Tin tức, sự kiện
Đăng ngày: 25/01/2021 - Lượt xem: 1242
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn (23/01/1916-23/01/2021)

Nhân dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của đồng chí Trần Quốc Hoàn (23/01/1916-23/01/2021), để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp, nhân cách cao đẹp và những cống hiến của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với lực lượng Công an nhân dân nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung; tôn vinh và tri ân đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân.

Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị - Bộ Công an đã biên soạn đề cương tuyên truyền kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an (23/01/1916 - 23/01/2021).

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,

nguyên Bộ trưởng Bộ Công an (23/01/1916 - 23/01/2021)

          Thực hiện hướng dẫn tuyên truyền của Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị và chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị phối hợp với phòng Tham mưu đăng tải Đề cương tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh. Dưới đây là nội dung Đề cương tuyên truyền.

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn, nguyên Ủy viên

Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an (23/01/1916 - 23/01/2021)

Đồng chí Trần Quốc Hoàn tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916, trong một gia đình nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Với 70 năm tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng và cũng bằng ấy năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí được phân công giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, như: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Liên khu ủy II, Bí thư Liên khu ủy X, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Dân vận Trung ương... Trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có đạo đức trong sáng, chân thành, khiêm tốn, giản dị, yêu thương đồng chí, đồng bào. Do có những công lao to lớn đối với cách mạng, đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý.

1. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - từ một thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản trung kiên của Đảng và cách mạng Việt Nam

Sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước những năm 1925-1926, năm 1930, đồng chí Trần Quốc Hoàn tham gia tổ chức Học sinh phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi thoát ly gia đình đi làm phu mỏ chì Boneng ở Lào, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3/1934, khi mới 18 tuổi. Từ đó, đồng chí làm việc theo sự phân công và hướng dẫn của Đảng. Cuối năm 1934, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, kết án 8 tháng tù giam và 5 năm biệt xứ. Hết hạn tù, thực dân Pháp đưa đồng chí về quản thúc tại Hà Tĩnh. Năm 1936, đồng chí trốn ra Hà Nội, tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ, công tác trực tiếp ở các tờ báo “Bạn Dân”, “Thời thế”, “Hà Thành thời báo” cùng các hoạt động công khai của Mặt trận Dân chủ.

Năm 1937, theo chỉ thị của Đảng, đồng chí rút vào hoạt động bí mật, tham gia Thường vụ Thành ủy, làm Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bị địch theo dõi, truy nã, tháng 5/1940, đồng chí được tổ chức bố trí rút khỏi Hà Nội và giao nhiệm vụ ở cơ quan in báo “Giải phóng” (sau đổi thành báo “Cờ Giải phóng”), cơ quan tuyên truyền và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Thông qua các hoạt động báo chí, đồng chí đã có những đóng góp lớn vào sự nghiệp tuyên truyền, vận động cách mạng của Đảng.

Trước tình hình phong trào cách mạng ngày một phát triển, đồng chí được Trung ương cử phụ trách hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Công việc đang tiến hành thuận lợi và phát huy hiệu quả thì đầu năm 1941, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt đưa về Hà Nội, kết án 6 năm tù và 20 năm quản thúc, đầy đi nhà tù Sơn La. Tại đây, từ cuối năm 1943, đầu năm 1944, đồng chí làm Bí thư Chi bộ nhà tù thay đồng chí Lê Thanh Nghị. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (3/1945), đồng chí đã cùng các chiến sĩ cách mạng tuyên truyền, vận động bọn cai ngục trả tự do cho chính trị phạm, an toàn rút về các vùng hoạt động của Đảng. Ra tù, từ tháng 4/1945, đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 12/1946, đồng chí được cử làm phái viên Trung ương ở Hà Nội. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng để xử lý các tình huống phức tạp xảy ra, hóa giải các thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được.

Năm 1947, đồng chí được Trung ương giao nhiệm vụ Bí thư Liên khu ủy khu II và sau đó, tháng 3/1948, làm Bí thư Liên khu ủy khu X, đến năm 1949, Đặc khu ủy Hà Nội thành lập, đồng chí được cử làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội. Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1952, đồng chí được phân công phụ trách lực lượng Công an rồi Bộ trưởng Bộ Công an cho đến năm 1980.

Từ tháng 9 đến tháng 10/1954, đồng chí Trần Quốc Hoàn được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng với các đồng chí khác trực tiếp tổ chức rất tốt cuộc tiếp quản Thủ đô và chuyển Chính phủ, Trung ương Đảng từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Năm 1972, đồng chí là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

Từ năm 1961-1980, đồng chí Trần Quốc Hoàn tham gia Quân ủy Trung ương, cuối năm 1980, được Trung ương cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử làm Trưởng ban Dân vận Trung ương. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII.

2. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - một Bí thư Thành ủy năng động, sáng tạo

Từ năm 1937, đồng chí Trần Quốc Hoàn tham gia Thường vụ Thành ủy, làm Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng các đồng chí khác trong Thành ủy tích cực xây dựng, phát triển cơ sở đảng, cơ sở quần chúng bí mật, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động công khai hợp pháp, nửa hợp pháp theo hướng “Lợi dụng hết các hoàn cảnh công khai mà tổ chức quần chúng”. Từ tháng 12-1946, đồng chí Trần Quốc Hoàn là phái viên Trung ương tại Mặt trận Hà Nội, tuy không trực tiếp làm Bí thư Thành ủy, nhưng đồng chí là đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách Thành ủy Hà Nội. Đồng chí đã cùng với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vương Thừa Vũ và các đồng chí trong Thành ủy Hà Nội lãnh đạo quân dân Thủ đô ráo riết chuẩn bị chiến trường, tổ chức chiến đấu, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, làm nên những thắng lợi to lớn trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Năm 1949, đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội. Đồng chí đã cùng với Đặc khu ủy nghiên cứu tình hình, xây dựng kế hoạch chuẩn bị chiến trường Thủ đô về quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội với phương châm chung là: “Lấy xây dựng lực lượng là chính, đấu tranh là để phục vụ xây dựng”. Trên cương vị Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Đồng chí dành nhiều thời gian để tiếp xúc cán bộ, nhất là cán bộ chuẩn bị vào hoạt động trong vùng địch và cán bộ từ vùng địch tạm chiếm ra căn cứ, để tìm hiểu tình hình, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng phương pháp hoạt động..., giúp cán bộ vượt qua thử thách, đấu tranh thắng lợi trước mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù. Bên cạnh đó, đồng chí hết sức chú ý, nâng cao trình độ cán bộ về chính trị, ý thức tư tưởng, phương pháp công tác. Thời gian này, đồng chí đã viết cuốn sách “Cách làm việc của một cấp ủy” và trực tiếp trình bày nội dung cuốn sách trong lớp tập huấn cán bộ Hà Nội.

Từ tháng 9/1954, Trung ương cử đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Xác định rõ trọng trách được giao, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã không quản khó khăn, nỗ lực hết mình để cùng tập thể cấp ủy chỉ đạo chuẩn bị tốt mọi công việc cho công tác tiếp quản, bảo đảm không ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của Nhân dân và an ninh trật tự của Thủ đô. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã dành nhiều công sức, suy nghĩ để cùng Đảng ủy tiếp quản đề ra nhiệm vụ, phương châm, kế hoạch cụ thể, tiếp quản từng mặt: quân sự, nội chính, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, y tế..., đảm bảo việc tiếp quản diễn ra thông suốt, an toàn và thắng lợi.

3. Đồng chí Trần Quốc Hoàn –  nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam

Với hơn 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, trong đó có 28 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có công lao to lớn trong xây dựng Công an nhân dân trở thành một lực lượng vũ trang cách mạng tin cậy, tuyệt đối trung thành của Đảng và Nhân dân, đấu tranh chống phản cách mạng, các loại tội phạm khác, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn là người có đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển lý luận Công an nhân dân Việt Nam. Trên cương vị Bộ trưởng, đồng chí đã tổng kết quá trình đấu tranh của lực lượng Công an nhân dân từ khi thành lập, rút ra những kết luận quan trọng về một số công tác cơ bản như: công tác bảo vệ cơ quan, công tác điều tra và nghiên cứu, công tác bắt và xét xử, công tác hỏi cung, vấn đề quản chế v.v, trong đó, đã kết luận nhiều vấn đề thuộc phạm vi những nguyên tắc, phương châm, chính sách... trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và bọn tội phạm khác, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Đó là cơ sở để Trung ương Đảng ra những nghị quyết quan trọng về Công an, là điều kiện để tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận Công an nhân dân.

Trên cương vị Bộ trưởng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng với lãnh đạo Bộ Công an tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề chiến lược, sách lược trong đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm khác, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách đó trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, trong xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và sau khi giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn coi trọng việc xây dựng lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đây là vấn đề có tính chiến lược trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và toàn bộ các mặt công tác Công an. Để phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, theo đồng chí, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải dựa vào quần chúng, phải biết gắn nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng với việc phục vụ quyền lợi thiết thân hằng ngày của quần chúng, gắn liền nội dung tuyên truyền với hành động thực tế. Phát huy tính tích cực, tính cảnh giác cách mạng của quần chúng, bồi dưỡng nâng cao tinh thần đấu tranh, phát triển mạng lưới Nhân dân từ hẹp đến rộng, từ nông đến sâu, vừa có khả năng phòng ngừa, vừa có khả năng chủ động tiến công địch liên tục là vấn đề có ý nghĩa quyết định, cơ bản nhất trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí và lãnh đạo Bộ Công an, phong trào “Bảo vệ trị an” (nay là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”) ngày càng phát triển sâu rộng, từ “Phòng gian bảo mật” với khẩu hiệu “Ba không”, “Ba chống”, “Ba phòng” trong kháng chiến chống thực dân Pháp; “Ba phòng”, “Ba không”, “Ba chống” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước; và, phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” từ năm 1976 đến nay đã góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nhận thức rõ sức mạnh của dân tộc phải gắn liền với phát huy sức mạnh của thời đại trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí và Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo tăng cường hợp tác quốc tế với cơ quan An ninh, Tình báo các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng. Từ những năm 1960, đồng chí đã sớm xây dựng mối quan hệ mật thiết với Ủy ban An ninh Liên Xô, Bộ An ninh Cộng hòa dân chủ Đức …, đặc biệt với Lào và Campuchia để khéo léo tranh thủ sự giúp đỡ về đào tạo cán bộ cho Công an Việt Nam, nhận viện trợ không hoàn lại để ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND. Đồng chí đã đặt nền móng cho sự phát triển quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng có hiệu quả giữa Công an Việt Nam với An ninh, Cảnh sát các nước.

Là người có tầm nhìn sâu rộng, đồng chí đã đề xuất với Trung ương Đảng mở các trường đào tạo sĩ quan và chiến sĩ công an, ứng dụng sớm các thành tựu khoa học vào ngành Công an, chú trọng những công tác đặc biệt như cơ yếu, tình báo, cả về chuyên môn và nhân sự, bảo đảm phục vụ kịp thời trước mắt và lâu dài cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Không chỉ vậy, đồng chí còn yêu cầu phải vận dụng kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học khác vào công tác công an như khoa học tâm lý - giáo dục, toán học, khoa học hình sự, khoa học pháp lý.

Là người lãnh đạo cao nhất của ngành Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn hết sức coi trọng việc chi viện cho An ninh miền Nam, đào tạo cán bộ công an cho miền Nam từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Công an đã liên tục chi viện cho An ninh miền Nam hơn một vạn cán bộ, trong đó có rất nhiều cán bộ cốt cán, lãnh đạo, chỉ huy cùng nhiều tài liệu huấn luyện, vũ khí, phương tiện nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường gần một vạn cán bộ khi vào tiếp quản miền Nam (1975) và triển khai mô hình tổ chức mới cho công an các tỉnh, thành phía Nam.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn còn thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, trở thành công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và sự tin cậy của Nhân dân. Thấm nhuần 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, đồng chí luôn xác định sức mạnh chiến đấu của Công an nhân dân là ở sự đoàn kết nhất trí về chính trị, sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức, kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Sức mạnh đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, từ sức mạnh của quần chúng nhân dân. Đồng chí yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “phải thật sự là đày tớ trung thành, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng nhân dân, phải được sự giám sát chặt chẽ, được sự phê bình của quần chúng nhân dân”[1] . Đồng chí cũng nêu rõ yêu cầu về đạo đức cách mạng đối với lực lượng Công an nhân dân là: “Xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng; trong công tác thì quyết tâm vượt khó khăn; trong chiến đấu với địch thì dũng cảm, mưu trí, trong quan điểm phục vụ... là thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mọi cán bộ, chiến sĩ”[2] .

4. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - tấm gương đạo đức cao đẹp, trong sáng

Cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Quốc Hoàn đã nêu một tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; tác phong, lối sống giản dị, gần gũi quần chúng; tận tụy trong công tác, mưu trí, dũng cảm, cương quyết đấu tranh với bọn phản cách mạng và các loại tội phạm; cống hiến hết sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

“Trong những năm hoạt động bí mật, cũng như lúc bị địch bắt, tra tấn, tù đày, đồng chí đã luôn nêu cao tinh thần kiên định, vững vàng và chí khí của người chiến sĩ cộng sản kiên cường vượt qua mọi gian nguy, thử thách”[3] .

Trong mọi hoạt động, công tác, đồng chí luôn quán triệt và thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng, phát huy ý kiến tập thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình. Đồng chí không dùng quyền Bộ trưởng mà tự quyết định theo ý riêng của cá nhân. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, đồng chí hết sức công khai, minh bạch, đánh giá đúng cán bộ dựa trên phẩm chất đạo đức, năng lực, kết quả hoạt động thực tiễn cụ thể, qua đó đề bạt và sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả.

Trong quan hệ với cán bộ, chiến sĩ, với anh em, bè bạn bao giờ ở đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng toát lên sự nhân hậu, thân tình, giúp đỡ, động viên mọi người cố gắng vươn lên. Thậm chí, ngay cả với những kẻ phạm tội nhưng ít nguy hiểm hoặc ít lầm lỗi, đồng chí cũng cân nhắc kỹ lưỡng trong xử lý, tạo cho họ cơ hội lập công chuộc tội. Đồng chí luôn đặt yêu cầu chính trị lên hàng đầu, chỉ đạo vận dụng nhuần nhuyễn đường lối, chính sách của Đảng chứ không chỉ máy móc nghiệp vụ đơn thuần, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của người cách mạng.

Trong đời sống riêng, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn giản dị, mẫu mực, luôn thực hiện đúng quy định của Đảng và Nhà nước, không xâm phạm của công, không vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình và dòng tộc. Đối với công việc, bao giờ đồng chí cũng chu đáo, cần mẫn, làm việc cho đến sức lực cuối cùng. Đồng chí đã để lại những ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong tâm khảm đồng chí, đồng đội và những người từng được tiếp xúc, làm việc dù chỉ một lần.

Công lao và sự nghiệp của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, với lực lượng Công an nhân dân là vô cùng to lớn. Đồng chí đã đi xa nhưng cuộc đời cao đẹp của đồng chí vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và trong lòng Nhân dân ta. Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn là dịp để lực lượng Công an nhân dân tưởng nhớ, biết ơn, học tập và tôn vinh những cống hiến, đóng góp to lớn của đồng chí. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân sẽ nỗ lực cố gắng, tiếp tục phát huy những thành quả cách mạng mà đồng chí và các thế hệ tiền bối đi trước đã dày công xây dựng, để đưa đất nước Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, vì hòa bình và phát triển./.

[1] Trần Quốc Hoàn: Một số vấn đề về đấu tranh chống phản cách mạng, Viện Nghiên cứu khoa học Công an, H.1975, tr.477.

[2]  Trần Quốc Hoàn: Một số vấn đề về đấu tranh chống phản cách mạng, Viện Nghiên cứu khoa học Công an, H.1975, tr.477.

[3]  Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ tang đồng chí Trần Quốc Hoàn, ngày 07/9/1986.

Tin liên quan