Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến mới phức tạp, khó lường với số người mắc và tử vong không ngừng tăng lên trên quy mô toàn thế giới. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Tính đến 7h00’ ngày 25/3/2020, tại Việt Nam đã phát hiện 134 ca nhiễm Covid-19, trong đó 17 ca đã được chữa khỏi, 117 ca đang được điều trị; ở Hưng Yên, tuy chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh, song vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nếu không thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là công tác quản lý, giám sát các trường hợp thuộc diện cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Trên địa bàn tỉnh đã có 47 trường hợp nghi nhiễm cách ly tại cơ sở y tế, 707 trường hợp (trong đó 349 trường hợp đã hoàn thành, 358 trường hợp mới chuyển về ngày 18/3/2020, 02 trường hợp dương tính chuyển cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh) cách ly tập trung trong 14 ngày tại Khu cách ly số 1 - Trường Quân sự tỉnh (Ân Thi, Hưng Yên). Bên cạnh nhiều người chủ động, có ý thức tự cách ly để bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng vẫn còn một số người không hợp tác với các cơ quan chức năng, không khai báo y tế, trốn cách ly. Một hành động nhỏ nhưng mang lại hậu quả lớn. Vậy các hành vi trên sẽ bị xử lý như thế nào?
Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm các hành vi sau: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Như vậy, việc không khai báo, che giấu bệnh dịch cũng như trốn tránh cách ly làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, hình sự như thế nào?
Thứ nhất, Đối với hành vi không khai báo, che giấu bệnh dịch: Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tử vong cao, Bộ Y tế đã bổ sung dịch bệnh Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A).
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, Đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc cách ly như nhờ người khác cách ly hộ, bỏ đi nơi khác nhằm trốn cách ly.v.v., hoặc trốn tránh, từ chối việc cưỡng chế cách ly .v.v., hoặc trốn tránh, từ chối việc cưỡng chế cách ly y tế thì sẽ bị xử phạt tiề từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 176.
Ngoài ra, hành vi làm lây lan dịch bệnh cho người khác, tùy theo mức độ, hậu quả xảy ra có thể xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, với các mức xử phạt như sau:
Người nào làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu dẫn đến việc phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; Làm chết người.
Phạt tù từ 10 năm đến 12 năm nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Làm chết 02 người trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thứ ba, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly (Khoản 1, Điều 49, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007). Những người này khi không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế của người có thẩm quyền thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tinh thần tự giác cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân chính là “lá chắn vững chắc nhất” của Đảng, Nhà nước để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Chính vì vậy, ngay lúc này, mọi người hãy cùng nhau thể hiện sự đoàn kết thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “phòng dịch như chống dịch”, “chống dịch như chống giặc”, “kỷ cương, quyết liệt, trách nhiệm, bình tĩnh, hiệu quả”, tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền đến người thân, bạn bè và những người xung quanh cách phòng tránh cũng như các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19./.
Phạm Văn Mạnh
Phòng Tham mưu - Công an tỉnh