ/sổ), sổ khám chữa bệnh (10.000đ/sổ/01 cơ sở y tế; trung bình 01 trẻ khám từ 02-03 cơ sở y tế), thẻ bảo hiểm y tế (5.000đ/thẻ/01 năm), thẻ học sinh (5.000đ/thẻ/01 năm học/người), chi phí … (với số công dân dưới 14 tuổi là 19 triệu người thì ước tính số tiền mà nhà nước và xã hội phải chi là khoảng 2000 tỷ chỉ với một số ít giấy tờ liệt kê nêu trên). Ngoài ra, người dân còn tiết kiệm chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ (từ 2.000đ-10.000đ/trang).

Trong khi đó, chi phí sản xuất 01 thẻ Căn cước công dân là 48.000đ; chi phí sản xuất thẻ Căn cước công dân cho các công dân dưới 14 tuổi (trường hợp tất cả 19 triệu người dưới 14 tuổi đều có nhu cầu cấp) là khoảng hơn 900 tỷ đồng. Chí phí cấp đổi, cấp lại cho người dưới 14 tuổi nếu bị mất, đổi theo nhu cầu do công dân thanh toán, không tốn ngân sách nhà nước.

Từ năm 1.1.2016 đã triển khai cấp số định danh cho trẻ em mới sinh. Số định danh được cấp sẽ được ghi vào Giấy khai sinh để cấp cho công dân. Việc cấp Thẻ căn cước cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc sử dụng giấy khai sinh với kích thước của tờ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời; giấy này chỉ có các biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, lạc hậu, dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin của người dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho người dân. Trong khi đó, thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ Bảo hiểm y tế, Sổ tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày.

Luật Căn cước năm 2023 cũng quy định việc sử dụng thẻ căn cước, cụ thể là: Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau. Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.

Thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước bao gồm:

- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

- Dòng chữ “CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC”;

- Ảnh khuôn mặt, vân tay;

- Số định danh cá nhân;       

- Họ, chữ đệm và tên;

- Ngày, tháng, năm sinh;

- Giới tính;

- Nơi sinh;

- Quê quán;

- Dân tộc;

- Tôn giáo;

- Tình trạng hôn nhân;

- Nơi ở hiện tại;

- Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ;

- Ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp;

- Thời hạn sử dụng.

Luật Căn cước năm 2023 quy định một số điểm mới đối với công tác cấp thẻ căn cước, cụ thể là: Việc thay đổi mẫu thẻ căn cước không tác động đến những người đã được cấp thẻ căn cước công dân; những thẻ căn cước công dân đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ. Luật quy định việc sắp xếp, lược bỏ một số thông tin in trên thẻ căn cước công dân như vân tay, đặc điểm nhân dạng, thay thế thông tin về nơi thường trú, quê quán thành nơi cư trú, nơi đăng ký khai sinh… là để bảo đảm thuận lợi cho công dân khi sử dụng thẻ căn cước công dân, bảo đảm tính riêng tư cho công dân khi thông tin sinh trắc học về vân tay được lưu trữ bảo mật trong chíp điện tử. Công dân không có nơi thường trú, tạm trú thì vẫn được cấp thẻ căn cước công dân (như công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài…). Việc cấp, đổi thẻ căn cước công dân khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của công dân (không bắt buộc); công dân có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước công dân điện tử (đây là tiện ích miễn phí trên ứng dụng VNeID) để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác mà không phải cấp đổi thẻ căn cước công dân. Việc cấp lại thẻ căn cước công dân được thực hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công đem lại thuận lợi tối đa cho công dân. Luật Căn cước năm 2023 quy định việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước.

Đối với quy định bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ Căn cước: Việc bỏ thông tin quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ căn cước để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Việc chỉnh lý thông tin “nơi thường trú” in trên thẻ căn cước công dân thành “nơi cư trú” in trên thẻ căn cước để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì với tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước; đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tuỳ thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.

Ngày 11/3/2024, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã chủ động đề xuất đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên tham mưu đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 11/3/2024 triển khai thi hành Luật căn cước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 949/KH-CT-PC06 ngày 15/3/2024 triển khai thi hành Luật căn cước trong lực lượng Công an tỉnh; Kế hoạch số 950/KH-CAT-PC06 ngày 15/3/2024 triển khai các hạng mục thực hiện Luật căn cước; Công văn số 587 và 588/CAT-PC06 ngày 20/2/2024 gửi Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đề nghị phối hợp triển khai các quy định của Luật Căn cước. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ và Công an huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, những điểm mới của Luật căn cước để người dân nắm được và thực hiện. Tham mưu quán triệt, triển khai các quy định của Luật căn cước đến toàn thể cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành Kế hoạch tham gia Cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật căn cước trong Công an nhân dân” do Bộ Công an tổ chức.

Với những ý nghĩa thiết thực, có thể khẳng định, dự thảo Luật Căn cước là một sáng kiến mang tính đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công dân và phát triển chuyển đổi số quốc gia./.

Đội Hướng dẫn đăng ký Quản lý cư trú, cấp, quản lý căn cước công dân -

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh

Tin liên quan