Thông tin chuyên đề
Đăng ngày: 04/03/2024 - Lượt xem: 177
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ngày đồng chí Tô Hiệu hy sinh (7/3/1944 – 7/3/2024)

Nhằm tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu – lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên, Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh đăng tải toàn văn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ngày đồng chí Tô Hiệu hy sinh (7/3/1944 – 7/3/2024).

Đồng chí Tô Hiệu (Nguồn ảnh: Internet)

 I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ TÔ HIỆU

Tô Hiệu sinh năm 1912 tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, cách mạng và được nuôi dạy trong một gia đình nền nếp.

Năm 14 tuổi, khi đang theo học tại trường Pháp - Việt ở thị xã Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia phong trào bãi khoá đòi tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Vì hoạt động này, nên mặc dù học rất giỏi, năm 1926 Tô Hiệu vẫn bị buộc thôi học. Phải rời trường nhưng dấu ấn tinh thần yêu nước đã in đậm trong tinh thần Tô Hiệu, đây cũng là bước dấn thân hướng vào con đường cách mạng của anh.

Từ năm 1927 - 1929, Tô Hiệu lên Hà Nội để học Cao đẳng tiểu học ở trường Trí Tri[1]. Trong thời gian này, anh tiếp tục tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng. Qua thử thách, được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một đoàn thể do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội tổ chức.

Đầu năm 1930, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động cách mạng cùng với anh ruột là Tô Chấn, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng. Ngày 25/8/1930, Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt, đến ngày 28/12/1930 bị đưa ra xét xử tại Tòa án Sài Gòn, kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Trong thời gian này, Tô Hiệu kiên cường tham gia đấu tranh trong tù, tích cực học tập lý luận cách mạng, nhanh chóng giác ngộ và có bản lĩnh vững vàng.

Cuối năm 1932, Tô Hiệu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương trong ngục tù đế quốc ở Côn Đảo, đây là bước chuyển quyết định và toàn diện của Tô Hiệu - từ một người yêu nước nhiệt thành trở thành một đảng viên cộng sản.

Năm 1934, hết hạn tù Côn Đảo, đồng chí bị thực dân Pháp đưa về quản thúc ở quê hương Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang. Mặc dù bị quản thúc nhưng đồng chí không chịu khuất phục, vừa tìm hiểu tình hình và gây dựng phong trào cách mạng ở quê hương, vừa tìm mọi cách vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch để bắt liên lạc với Đảng.

Năm 1936, đồng chí Tô Hiệu cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận.

Giữa tháng 5/1937, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ đã được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Cuối tháng 11/1937, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ.

Từ cuối năm 1937 đến đầu năm 1938, đồng chí đã tiến hành nhiều chuyến đi tới Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương chăm lo công tác xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng tổ chức đảng ở các địa phương này.

Tháng 02/1939, đồng chí được Xứ ủy phân công phụ trách Khu ủy khu B[2] và là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây nhiều tiếng vang mạnh mẽ trong và ngoài nước.

Ngày 01/12/1939, đồng chí Tô Hiệu đến cơ sở in ở xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng) kiểm tra việc in truyền đơn tuyên truyền chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới thì bị địch bắt. Mặc dù kẻ thù đã tra tấn dã man, ra sức mua chuộc, nhưng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí Tô Hiệu. Cuối tháng 12/1939, chúng đã xử mức án 5 năm tù và đầu năm 1940 đày đồng chí đi Nhà tù Sơn La. Tại đây, đồng chí đã tích cực tham gia tổ chức những chiến sĩ cộng sản đấu tranh chống chế độ lao tù đế quốc.

Trung tuần tháng 02/1940, Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi ủy viên, kiêm Tổ trưởng tổ đảng. Tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ bí mật được triệu tập, quyết định các chủ trương, công tác cụ thể, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Đến tháng 10/1941, đồng chí Tô Hiệu thôi không giữ chức Bí thư Chi bộ Nhà tù vì lý do sức khỏe, song đồng chí vẫn là cố vấn đặc biệt tin cậy của Chi ủy, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tuyên truyền.

Do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân và căn bệnh hiểm nghèo, vào hồi 10 giờ 15 phút, ngày 07/3/1944, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La và được an táng tại nghĩa trang Gốc Ổi (nghĩa trang Nhà tù Sơn La) trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí.

Với ba mươi hai năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là một tấm gương sáng của một chiến sĩ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.

II. NHỮNG PHẨM CHẤT, CỐNG HIẾN CỦA ĐỒNG CHÍ TÔ HIỆU ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC

1. Đồng chí Tô Hiệu - một thanh niên yêu nước nhiệt thành, một chiến sĩ cộng sản tiền bối tiêu biểu của Đảng ta

Ngay từ nhỏ, Tô Hiệu đã tỏ ra thông minh và học giỏi, khiến bạn bè và anh em trong gia đình, dòng họ khâm phục. Mùa thu năm 1923, Tô Hiệu bắt đầu cuộc hành trình tự lập trong cuộc đời, được gia đình cho xuống Hải Dương học trường tỉnh. Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ, quê hương, khi mới 14 tuổi, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào bãi khóa, để tang cụ Phan Châu Trinh nên đã bị nhà trường thực dân đuổi học. Khi chuyển lên Hà Nội học, Tô Hiệu vẫn tích cực tham gia các phong trào yêu nước; và tại đây, anh được kết nạp vào Học sinh đoàn - một tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, làm nhiệm vụ tuyên truyền, kết nạp người vào các đoàn thể quần chúng, đi dự mít tinh, biểu tình, phát truyền đơn, treo cờ, giăng biểu ngữ, dán áp phích vào những ngày lễ hội hay ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động (1/5), kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11)... Do hoạt động tích cực, Tô Hiệu đã được tổ chức vào tổ đội thanh niên xích vệ, có nhiệm vụ đi bảo vệ những cuộc mít tinh, biểu tình và các đồng chí diễn thuyết.

Năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại, thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man tất cả các phong trào yêu nước. Nhiều đồng chí cán bộ cách mạng bị bắt. Tô Hiệu bị mật thám theo dõi gắt gao, đã theo người anh ruột Tô Chấn, một lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng lúc ấy, vào Nam hoạt động. Sau kế hoạch ám sát hai viên Toàn quyền Pháp và Toàn quyền Hà Lan không thành, Tô Hiệu, Tô Chấn và một số người khác đã bị thực dân Pháp bắt. Tô Hiệu lúc ấy mới 18 tuổi, đã bị chúng kết án “4 năm tù giam và phạt 50 đồng vì tội gia nhập tổ chức bí mật và có hành vi bạo lực”, đày đi Côn Đảo.

Tại nhà tù Côn Đảo, Tô Hiệu từng bước chú ý tìm hiểu các tù nhân và mở rộng các mối quan hệ. Hàng ngày, theo sự chỉ dẫn trực tiếp của Tô Chấn, Tô Hiệu càng trở nên gần gũi và học tập những người tù cộng sản, từng bước tham gia vào các hoạt động trong tù. Biết Tô Hiệu còn rất trẻ, nhiều triển vọng, có nhiều phẩm chất của một người cộng sản kiên cường, khi ra tù nhất định sẽ góp phần không nhỏ vào việc gây dựng và phát triển phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân của Đảng ta, các đồng chí lớn tuổi hơn, hoạt động lâu năm và có nhiều kinh nghiệm hơn như Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng… đã dành nhiều thời gian, công sức bồi dưỡng đồng chí Tô Hiệu hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Luận cương chính trị của Đảng, kinh nghiệm vận động quần chúng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh vận, kinh nghiệm công tác bí mật… Theo sự hướng dẫn của các đảng viên cộng sản, Tô Hiệu tích cực tham gia các hoạt động trong nhà tù và không ngừng học tập, rèn luyện bản thân. Cũng tại đây, Tô Hiệu chính thức trở thành đảng viên của Đảng cộng sản Đông Dương khi 20 tuổi.

Lòng yêu nước, tư tưởng tiến bộ cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu còn thể hiện ở tinh thần hiếu học và mong muốn đồng bào được học hành, mở mang kiến thức. Sau khi mãn hạn tù, năm 1934, đồng chí Tô Hiệu trở về làng Xuân Cầu. Tại quê hương, dù vẫn bị mật thám và bọn lý dịch trong làng theo dõi nhưng đồng chí không ngừng tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao dân trí, dân sinh, nâng cao thể lực của thanh, thiếu niên. Đồng chí đã tổ chức các sinh hoạt thể dục thể thao, chơi cờ tướng để tập hợp thanh, thiếu niên thành các nhóm sinh hoạt tùy theo lứa tuổi, sở thích. Đây là những tổ chức sơ khai, có lãnh đạo để hình thành “Hội Nông dân tương tế”, “Hội Ái hữu”... sau này. Đồng chí còn mở lớp dạy học tại nhà cho trẻ em trong làng. Qua lớp học, đã giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc cho các em. Không chỉ vậy, với mong muốn thế hệ trẻ trong vùng được mở mang kiến thức, đồng chí Tô Hiệu đã vận động bà con trong làng và người làng làm ăn ở xa góp công, góp của xây dựng Trường Kiêm bị Xuân Cầu[3], một hình thức trường tiểu học chỉ có ở huyện lỵ lúc ấy. Để dễ vận động bà con và củng cố mối đoàn kết xóm làng, đồng chí đã nêu ra khẩu hiệu: “Kẻ góp của, người góp công; mong sao cho trường học chóng xong; tinh thần đoàn kết muôn năm!”

2. Đồng chí Tô Hiệu - nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, có đóng góp to lớn trong việc khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng

Là một đảng viên cộng sản, đồng chí Tô Hiệu chú ý đến công tác xây dựng Đảng từ rất sớm. Cũng trong thời gian ở quê hương, đồng chí bí mật tuyên truyền, vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng. Nhà cụ Cả Y, thân mẫu đồng chí Tô Hiệu, trở thành một cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ trong Xứ ủy Bắc Kỳ như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu... Đồng chí Tô Hiệu còn vận động, tuyên truyền lý tưởng cộng sản cho thanh niên yêu nước các vùng lân cận. Chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Văn Lâm ra đời có sự đóng góp không nhỏ từ những lần tuyên truyền của đồng chí Tô Hiệu. Đồng chí đã bắt liên lạc với tổ chức, tham gia hoạt động khôi phục Xứ ủy Bắc Kỳ và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ. Khi là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách khu B, đồng chí trở thành một trong những chiến sĩ tiên phong, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng, củng cố và xây dựng tổ chức đảng trong giai cấp công nhân, nông dân và trí thức, học sinh ở vùng duyên hải nước ta.

Trong thời gian là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu chú trọng công tác tuyên truyền, rải truyền đơn, dán áp phích để dân chúng biết Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn tồn tại. Đồng thời, đồng chí còn đặc biệt coi trọng đấu tranh trên lĩnh vực báo chí. Đồng chí đã sáng lập ra tờ Chiến đấu, cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh B, bản thân đồng chí vừa là chủ bút, vừa tích cực viết bài. Đồng chí còn trực tiếp giác ngộ, đào tạo nhiều cán bộ cách mạng, sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước[4].

Bên cạnh đó, đồng chí Tô Hiệu còn rất quan tâm đến công tác công vận, lấy các cuộc đấu tranh của công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng. Do vậy, chỉ trong khoảng từ tháng 3/1939 đến tháng 8/1939, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng, đứng đầu là đồng chí Tô Hiệu, Hải Phòng đã có tới 30 cuộc đấu tranh, bằng số cuộc đấu tranh của cả hai năm 1937, 1938 cộng lại. Các cuộc đấu tranh do đồng chí Tô Hiệu trực tiếp lãnh đạo đều nổ ra một cách vang dội. Điển hình là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Tơ (5/1939) kéo dài suốt 1 tháng, cuộc biểu tình chống tăng thuế buộc chính quyền thực dân, các chủ nhà máy phải nhượng bộ, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao trong các báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản. Đồng chí đã để lại những bài học tổng kết cả lý luận và thực tiễn về sử dụng và kết hợp các phương thức, hình thức đấu tranh cách mạng, như phát động toàn thể dân chúng đấu tranh nhưng lấy lực lượng công nhân làm nòng cốt; sử dụng linh hoạt khẩu hiệu đấu tranh trong từng thời điểm, phù hợp với từng điều kiện của nhà máy, bến cảng, từ thấp đến cao, gắn đòi quyền lợi kinh tế với chính trị; kết hợp đấu tranh trực diện với các biện pháp tuyên truyền qua báo chí, truyền đơn, tuyên truyền miệng...

Trong thời gian bị giam cầm ở Nhà tù Sơn La, được bầu là Bí thư Chi bộ Nhà tù, đồng chí Tô Hiệu vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù (vì lúc ấy, tù chính trị ở Sơn La còn có cả những đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng). Đồng chí đã vượt lên bệnh tật để tổ chức công tác giáo dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho Chi bộ, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh…

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà tù, đời sống trong tù được tổ chức rất quy mô và khoa học. Ủy ban Nhà tù được thành lập để lãnh đạo mọi mặt. Ủy ban Nhà tù lại tổ chức ra các ban: Trật tự trong, Trật tự ngoài, Kinh tế, Cứu tế, Hồng thập tự, Đối ngoại, Sản xuất, Dân vận, Binh vận, Học tập và xuất bản báo Suối Reo…, để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho anh em tù nhân, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng. Cuối năm 1942, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Ban Chấp hành Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ công nhận là Chi bộ đặc biệt, phụ trách Nhà tù Sơn La và phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La… Sau này, nhiều chiến sĩ cộng sản là đảng viên Chi bộ Nhà tù Sơn La đều trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội như đồng chí Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thanh Bình, Mai Chí Thọ…

Đặt vào từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp của quá trình vận động phong trào cách mạng trước sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp mới thấy hết vai trò tiên phong, tài năng tổ chức và những cống hiến to lớn trong tổ chức xây dựng Đảng và xây dựng phong trào cách mạng ở nước ta của đồng chí Tô Hiệu. Bằng những hoạt động thực tế rất hiệu quả, đồng chí đã góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho Đảng và phong trào cách mạng nước ta bước vào giai đoạn vận động tiến tới cách mạng tháng Tám năm 1945, để lại cho Đảng nhiều kinh nghiệm có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

3. Đồng chí Tô Hiệu - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do, hạnh phúc của dân tộc

Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu phấn đấu kiên cường, vượt qua mọi thử thách, gian lao của cuộc đấu tranh sinh tử vì mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Phải lao động kiếm sống tự lập từ nhỏ và tự học tập, rèn luyện từ lúc mới 14 tuổi, với ý chí can trường, Tô Hiệu đã từng bước trưởng thành từ người yêu nước chân chính trở thành người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, rồi đạt đến tầm cao của nhà lãnh đạo cách mạng tiên phong kiên cường ở thời kỳ kẻ thù tiến hành mọi phương sách khủng bố làm tan rã cả hệ thống tổ chức của Đảng, lúc phong trào cách mạng và tinh thần đấu tranh của Nhân dân bị đàn áp tới tột cùng. Mặc dù hai lần bị địch bắt và đày ải trong những nơi địa ngục trần gian, nhưng đó là hai lần đồng chí đã “biến cái rủi thành may” để làm giàu trí tuệ, nghị lực phục vụ cho Đảng và dân tộc, cùng các đồng chí của mình biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Ý chí kiên cường của đồng chí Tô Hiệu đã khiến quân thù phải khiếp sợ.

Thời gian bị đày ra Côn Đảo, tuy bị lao phổi, nhưng đồng chí vẫn cần mẫn học hành, trau dồi tri thức và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Khi bị thực dân Pháp bắt lần 2, tại Hải Phòng, dù bị bọn mật thám đánh đập dã man, đồng chí vẫn không hề hé răng tiết lộ tài liệu, cơ sở cách mạng. Trong phiên tòa xét xử, khi bị luận tội, dù thân thể tàn tạ do bệnh tật và đòn roi quân thù, đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn. Đặc biệt, khi bị đày ở nhà tù Sơn La, dù bị đói rét và bệnh lao hành hạ, đồng chí Tô Hiệu vẫn giữ vững ý chí chiến đấu. Đồng chí đã không ngừng làm việc, viết các bài tuyên truyền, lý luận cách mạng, lãnh đạo anh em tù đấu tranh với quân thù, khiến bọn cai ngục và chính tên Công sứ Sơn La Cút-xô khét tiếng gian ác phải nể phục, run sợ.

Ngay cả khi sức khỏe đã cùng kiệt, đồng chí Tô Hiệu vẫn là và mãi là một chỗ dựa tinh thần, một ý chí để cổ vũ, động viên những người cộng sản giữ vững chí khí đấu tranh và quyết tâm suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng cộng sản, cho dù đang ở nơi đen tối nhất trong ngục tù đế quốc. Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”.

4. Tấm gương và “Tinh thần Tô Hiệu” là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Cuộc đời của đồng chí Tô Hiệu đã để lại bài học to lớn về truyền thống yêu nước không chỉ với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của đồng chí là sự tiếp nối những gương anh hùng trong lịch sử nước nhà. Tinh thần yêu nước, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ” của con dân nước Việt qua tấm gương Tô Hiệu ở thời đại Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được nối dài theo từng giai đoạn lịch sử dân tộc, mỗi khi Tổ quốc bị các thế lực ngoại bang dòm ngó.

Tấm gương và “Tinh thần Tô Hiệu” không chỉ thể hiện ở lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng, “đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc” mà còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng.

Trong chốn lao tù đế quốc, với vô vàn thiếu thốn, gian khổ về vật chất, sự hành hạ về tinh thần và vật vã với bệnh tật, đồng chí Tô Hiệu vẫn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng. Dù biết chắc chắn mình sẽ hy sinh vì bệnh lao phổi đã ở giai đoạn cuối, đồng chí càng hăng say viết tài liệu, viết báo, tuyên truyền và lãnh đạo Chi bộ Nhà tù Sơn La. Đồng chí tâm sự “mình biết chắc chắn rằng mình sẽ chết sớm hơn người khác, vì vậy phải tranh thủ thời gian để chiến đấu, phục vụ cho Đảng” và “mình chỉ e chết sớm không làm hết những điều dự định”.

Ý thức bảo vệ uy tín của Đảng cũng được thể hiện rõ khi bệnh tật hành hạ, đau đớn, đồng chí vẫn kiên cường: “Chắc chắn mình không sống được. Mình có gan tự tử nhưng mình không muốn làm điều đó. Nó để lại nỗi buồn và sự day dứt cho anh em, bởi người không hiểu sẽ có những lời bàn tán không hay. Mặt khác, địch cũng sẽ có thể đặt nghi vấn, phiền phức”. Trước khi đi xa, đồng chí đã dặn lại các đồng chí của mình: “ánh sáng ngày mai đã ló ở phía chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với những thử thách lớn nhất”.

Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng tại Nhà tù Sơn La trong thời gian, bị giam giữ ở đây đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của các chiến sĩ cộng sản tại Nhà tù Sơn La, mà còn là “biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên từ đất chết, là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa xuân nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam thân yêu”. Hình tượng Tô Hiệu và cây đào Tô Hiệu đã trở thành hình tượng văn học, nghệ thuật quen thuộc đối với Nhân dân Việt Nam và thế giới.

Lịch sử ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu, nhưng một điều hiếm có và rất đặc biệt là còn mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng tên gọi biểu tượng của đồng chí: “Tinh thần Tô Hiệu”. Đây là một nguồn động lực cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản, góp phần đưa tới thành công của sự nghiệp cách mạng. Sự hy sinh của đồng chí Tô Hiệu không phải chấm dứt một sự sống mà là sự khơi nguồn cho một sức phấn đấu mạnh mẽ mới của những người cộng sản Việt Nam trên con đường chinh phục mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho tất cả đồng bào của mình.

III- ĐỒNG CHÍ TÔ HIỆU VỚI QUÊ HƯƠNG HƯNG YÊN, QUÊ HƯƠNG HƯNG YÊN VỚI ĐỒNG CHÍ TỔ HIỆU

 1- Đồng chí Tô Hiệu với quê hương Hưng Yên

Tấm gương, tinh thần Tô Hiệu sáng mãi trong lịch sử dân tộc. Đối với tỉnh Hưng Yên, ngoài những ảnh hưởng tốt đẹp của tinh thần Tô Hiệu trong công tác giáo dục truyền thống, những di sản cách mạng của đồng chí để lại cũng góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ, xây dựng quê hương.

Mãn hạn tù ở Côn Đảo, bị chính quyền thực dân Pháp quản thúc ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang), Tô Hiệu đã thành lập hội Truyền bá quốc ngữ, hội Tương tế, hội tập võ, hội bóng đá, hội bát âm, tổ đọc sách báo để tập hợp quần chúng tuyên truyền cách mạng. Phong trào phát triển nhanh, đồng chí đã vận động quần chúng đòi kỳ hào phải cải tổ hương thôn, chống hủ lậu, chống phụ thu, lạm bổ. Khi phong trào lên cao, đồng chí đã vận động quần chúng làm đơn kiện lý trưởng, đưa người trong tổ chức ra thay thế. Đó chính là tiền đề cho các cuộc đấu tranh tại khu vực Văn Giang, Văn Lâm... sau này.

Trường Kiêm Bị Xuân Cầu do Tô Hiệu đứng ra tổ chức xây dựng đã đào tạo nhiều thế hệ học trò, trong đó, có nhiều người đã trở thành cán bộ trong bộ máy Đảng, nhà nước, đồng thời dân trí của cả một vùng quanh xã Nghĩa Trụ được mở mang.

Bên cạnh đó, các thế hệ cán bộ cách mạng được đồng chí Tô Hiệu giác ngộ cũng đã trưởng thành, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp của Đảng, trong đó có nhiều người con của quê hương Hưng Yên như Tô Quang Đẩu, Mai Vy...

Chi bộ đầu tiên của huyện Văn Lâm (Chi bộ ghép Văn Lâm - Gia Lâm - Thuận Thành) ra đời dưới sự chỉ đạo của Tô Hiệu, đã lãnh đạo Nhân dân Văn Lâm giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945...

2- Quê hương Hưng Yên đối với đồng chí Tô Hiệu

Tự hào là quê hương của đồng chí Tô Hiệu, noi gương những cống hiến của đồng chí Tô Hiệu đối với đất nước, phát huy tinh thần Tô Hiệu và vận dụng sáng tạo tinh thần ấy trong sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo chủ động, sát sao của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của HĐND, UBND, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân, tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội, biến nguy cơ thành cơ hội để đạt được thành tựu phát triển đáng khích lệ, khá toàn diện, kiến tạo những giá trị mới trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh với tầm mức mới, toàn diện hơn. Tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ củng cố, tăng cường; trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên được nâng cao; từng bước khắc phục yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; vai trò, hiệu quả lãnh đạo toàn diện của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước đối với mọi mặt của đời sống xã hội được bảo đảm. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát thực tiễn, nắm chắc, dự báo đúng tình hình và định hướng, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, bảo đảm thống nhất trong Đảng bộ và đồng thuận xã hội. 

Các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai nghiêm túc. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Tỉnh đã tổ chức thành công Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ nhất. Tăng cường nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội để kịp thời định hướng, xử lý, góp phần bảo đảm chính trị nội bộ, ổn định tư tưởng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sơ kết, tổng kết kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Trung ương và của tỉnh; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để phù hợp với chủ trương, quy định của Trung ương và thực tiễn đặt ra.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh. Cùng với việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hàng năm, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị thực hiện nội dung cốt lõi các tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, “Tự hào và tin tưởng dưới lá ccờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng"... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và các Kết luận của Bộ Chính trị (khóa XIII), tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đi đôi với tinh giản biên chế và triển khai công tác chuẩn bị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; phát huy tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời tăng cường cơ chế bảo vệ cán bộ. Nâng cao mức độ tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và triển khai Phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, quy trình công tác, cơ chế phối hợp; tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, lề lối, tác phong làm việc; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. 

Công tác tổ chức xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng. Triển khai một bước kế hoạch luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ diện quy hoạch; kịp thời sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực, uy tín nổi trội được quy hoạch. Quan tâm thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ và thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, đảng viên. Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể và cá nhân thống nhất trong toàn tỉnh; đánh giá hàng tháng, chủ yếu dựa trên cơ sở kết quả, số lượng, chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên mới với trọng tâm thực hiện quyết liệt chủ trương phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên gắn với phát triển các tổ chức đoàn thể, các đoàn viên, hội viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân với cách làm sáng tạo, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể và đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong công tác phát triển đảng. Số đảng viên kết nạp mới năm 2023 tăng mạnh (gấp 1,5 lần so với năm 2022). Đến nay, toàn tỉnh có 535 tổ chức cơ sở đảng với tổng số 70.339 đảng viên.

Bên cạnh phát triển số lượng, các cấp ủy đảng cũng rất coi trọng chất lượng đảng viên; tăng cường rà soát, sàng lọc và kiên quyết đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Thực hiện nghiêm các quy định về điều chuyển, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, đảng viên. Kiên quyết bố trí, sắp xếp kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp và xử lý đối với cán bộ yếu kém, vi phạm, uy tín giảm sút.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Tính đến tháng 11/2023, đã thực hiện bí thư đồng thời là trưởng thôn ở 803/832 thôn, chiếm 96,5%. Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo triển khai Nghị quyết về thực hiện chủ trương bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn không là người địa phương - Đây là bước đột phá trong công tác cán bộ ở cơ sở. Đến nay, đã có 38 bí thư đảng ủy (đạt tỷ lệ 76% so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025) và 22 chủ tịch UBND cấp xã (đạt 104,8% so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025) không là người địa phương. Kết quả bước đầu phát huy hiệu quả tốt và chứng minh chủ trương đúng đắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết đơn thư được các cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp đẩy mạnh, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, khép kín, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; thi hành kỷ luật nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và xử lý hình sự theo quy định đối với cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm. Năm 2023, có 17 tổ chức đảng, 457 đảng viên bị xử lý kỷ luật đảng, trong đó có 38 cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự; (năm 2021: THKL 01 tổ chức đảng, 517 đảng viên; năm 2022: THKL 09 tổ chức đảng, 448 đảng viên; năm 2023: THKL 17 tổ chức đảng, 457 đảng viên).

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ hơn giữa “Phòng” và “Chống” và “kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ”. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là về công tác cán bộ (luân chuyển cán bộ, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác,...); tăng cường kiểm soát quyền lực, công khai, minh bạch hoạt động, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; tăng rà soát, khắc phục bất cập, sơ hở và sửa đổi, hoàn thiện các quy chế, quy định, cơ chế, chính sách. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh hoạt động bài bản, hiệu quả. Đến cuối năm 2023, đã khẩn trương rà soát, đưa 7 vụ án, 1 vụ việc tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (riêng năm 2023 bổ sung 2 vụ án) vào diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo, trong đó đã khởi tố 56 bị can/07 vụ án, đã đưa ra xét xử 04/07 vụ án với 27 bị cáo (riêng năm 2023 có 3 vụ án với 14 bị cáo); kết quả xét xử sơ thẩm 4 vụ án tại Tòa án nhân dân tỉnh có 04 án tù chung thân, 09 án tù giam từ 15-20 năm. Kết quả xử lý các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo đến nay được cán bộ, đảng viên, Nhân dân và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ cao về thái độ nghiêm túc, kiên quyết của Ban Chỉ đạo tỉnh và các cơ quan chức năng, mang tính giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật với tinh thần “tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu, làm đến đó; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; đã có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật".

Phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham gia giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị. Dân chủ ở cơ sở được phát huy, quyền làm chủ của Nhân dân được tôn trọng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bao trùm, trong đó, người dân là trung tâm, là mục tiêu phát triển. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp không ngừng được củng cố vững chắc.

Về kinh tế, năm 2023 là năm thứ hai Hưng Yên là 1/10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thu ngân sách nhà nước lớn nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất. Đặc biệt là, xếp hạng quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh Hưng Yên vươn lên vị trí thứ 16/63, vượt qua cả một số thành phố trực thuộc Trung ương.

Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh qua từng quý và đạt mức 10,05% cả năm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; cả 3 khu vực của nền kinh tế đều tăng trưởng khá, trong đó khu vực dịch vụ tăng trưởng vượt trội, đạt 18,36%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ (khu vực nông nghiệp, thủy sản chỉ còn chiếm hơn 7% GRDP; năng suất lao động tăng cao (tăng 7,43%, cao hơn mức 3,65 của cả nước); các cân đối kinh tế lớn và tiềm lực của tỉnh tiếp tục được củng cố vững chắc hơn; thu ngân sách nhà nước đạt cao (vượt 41,5% dự toán), đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đầu tư phát triển của tỉnh, cho dù nguồn thu từ tiền sử dụng đất giảm rất mạnh; hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng chiến lược, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị, nông thôn được đầu tư đồng bộ với số lượng dự án và quy mô lớn nhất từ trước tới nay, trong đó nhiều công trình, dự án mang tính động lực, tạo sức lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án mở rộng, nâng cấp đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan... cùng nhiều dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp khác.

Ghi nhớ những đóng góp to lớn của đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng, Đảng bộ và Nhân dân Hưng Yên đã nhiều lần tổ chức cho cán bộ, Nhân dân đến nhà tù Sơn La, thăm viếng nơi đồng chí bị thực dân Pháp giam cầm và đã anh dũng hy sinh. Đồng thời, nhằm tạo thêm một địa chỉ văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ tương lai, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Khu lưu niệm được xây dựng tại khu đất cũ của gia đình. Tại đây trưng bày nhiều hình ảnh và hiện vật về thân thế, sự nghiệp của liệt sĩ Tô Hiệu và gia đình đồng chí. Trên nền đất trong khuôn viên Khu lưu niệm, hiện có cây đào được nhân giống từ Cây đào Tô Hiệu do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đem về trồng. Năm 2020, Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trên địa bàn tỉnh, có nhiều công trình, đường phố, trường học được mang tên Tô Hiệu, trong đó, ngôi Trường tiểu học Tô Hiệu tại quê hương Nghĩa Trụ được xây trên nền trường Kiêm Bị do đồng chí Tô Hiệu vận động xây dựng năm xưa.

Kỷ niệm 80 năm Ngày đồng chí Tô Hiệu - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân (07/3/1944-07/3/2024) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền bối, để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY HƯNG YÊN

(1) Nay là Trường trung học cơ sở Nguyễn Du ở phố Hàng Quạt, Hà Nội.

(2) Sau Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 mới đổi thành Liên tỉnh B gồm có Hưng Yên (từ Bần Yên Nhân về phía Nam), Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An (đến bến đò Khu), Quảng Yên, Uông Bí, Hòn Gai và Móng Cái.

(3) Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trường Kiêm bị Xuân Cầu được đổi tên thành Trường tiểu học Tô Hiệu.

(4) Đồng chí Nguyễn Thanh Bình (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư), đồng chí Hoàng Ngân (Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam), đồng chí Ngô Minh Loan (nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực - Thực phẩm)…

Tin liên quan