Vào ngày 30 tháng 4 năm 2025, tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Đây không chỉ là sự kiện quan trọng khẳng định giá trị vĩ đại, ý nghĩa to lớn của Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn mang ý nghĩa chính trị và tinh thần sâu sắc, giúp kết nối thế hệ và giáo dục lòng yêu nước cho toàn thể nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay.
Về ý nghĩa của sự kiện lịch sử quan trọng này, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Đại thắng mùa xuân năm 1975 sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam”. Sự kiện này cũng đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
.jpg)
Thấm nhuần tư tưởng đó, trước mốc son chói lọi kỷ niệm 50 năm diễn ra sự kiện, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo, định hướng và đặt yêu cầu rất cao đối với công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trọng tâm là các hoạt động lớn ở cấp Trung ương, vừa phải có ý nghĩa tri ân, có giá trị tuyên truyền, giáo dục về chính trị - tư tưởng, vừa phải mới, hấp dẫn nhưng đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiện và hướng tới người dân để người dân được thụ hưởng.
Những luận điệu xuyên tạc, chống phá, thù địch
Trong khi cả đất nước hướng về sự kiện trên với một niềm tự hào và trân trọng; trên không gian mạng và một số diễn đàn đã xuất hiện những ý kiến đi ngược lại với suy nghĩ, tình cảm của dân tộc và bị các thế lực thù địch, đối tượng xấu ra sức bóp méo, xuyên tạc ý nghĩa của việc tổ chức diễu binh, diễu hành. Chúng sử dụng những luận điệu sai trái, thù địch, vô căn cứ, nói rằng việc diễu binh, diễu hành là “phô diễn vũ lực”, “khoe khoang khí tài, gây phản cảm”, “lãng phí ngân sách”, “trái với ý dân”. Bên cạnh đó còn phủ nhận những giá trị lịch sử của Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để thực hiện âm mưu, ý đồ chống phá, chúng đã liên kết, tổ chức nhiều hoạt động với chủ đề “Tháng Tư đen”, “Ngày quốc hận”: Trong đó, đã thành lập nhiều “ban”, “hội đồng” tại Mỹ, Úc và châu Âu để quy tụ, tập hợp số “tàn dư chế độ cũ” và các “Cộng đồng người Việt tị nạn” ở một số nước…
Mặc dù những luận điệu trên đã gây hoài nghi, dao động cho một bộ phận nhỏ trong cộng đồng, chủ yếu là những thành phần có quan điểm chính trị lệch lạc, thiếu hiểu biết. Thực tế cho thấy rằng đại bộ phận nhân dân đều có nhận thức đúng đắn, thậm chí khiến cho chiêu trò chống phá của các thế lực trở nên phản tác dụng. Tại không ít những bài đăng phản tuyên truyền của chúng, dưới phần bình luận đã có rất nhiều người phản bác, thậm chí thể hiện thái độ rất cứng rắn trước những thông tin sai lệch trên.
.jpg)
Người dân Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh hiện nay) đổ ra đường ăn mừng chiến thắng lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975
Tỉnh táo trước những luận điệu chống phá, xuyên tạc
Trước tiên, cần hiểu rằng diễu binh, diễu hành hay duyệt binh (ở một số nước) để kỷ niệm vào các ngày lễ lớn là những sự kiện không còn xa lạ trên thế giới, có lịch sử rất lâu đời. Tại một số quốc gia, sự kiện này còn được tổ chức thường niên, như: Nga, Pháp, Vương Quốc Anh ở châu Âu; Ấn Độ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở châu Á… Đây là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong lĩnh vực chính trị và quân sự, phản ánh sự phát triển kinh tế, xã hội nhằm tri ân các thế hệ chiến sĩ, giữ gìn truyền thống lịch sử, phát huy tinh thần xây dựng đất nước và góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia; đồng thời mang những thông điệp riêng, điển hình như: Liên bang Nga dùng lễ duyệt binh hằng năm vào Ngày kỷ niệm chiến thắng chống quân phát xít Đức để khẳng định vai trò chống phát xít của họ trong thế chiến thứ II; còn Trung Quốc lại tổ chức diễu hành, duyệt binh nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của Đảng Cộng sản và thông điệp Giấc mộng Trung Hoa…
Đối với nước ta, lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng mang nhiều ý nghĩa riêng. Buổi lễ có sự tham gia của 48 khối diễu binh, diễu hành, trong đó 36 khối thuộc lực lượng Quân đội, Công an Nhân dân và 12 khối dân sự đại diện cho quần chúng nhân dân, trí thức, người lao động, thanh thiếu nhi, những lực lượng tham gia làm việc, xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới; thể hiện cho tinh thần đoàn kết xuyên suốt chiều dài lịch sử của mọi tầng lớp nhân dân trên đất nước ta. Đặc biệt buổi lễ còn có sự tham gia của các lực lượng quân đội thuộc 03 nước: Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Quân đội Nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia như một sự tri ân sâu sắc đến những đóng góp của 03 nước trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Bên cạnh đó, với sự tham dự của nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, đại diện các chính đảng, tổ chức quốc tế, phong trào hòa bình, phong trào phản chiến, buổi lễ góp phần truyền tải hình ảnh về đất nước Việt Nam đổi mới, hội nhập, thân thiện với quốc tế; thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao của nước ta trong tương lai.
.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm tại chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Những luận điệu xuyên tạc, chống phá vô căn cứ, thiếu phân tích khách quan
Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam sẽ không có khối điều khiển các khí tài quân sự, hoàn toàn không có sự “phô diễn vũ lực” mà chỉ có niềm tự hào dân tộc, đoàn kết, đồng lòng. Trong những ngày tập luyện, hợp luyện, sơ duyệt và tổng duyệt vừa qua, đã có hàng ngàn, hàng vạn người dân từ nam, nữ thanh niên đến những người cao tuổi, từ hàng ngũ trí thức đến những người dân lao động và cả những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam đổ ra đường để ngắm nhìn đoàn diễu binh, diễu hành bất kể thời tiết nắng mưa. Không khí hào hùng của Đại thắng mùa Xuân 1975 chưa bao giờ được tái hiện sống động như thế. Cùng với đó là hàng triệu người dân theo dõi những tin tức, những thước phim qua màn ảnh nhỏ. Tất cả đều có chung một niềm tự hào, phấn khởi, hân hoan trước sự kiện lịch sử của đất nước, dân tộc. Điều này thể hiện rằng những ý kiến phản đối lễ diễu binh, diễu hành đều mang những luận điểm chủ quan, vô căn cứ, không đại diện cho ý kiến chung của toàn thể Nhân dân.
.jpg)
Kết lại, việc tổ chức diễu binh, diễu hành không phải để vui mắt, mà để nhắc nhở con cháu: Muốn có hòa bình, phải giữ lấy khí phách; muốn có độc lập, phải cảnh giác từng giờ. Đây là sự kiện thể hiện ý chí chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Qua đó chúng ta muốn giới thiệu về đất nước Việt Nam đoàn kết, hoà bình, hiện đại, đi lên từ chiến tranh. Trong thời đại toàn cầu hoá, diễu binh, diễu hành hay duyệt binh không chỉ là dịp để tưởng nhớ lịch sử mà còn là cách để khẳng định vị thế của nước ta trong khu vực. Giống như lễ duyệt binh năm 2015 với sự tham gia của các lực lượng hiện đại đã góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong mắt các nước ASEAN và các đối tác như Hoa Kỳ và Nhật Bản. Từ đó củng cố lập trường tôn trọng nền hoà bình trong khu vực cũng như trên toàn thế giới nhưng cũng không kém phần kiên quyết trong vấn đề độc lập, chủ quyền của nước ta trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Vũ Tùng Lâm - Phòng Tham mưu