Sáng 27/11/2023, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước. Theo đó, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành kể từ 01/7/2024.
Song song với việc sửa tên dự án Luật từ Luật Căn cước công dân thành Luật căn cước thì Quốc hội cũng thống nhất đổi thẻ CCCD thành thẻ Căn cước. Bên cạnh việc đổi tên, trên thẻ Căn cước có một số thay đổi so với thẻ Căn cước công dân. Trên mẫu thẻ Căn cước mới, thông tin “quê quán” sẽ được thay bằng “nơi đăng ký khai sinh”; “nơi thường trú” được thay bằng “nơi cư trú”. Thẻ Căn cước cũng sẽ không có thông tin về vân tay, đặc điểm nhân dạng của công dân. Thay vào đó, thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, nhóm máu, số CMND 9 số, tôn giáo, thông tin nhân dạng, thẻ BHYT, giấy phép lái xe… sẽ được mã hóa, lưu trữ trong chip.
Từ 01/7/2024, thẻ CCCD sẽ có tên gọi mới là thẻ Căn cước
Theo Luật Căn cước mới, việc đổi tên thẻ Căn cước sẽ không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân. Điều 46 của Luật Căn cước quy định, người dân đang có thẻ Căn cước công dân cấp trước ngày 01/7/2024 sẽ không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Chỉ khi nào công dân có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước.
Luật cũng quy định, trường hợp CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
Vũ Nhung