Ngày 23/3/2021, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến "Tổng kết Đề án phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020"
Tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên, tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo một số phòng chức năng thuộc Công an tỉnh.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì Hội nghị (nguồn: Báo CAND)
Báo cáo tại Hội nghị, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, triển khai thực hiện Đề án "phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia" từ năm 2017 đến năm 2020, tội phạm về hình sự đã được kiềm chế. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án trên 80%; đấu tranh triệt phá 6.992 băng nhóm tội phạm với trên 36 nghìn đối tượng, trong đó có những băng nhóm lưu manh, côn đồ, hình sự cộm cán, hoạt động tinh vi, núp bóng doanh nghiệp, đan xen trên các lĩnh vực hình sự, kinh tế, môi trường…Đối với Đề án "chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH", Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã lựa chọn 1951 địa bàn trọng điểm được tập trung chuyển hóa, có 1.256 địa bàn đã chuyển hóa đạt các chỉ tiêu đề ra, đạt tỉ lệ 64,38%; 1.437 địa bàn tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm, được Trưởng ban Chỉ đạo 138 các địa phương ban hành quyết định đưa ra khỏi diện địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH.
Tại Hưng Yên, qua tổng kết, trong quá trình thực hiện Đề án đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2017-2020, Công an tỉnh Hưng Yên đã xác định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lâu dài; quán triệt phương châm "bóp chết từ trong trứng" ngay khi băng nhóm mới hình thành, không để hoạt động của các băng nhóm lớn, có đông đối tượng tham gia, tồn tại dài ngày, hoạt động công khai, lộng hành gây bức xúc trong nhân dân. Kết quả, đã triệt phá 10 băng nhóm, bắt giữ 74 đối tượng; trong đó khởi tố 69 bị can, xử lý hành chính 05 đối tượng; tổ chức truy bắt 07 đối tượng truy nã nguy hiểm; phát hiện, đấu tranh với 02 vụ án có dấu hiệu hoạt động theo ổ nhóm trên lĩnh vực kinh tế; phát hiện bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Tại điểm cầu Công an tỉnh Hưng Yên
Đối với Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, áp dụng đồng bộ các biện pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị nên đã có những kết quả nổi bật, rõ nét; 12/13 địa bàn trọng điểm đã chuyển hóa đạt các tiêu chí đề ra và được đưa ra khỏi diện trọng điểm phức tạp về TTATXH.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương đã ghi nhận, biểu dương thành tích của lực lượng Công an, các ngành, các cấp đã đạt được trong thời gian thực hiện 2 đề án trên. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, Công an các đơn vị địa phương nhanh chóng xây dựng, triển khai kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức giai đoạn 2021-2025, kiên quyết không để tội phạm hoạt động lộng hành theo kiểu "xã hội đen". Công tác đấu tranh với tội phạm có tổ chức trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, tội phạm về ma túy, sử dụng công nghệ cao cũng phải được quan tâm hơn. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia... Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương cần xác định công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công an.
Nhân dịp này, Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho 39 tập thể, cá nhân (Công an tỉnh Hưng Yên có 01 cá nhân) đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện 2 Đề án.
Vũ Nhung