Thông tin chỉ đạo, điều hành
Đăng ngày: 09/07/2020 - Lượt xem: 1271
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2020)

Thực hiện hướng dẫn tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên và chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị phối hợp với phòng Tham mưu đăng tải Đề cương tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh.

     Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (10/7/1910 - 10/7/2020), để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp, nhân cách cao đẹp và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và đất nước, Ban tuyên giáo Trung ương đã biên soạn "Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (10/7/1910 - 10/7/2020)".

     Thực hiện hướng dẫn tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên và chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị phối hợp với phòng Tham mưu đăng tải Đề cương tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh. Dưới đây là nội dung Đề cương:

                                

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỮU THỌ, QUYỀN CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

(10/7/1910 -10/7/2020)

          I. TÓM TẮT TIỂU SỬ - QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỮU THỌ.

          Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (Bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

          Năm 1921, mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ sang du học tại trường Trung học Mignet, miền Tây Nam nước Pháp.

          Với thành tích học tập rất xuất sắc. năm 1928, Nguyễn Hữu Thọ được Trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Ai xen - Provence nhận vào học tại khoa Luật của trường và đã tốt nghiệp cử nhân luật loại xuất sắc tháng 9/1932.

          Năm 1933, Nguyễn Hữu Thọ trở về nước, làm việc tại văn phòng của một luật sư người Pháp. Sau 5 năm tập sự, năm 1939 Nguyễn Hữu Thọ đỗ kỳ sát hạch của Luật sư Đoàn và trở thành luật sư thực thụ, mở văn phòng luật tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi Sài Gòn - Chợ Lớn, tiếng tăm của vị luật sư trẻ tài năng, luôn bênh vực lẽ phải đã lan ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh.

          Năm 1941-1945, Nguyễn Hữu Thọ tham gia hoạt động yêu nước của Tổ chức Thanh niên Tiền phong, dưới danh nghĩa của tổ chức Hướng đạo sinh. Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nố, ông là một trong các tri thức ủng hộ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Năm 1946, chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm ông làm Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long. Tuy làm việc cho chính quyền thực dân nhưng ông vẫn giữ mối liên lạc và bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức.

          Năm 1947, Nguyễn Hữu Thọ xin từ chức Chánh án tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long, mở văn phòng luật sư riêng tại Sài Gòn và được tổ chức phân công hoạt động trong Ban Trí vận thuộc Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn do Luật sư Hoàng Quốc Tân trực tiếp phụ trách. Hoạt động bí mật ở Sài Gòn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Trí vận Thành ủy nhưng ông vẫn giữ liên lạc thường xuyên với Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ.

Ngày 16/10/1949, Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động trong phong trào trí thức và bị Pháp bắt tháng 6 năm 1950, bị giam ở Lai Châu và Sơn Tây tháng 11 năm 1952. Sau khi được trả tự do ông tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Là Phó chủ tịch Phong trào bảo vệ hòa bình.

          Năm 1954, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và giam tại Phú Yên. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20/12/1960, đồng chí đang bị quản thúc tại Phú Yên. Sau cuộc giải thoát thành công vào cuối tháng 11 năm 1961, đồng chí về đến bắc Tây Ninh. Tháng 2 năm 1962 Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức và đồng chí được bầu làm Chủ tịch.

          Tháng 3 năm 1964, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai đã bầu đồng chí làm chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận. Đến tháng 6 - 1969, đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

          Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6-1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4-1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7-1981). Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận (họp từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977), đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 11-1988, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 8-1994, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã suy tôn đồng chí làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

          II. CỐNG HIẾN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỮU THỌ ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ ĐT NƯỚC

          1. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Từ nhà trí thức yêu nước trở thành nhà cách mạng kiên cường

          Nguyễn Hữu Thọ là người có tinh thần yêu nước, gắn bó trung thành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiếp thu truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc, đặc biệt là những tấm gương kiên trung, sáng ngời của các sĩ phu yêu nước chống Pháp từ nửa sau thế kỷ XIX ở Nam Bộ, như Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân... Nguyễn Hữu Thọ đã noi gương họ tham gia đấu tranh cho dân tộc. Ông tự nguyện đi theo con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và trở thành một trong những trí thức lớn của thời đại.

          Hơn mười năm sống trên đất Pháp, năm 1933, khi Nguyễn Hữu Thọ trở về nước, tập sự tại Văn phòng luật sư Đuycơnay cũng là thời điểm phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh chống thực dân Pháp do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bị khủng bố trắng, nhiều chiến sĩ yêu nước bị bắt bớ, bị giết hại và tù đày. Được trực tiếp chứng kiến nhiều phiên tòa đại hình ở Sài Gòn, với các bản tuyên án vô cùng tàn bạo, ông dần dần nhận thấy sách vở và luật pháp của chính quyền thực dân chỉ là trò hề mị dân, thực chất những tên chánh án tại các phiên tòa chính là những tên đao phủ mà phạm nhân là những lương dân vô tội và những người yêu nước.

          Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã có tác động mạnh mẽ đến tình cảm và lý trí của người luật sư trẻ. Những phiên tòa do thực dân Pháp dựng lên để buộc tội các chiến sĩ khởi nghĩa Nam Kỳ đã giúp ông cảm nhận được lý tưởng và lòng yêu nước dũng cảm của những người cộng sản, thấy rõ bản chất đen tối, tàn bạo của chính quyền thực dân ở thuộc địa.

          Cách mạng Tháng Tám 1945 đã thực sự mở ra cho Nguyễn Hữu Thọ con đường đi theo để đấu tranh giải phóng dân tộc. Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, uy tín, ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chất xúc tảc đã khơi dậy, dẫn dắt những trí thức yêu nước như Nguyễn Hữu Thọ đến với cách mang.

          Có thể nói rằng, từ khi về nước (năm 1933), đến khi rời Vĩnh Long lên Sài Gòn (năm 1947), bắt đầu tham gia cách mạng là quá trình đi từ yêu nước đến hoạt động cứu nước của Nguyễn Hữu Thọ. Sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người trí thức - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - có tác động mạnh mẽ của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam vì tự do, độc lập dân tộc.

          2. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - người đảng viên cộng sản kiên định, nhà lãnh đạo có uy tín lớn.

          Trở thành một trí thức cách mạng, Nguyễn Hữu Thọ tích cực hoạt động kháng chiến ở Sài Gòn bị tạm chiếm “bằng những hình thức thích hợp”, ông cùng đồng chí, đồng đội - những người hoạt động hợp pháp, những cán bộ lãnh đạo bí mật, những chiến sĩ bị giặc bắt giam cầm, xử án - và nhân dân yêu nước Sài Gòn - Chợ Lớn đấu tranh với kẻ thù trên nhiều trận địa, ở các lĩnh vực khác nhau. Cuộc chiến đấu âm thầm, không tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi sự tỉnh táo, thông minh và sáng suốt.

Trong việc bào chữa cho các chiến sĩ yêu nước, cách mạng hay những đồng bào bị rơi vào tay địch bị đưa ra xét xử, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ không chỉ thể hiện tấm lòng yêu mến, kính trọng mà còn biểu lộ tinh thần yêu nước, chiến đấu chống kẻ thù. Ông đã dựa vào luật pháp của địch để tố cáo tội ác của chúng.

          Ngoài nhiệm vụ của một luật sư yêu nước cách mạng, Nguyễn Hữu Thọ còn tiến hành cuộc đấu tranh yêu nước trong nhiều hoạt động khác, như vận động các trí thức Sài Gòn ra bản “Tuyên ngôn đòi Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược, đàm phán với chính phủ kháng chiến để lấy lại hòa bình trên cơ sở công nhận độc lập, tự do cho Việt Nam”.

          Trở thành người cộng sản, tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của Nguyễn Hữu Thọ càng tăng lên. Trong những năm 1949-1950, cuộc đấu tranh yêu nước, chống thực dân Pháp của nhân dân các vùng bị tạm chiếm, đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn lên cao. Nguyễn Hữu Thọ hòa nhập vào cuộc đấu tranh này không chỉ là một thành viên tích cực mà còn với tư cách một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, có trách nhiệm lãnh đạo phong trào.

          Chỉ mấy tháng sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Hữu Thọ đã phát huy vai trò của một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, trong phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ lớn mà đỉnh cao là cuộc biểu tình nhân đám tang của học sinh Trần Văn Ơn, người phản đối thực đân Pháp và ngụy quyền Bảo Đại đàn áp dã man, giết hại nhiều học sinh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Sài Gòn - Chợ lớn đã nổ ra mạnh mẽ. Nhằm cô lập ông với phong trào cách mạng, thủ tiêu ý chí của ông, thực dân Pháp và ngụy quyền Sài Gòn đã đày ải Nguyễn Hữu Thọ ra vùng Tây Bắc, nhưng khi trở về Sài Gòn ông lại tiếp tục đấu tranh công khai - bào chữa cho các chiến sĩ kháng chiến bị bắt, tham gia phong trào hòa bình (năm 1954).

          Trong những năm đấu tranh cho hòa bình, bị bắt giam ở Sài Gòn (năm 1954), bị đưa ra an trí ở Hải Phòng (1955), Phú Yên (1955-1961), Nguyễn Hữu Thọ đã trải qua những năm tháng gian khổ, nhưng ông đã thể hiện khí tiết kiên cường của một đảng viên cộng sản. Sau khi được cứu thoát, Nguyễn Hữu Thọ trở về vùng giải phóng và trở thành người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, ông đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân chiến đấu với kẻ thù. Chí khí cách mạng, sự thông minh tài giỏi, phẩm chất đạo đức cách mạng là nhân tố quan trọng tạo nên một Nguyễn Hữu Thọ bất khuất kiên cường, giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

          Chiến thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau chiến thắng 30/4/1975, những hy sinh mất mát của đồng bào, đồng chí đã thôi thúc Nguyễn Hữu Thọ trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, chế độ mới trên đất nước Việt Nam. Với cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Tổ quốc về những công việc cần thực hiện để tiến tới thống nhất đất nước.

          Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất được tiến hành trong toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được giới thiệu ứng cử ở Sài Gòn và đã trúng cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất với số phiếu rất cao. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nước Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã đọc bản tham luận quan trọng với chủ đề: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và hạnh phúc là tiếng gọi động viên, đoàn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết”. Một lần nữa, ông khẳng định Quốc hội mới được bầu là kết quả của ý chí và nguyện vọng của toàn dân Việt Nam, đó là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 2/7/1976, Quốc hội đã quyết định những công việc rất trọng đại: đặt tên nước ta là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội là thủ đô và Thành phố Sài Gòn được chính thức mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Kỳ họp cũng đã quyết định Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Tổng tuyển cử ngày 25/4/1975 bầu ra là Quốc hội khóa VI. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với cương vị Phó Chủ tịch nước, đồng chí được cử phụ trách các vấn đề về đối ngoại và đã có nhiều đóng góp vào công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước.

          Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là ông đã cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Với uy tín và kiến thức luật học uyên bác của mình, đồng chí đã cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tập hợp được các luật gia có danh tiếng tham gia soạn thảo bản Hiến pháp sửa đổi. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có những ý kiến rất thiết thực trong các cuộc họp của Ban dự thảo Hiến pháp, góp phần vào sự hình thành bản Hiến pháp mới trình Quốc hội vào năm 1980.

          Ngày 5/4/1980, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được Quốc hội cử làm Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng tại kỳ họp nảy, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp mới. Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã ký lệnh Công bố bản Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1980 đã thể chế hóa đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khắng định rõ những quyền hạn và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

          3. Hoạt động của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

          Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1981-1987) đồng thời trên cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1989-1994), cho tới những năm cuối đời, với kiến thức luật học uyên bác, với tinh thần trách nhiệm cao đối với Tổ quốc và nhân dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã hoạt động không mệt mỏi; đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó và có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

           Là Chủ tịch Quốc hội, điều đồng chí Nguyễn Hữu Thọ lo lắng trước tiên là làm sao cho nhân dân “được ăn no, mặc ấm, được học hành” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Đồng chí đã nhận thấy rõ một thực tế là nhân dân ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, lại vừa buộc phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới của Tổ quốc và vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới; trong khi tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều giảm sút, lạm phát gia tăng, đời sống của nhân dân gặp nhiều klió khăn. Trước tình hình đó, đồng chí đã trực tiếp đi thực tế khảo sát ở cơ sở và nhận thấy rằng cung cách điều hành, quản lý trì trệ, cơ chế làm việc quan liêu, bảo thủ kéo dài, chậm được cải tiến, đổi mới cũng là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Ông đã có những quan điểm, những đề xuất quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý đất nước bằng pháp luật.

          Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đặc biệt quan tâm đến vấn đề đổi mới hoạt động của Quốc hội. Điều làm ông suy nghĩ nhiều nhất là làm thế nào để Quốc hội thực sự là cơ quan lập pháp duy nhất, đồng thời là cơ quan giám sát tối cao đối với việc quản lý điều hành các mặt hoạt động đời sống xã hội của Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ dành nhiều thời gian, công sức vào việc chỉ đạo hoạt động của các ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Pháp luật. Đồng chí cho rằng Ủy ban Pháp luật phải được kiện toàn một cách nhanh chóng, phải thêm một số tiểu ban để soạn thảo các bộ luật cần thiết chưa có hoặc không còn phù hợp; việc quản lý điều hành các lĩnh vực đời sống xã hội bằng các luật là phương thức bảo đảm dân chủ cao nhất.

          Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ rất quan tâm đến vấn đề dân chủ, thực hiện dân chủ và xây dựng pháp luật. Ngay từ những năm 1980-1981, đồng chí đã đề cập đến vấn đề soạn thảo và ban hành Bộ luật dân sự vì theo đồng chí đây là bộ luật lớn, quan trọng nhất, sau Hiến pháp. Với Bộ luật dân sự, những quy định dân chủ về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân sẽ được thể chế hóa theo cơ chế dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bàn nhiều đến việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí cho rằng hệ thống pháp luật, các bộ luật cũng như nền dân chủ của một quốc gia phải được xây dựng, phải qua thực tiễn kiểm nghiệm, sàng lọc và bổ sung dần tới chỗ hoàn chỉnh; nền dân chủ của một đất nước phải gắn với thể chế chính trị, gắn với quyền lợi đất nước, đặc điểm riêng của dân tộc đó.

          Lý luận về vai trò, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng cũng luôn được đồng chí Nguyễn Hữu Thọ phân tích, làm rõ trong các bài viết của mình. Đồng chí khẳng định Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo Nhà nước cũng phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quan điểm lý luận về Đảng lãnh đạo mà đồng chí Nguyễn Hữu Thọ phân tích vừa khẳng định tính dân chủ, khoa học trong khoa học lãnh đạo, đồng thời thể hiện tính Đảng, tính giai cấp đúng đắn.

          Là người có tri thức về luật học, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ rất chú trọng tới những vấn đề thực hiện quyền dân chủ của nhân dân thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông đã nhìn thấy những yếu kém trong hoạt động của bộ máy nhà nước để từ đó đưa ra những vấn đề có tính chỉ đạo để hội đồng nhân dân các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã phải tập trung giải quyết, thực hiện nhằm xây dựng, tổ chức để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực của nhân dân ở cấp cơ sở, thực sự là công cụ làm chủ của nhân dân lao động.

          Phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ càng trăn trở với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Trong thời gian chuẩn bị cho việc bầu cử Quốc hội khóa VIII, đồng chí đã tập trung phân tích những mặt yếu kém, tồn tại của Quốc hội khóa VII và đưa ra một số phương hướng khắc phục. Để Quốc hội thực sự đảm đương vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, đồng chí đã làm rõ quan niệm đúng đắn về Đảng lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước như thế nào, Quốc hội khác Mặt trận như thế nào. Ngay cả những hoạt động của các đại biểu Quốc hội, nội dung và phương thức điều hành của một kỳ họp Quốc hội cũng được đồng chí quan tâm.

          Cho đến những năm cuối đời, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn suy nghĩ về việc thực hiện dân chủ, xây dựng luật pháp và vẫn đặt kỳ vọng Quốc hội nước nhà sẽ thực sự giữ vai trò cơ quan quyền lực tối cao. Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với lĩnh vực xây dựng Hiến pháp, pháp luật, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân không chỉ có giá trị về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và mang tính thời sự trong bối cảnh tình hình hiện nay.

          4. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với việc xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

          Ngay từ những năm tháng đầu tiên tham gia cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là hiện thân tiêu biểu cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Tên tuổi đồng chí gắn liền với giới trí thức, sinh viên, học sinh Nam Bộ, với những cuộc vận động lạc quyên cứu đói giúp đồng bào, là biểu tượng cho tình tương thân, tương ái. Lịch sử sẽ còn mãi ghi nhớ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Đoàn đại biểu trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn gửi Tuyên ngôn hòa bình cho Cao ủy Pháp E.Bôlae năm 1947, tên tuổi và hình ảnh của đồng chí tượng trưng cho khối đoàn kết giới trí thức yêu nước, giương cao ngọn cờ hòa bình, đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Tên tuổi của đồng chí đặc biệt gắn liền với hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

          Khi cả nước thống nhất bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong một bối cảnh vừa thuận lợi, vừa khó khăn, những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với công tác xây dựng, củng cố Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là vô cùng to lớn.

          Trước tiên là việc tổ chức Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (diễn ra từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977, tại Thành phố Hồ Chí Minh), với sự tham gia của tổ chức Mặt trận trên cả hai miền Nam - Bắc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam.

          Là một trong những người chủ trì Đại hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã kêu gọi các giới trí thức, tôn giáo, đồng bào các dân tộc bày tỏ ý chí kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vững bước tiến vào tương lai. Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, ngày 04/02/1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã đi đến thống nhất các tố chức mặt trận toàn quốc được hợp thành một mặt trận chung và lấy tên là Mặt trận Tổ quốc. Tuy không giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Mặt trận Tổ quốc nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Thọ vẫn được đề nghị tham gia trong Ủy ban Trung ương Mặt trận và ông đã dành nhiều thời gian để tham gia công tác Mặt trận.

          Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn dành thời gian đi thăm hỏi đồng nghiệp, bạn bè trong giới trí thức cũ. Nhiều trí thức chế độ cũ, qua tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, đã giải tỏa được mặc cảm, khơi dậy được tinh thần dân tộc và lòng yêu nước; thấy rõ trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, tin tưởng vào chế độ mới. Những hoạt động này của đồng chí đã có tác dụng rất lớn trong việc củng cố, tăng cường khối đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất.

          Sau Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, chương trình hành động, đề ra những biện pháp công tác mới để thúc đẩy công tác Mặt trận đã được ban hành nhưng mức độ chuyển biến vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng và vai trò của Mặt trận. Để chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III - Đại hội đổi mới tổ chức và công tác Mặt trận, nhiều đợt sinh hoạt chính trị trong các tổ chức thành viên, các cấp Mặt trận được tổ chức, nhiều vấn đề quan trọng về tổ chức, hoạt động và công tác Mặt trận đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bàn thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã trực tiếp tham dự và chỉ đạo những hội nghị quan trọng bàn về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Quán triệt những quan điểm Đại hội VI của Đảng, Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định, Mặt trận Tổ quốc không chỉ đơn thuần là tổ chức quần chúng, mà là một thành viên quan trọng của hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam. Tại Đại hội này, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa III).

          Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ cho rằng Mặt trận phải trở thành nơi tập trung trí tuệ, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, là trung tâm đoàn kết của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, không phân chia thành phần giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng; không phân biệt người sống ở trong nước hay đang sống ở nước ngoài. Là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí luôn quan tâm tới cơ quan ngôn luận của Mặt trận. Cũng chính vì lẽ đó nên báo Đại Đoàn kết được yêu cầu phải nâng cao chất lượng, thực sự trở thành phương tiện hiệu quả, thiết thực để trở thành phương tiện hiệu quả, thiết thực, thể hiện tiếng nói của các tầng lớp nhân dân trong sụ nghiệp cách mạng, ngang tầm với nhiệm vụ chính trị.

          Tại Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc, đồng chí được bầu làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khi nói về công lao, cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV đã khẳng định: “Phải thừa nhận rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau Đại hội lần thứ III có bước tiến mới, đã xác lập được rõ hơn vị thế của mình trong hệ thống chính trị và đã đem lại nhiều kinh nghiệm mới cho công tác Mặt trận”. “Luật sư đã nêu một tấm gương sáng bất diệt của một nhà trí thức Việt Nam yêu nước, một nhà lãnh đạo Mặt trận tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc”.

          Ghi nhận công lao cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (17/11/1995), Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ...nhà trí thức tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, người chiến sĩ từng trải thử thách trên mặt trận đấu tranh chống xâm lược vì độc lập dân tộc, vì công lý và công bằng xã hội, đã có những đóng góp quý báu vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong mấy thập kỷ qua”.

          5. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - một nhân cách cao đẹp

          Phẩm chất, đạo đức, tài năng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã tạo nên ở ông một nhân cách cao đẹp, đáng kính. Nguyễn Hữu Thọ - một con người trung, hiếu: là trí thức yêu nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã kế thừa được những mặt tốt đẹp trong truyền thống của dân tộc, trong đó có những nét đẹp của quê hương xứ sở. Tuy xuất thân trong một gia đình trung lưu, được đào tạo nhiều năm ở Pháp, sống xa Tổ quốc trong một thời gian dài, có chức cao, bổng hậu, nhưng ông không hề quên Tổ quốc, nhân dân, đấu tranh đến cùng vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc.

          Nguyễn Hữu Thọ là con người tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức sống có tình, có nghĩa của dân tộc. Cũng như mọi người dân Việt Nam trong thời đại ngày nay, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ không bao giờ quên công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc, xác định con đường cứu nước đúng đắn, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lòng kính yêu, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy niềm tin, giúp ông vượt qua những ngày gian khổ trong tù đày, cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho dân tộc.

          Nguyễn Hữu Thọ - con người của tình đoàn kết dân tộc. Tiếp thu truyền thống đoàn kết của dân tộc, được Đảng giáo dục và được tôi luyện trong phong trào đấu tranh của nhân dân, đồng chí đã phấn đấu hết mình để xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - là một tấm gương sáng về đại đoàn kết dân tộc, là người đã giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đoàn kết, góp phần to lớn vào thắng lợi của đất nước, không chỉ góp phần xây dụng đường lối đại đoàn kết dân tộc, mà còn trực tiếp chỉ đạo thực hiện chiến lược đoàn kết, dân tộc và quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

***

          Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với đất nước; qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn đất nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

          Noi gương đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, lập thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Tin liên quan