Vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, khoáng sản và an toàn thực phẩm có diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp và các làng nghề.
Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Bắc. Tỉnh ta hiện nay có 9 khu công nghiệp, với trên 1000 dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó có trên 500 dự án đã triển khai đi vào hoạt động, với 33 làng nghề, trên 3000 doanh nghiệp, 52 cơ sở khám, chữa bệnh, 75 khách sạn, nhà hàng và cơ sở lưu trú đóng trên địa bàn đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển nhanh và toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về kinh tế, thì vấn đề về bảo vệ môi trường đang đặt ra nhiều khó khăn và thách thức. Vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, khoáng sản và an toàn thực phẩm có diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp và các làng nghề. Vì mục đích kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã bất chấp pháp luật không thực hiện và thực hiện không đầy đủ quy trình công tác bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp để giảm chi phí cho việc xử lý chất thải nguy hại đã không ngần ngại trộn chất thải rắn công nghiệp, bán cho các đơn vị không có chức năng thu gom xử lý chất thải, hoặc có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành.
Hệ thống xử lý nước thải không vận hành của Công ty giặt Quốc tế tại Văn Lâm
Gần 10 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối
được lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện bắt giữ trong năm 2017
Tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến khó lường; ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có nhiều thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép và hầu hết các cơ sở sản xuất đều không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp với tính chất, qui mô vi phạm đa dạng, nhất là hành vi khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông Hồng và sông Luộc…Thực tế cho thấy nhiều năm trở lại đây, các loại tội phạm môi trường không ngừng phát triển và biến tướng tinh vi, trở thành nỗi ám ảnh của người dân, là “ung nhọt” gây hại cho con người và xã hội. Ô nhiễm môi trường đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nhân dân tác động đến lòng tin của quần chúng nhân dân vào chính quyền và các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật.
Các trinh sát phòng Cảnh sát môi trường họp triển khai phương án trinh sát
Trước tình hình ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng phức tạp, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác trinh sát, nắm tình hình tại các khu vực trọng điểm, địa bàn phức tạp về môi trường đặc biệt là tại các khu công nghiệp và các làng nghề, qua đó đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động gây ô nhiễm môi trường và các hành vi mất an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân và toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường… Với đội ngũ cán bộ chiến sỹ được đào tạo cơ bản, có tâm huyết, nhiệt tình với sự nghiệp bảo vệ môi trường. Từ năm 2007 đến nay, qua 10 năm thành lập, từ tin báo, tố giác tội phạm của các tổ chức, đoàn thể và của quần chúng nhân dân và qua công tác trinh sát nắm tình hình, phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 702 vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, đã xử phạt thu nộp kho bạc Nhà nước 10,790 tỷ đồng.
Cảnh sát môi trường công an tỉnh phát hiện xử lý nhiều vụ vận chuyển
thực phẩm không đảm bảo an toàn
Về an toàn thực phẩm đã phát hiện xử lý 108 vụ việc, xử phạt 220 triệu đồng, tiêu hủy 10 tấn động vật không rõ nguồn gốc. Liên quan đến chất thải nguy hại phát hiện 112 vụ việc, phạt 162 triệu đồng. Các hành vi gây ô nhiễm môi trường xả nước thải, khí thải phát hiện 188 vụ, xử phạt gần 7 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, cán bộ chiến sỹ phòng Cảnh sát môi trường đã ra sức thi đua phấn đấu lập thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác. Kết quả trong năm đơn vị đã phát hiện, kiểm tra 111 vụ việc vi phạm về môi trường, phạt tiền gần 3.427,658 triệu đồng, tiêu hủy 9 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; 2 tấn măng và hơn 1.800 lít rượu không đảm bảo an toàn. Trong đó riêng các vụ việc vi phạm liên quan đến khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, đã phát hiện 24 vụ, phạt tiền 515,05 triệu đồng; các vụ việc vi phạm xả nước thải chưa qua xử lý, đã phát hiện 32 vụ, phạt tiền 2.050,107 triệu đồng.
Một trong những chiến công đáng ghi nhận của cán bộ chiến sỹ phòng Cảnh sát môi trường là vụ phát hiện quả tang hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của Công ty TNHH thời trang giặt Quốc tế có trụ sở đóng tại địa bàn xã Tân Quang, huyện Văn Lâm vào ngày 23/11/2017. Thời điểm kiểm tra, các trinh sát phát hiện toàn bộ nước thải của Công ty thải ra môi trường đều chưa qua xử lý, có màu xanh đen, sủi bọt trắng và bốc mùi. Được biết Công ty này đi vào hoạt động từ 5 năm nay, thì đã có tới trên 4 lần bị các lực lượng chức năng xử phạt về hành vi xả nước thải không đủ kỹ thuật ra môi trường. Gần đây nhất vào tháng 1/2017, phòng Cảnh sát môi trường cũng đã xử phạt Công ty này 81 triệu đồng về hành vi xả thải vượt kỹ thuật cho phép.
Nước thải từ Công ty TNHH thời trang giặt Quốc tế tại Văn Lâm thải ra môi trường có màu đen đặc và bốc mùi.
Hay như Công ty Cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu Phương Đông có trụ sở tại xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào là một trong những công ty đã bị phòng Cảnh sát môi trường phát hiện và xử phạt nhiều lần về hành vi xả thải vượt quy chuẩn an toàn. Tuy nhiên Công ty này vẫn không chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, nên tháng 4/2017 công ty Phương Đông tiếp tục bị phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện, kiểm tra và xử phạt trên 300 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn và không thu gom chất thải nguy hiểm đúng quy định, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ra quyết định dừng hoạt động cho đến khi có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải mới cho hoạt động trở lại.
Ngay cả Trung tâm thu gom nước thải của 11 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B cũng đã từng bị đoàn thanh tra của Tổng Cục Môi trường phối hợp với phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh bắt quả tang khi đang xả nước thải ra môi trường không qua xử lý vào cuối năm 2014. Mặc dù trước đó, Đoàn thanh tra liên ngành đã yêu cầu Trung tâm này khắc phục việc xử lý nước thải...
Có thể thấy, mặc dù lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực, quyết liệt để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, xong ý thức chấp hành bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác thanh tra, kiểm tra, cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động này còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó chế tài xử phạt, cưỡng chế chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt không tương xứng với tinh chất và mức độ vi phạm, do vậy nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận nộp phạt khi bị phát hiện. Không ít doanh nghiệp đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi để xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, điều này đã gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng nhất là khu vực xung quanh khu công nghiệp và làng nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Các trinh sát PC49 phát hiện và lập biên bản xử lý các tàu hút cát trái phép trên tuyến sông Hồng.
Dẫu biết rằng cuộc chiến chống các hành vi vi phạm về môi trường còn nhiều thách thức và gian nan, xong để góp phần đưa môi trường sống của chúng ta được trong lành và an toàn thì bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng phòng chống tội phạm về môi trường, mỗi người dân và những người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời tuyên truyền cho cán bộ công nhân viên và người thân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, tài nguyên, khoáng sản và an toàn thực phẩm; tăng cường tố giác tội phạm, có như vậy tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường mới được ngăn chặn, đẩy lùi, mang lại môi trường sống cho người dân thực sự trong lành và an toàn cho người dân./.
Thùy Hương - Công an tỉnh