Thông tin chỉ đạo, điều hành
Đăng ngày: 09/12/2021 - Lượt xem: 528
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”

Sáng ngày 08/12/2021, Bộ Công an phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”.

Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đồng chủ trì Hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội thảo

Tại điểm cầu Công an tỉnh Hưng Yên có đồng chí Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Nguyễn Văn Mừng, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo một số Sở, ban, ngành; đại diện lãnh đạo, chỉ huy một số phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Hưng Yên

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới - "không gian mạng". Không gian mạng đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.

"Không gian mạng" giờ đây đã trở thành "không gian chiến lược mới", "vùng lãnh thổ đặc biệt" gắn chặt với chủ quyền về đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, trong thời gian qua, cùng với cả hệ thống chính trị, lực lượng CAND luôn là một trong những lực lượng nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giữ vai trò trọng yếu trong bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35, ngày 22/10/2018 "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" gắn với Kết luận số 53, ngày 4/6/2019 của Ban Bí thư "Về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội" đã tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đồng chí tin tưởng, với tinh thần khoa học, dân chủ, trách nhiệm, hội thảo sẽ có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ nội hàm của khái niệm "chủ quyền quốc gia trên không gian mạng", mối liên hệ biện chứng giữa "không gian mạng" và "chủ quyền quốc gia"; vấn đề an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; dự báo nguy cơ gia tăng bất đồng, tranh chấp, thậm chí là xung đột giữa các quốc gia trong áp dụng chủ quyền không gian mạng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá từ nhiều góc độ thực trạng hoạt động của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở nước ta trong những năm qua. Những kết quả, kinh nghiệm cũng như hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bật cập trong hoạt động này. Những yêu cầu mới đặt ra về quản lý, bảo vệ lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các văn kiện khác của Đảng. Yêu cầu, định hướng và các giải pháp tổng thể và các giải pháp cụ thể nhằm bảo bảo vệ vững chắc và hiệu quả chủ quyền quốc gia trên không gian mạng...

Tiếp đó, các đại biểu tham dự hội thảo được thông qua nội dung cuốn sách do đồng chí Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an chủ biên, đi sâu phân tích các vấn đề lý luận và thực tiễn trong xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, qua đó cung cấp những thông tin, hiểu biết cơ bản về những vấn đề liên quan đến ANQG, chủ quyền ANQG và bảo vệ chủ quyền ANQG trên không gian mạng.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là yêu cầu và thách thức lớn, trở thành nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Nhận thức được vấn đề đó, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản quy định về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, ngăn chặn tình trạng tội phạm trên không gian mạng và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá trên không gian mạng của các thế lực thù địch. Thời gian tới để đảm bảo tình hình ANQG, tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đồng chí Bộ trưởng yêu cầu các lực lượng có liên quan, Công an các đơn vị, địa phương phải không ngừng nâng cao về nhận thức, tư duy mới trong tiếp cận với vấn đề ANQG trên không gian mạng, tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ ANQG trên không gian mạng; tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông; hoàn thiện quy chế phối hợp giữ Bộ Công an và các bộ, ban ngành về bảo vệ ANQG, an ninh mạng.

                                                                  Minh Phương

Tin liên quan