Tin tức, sự kiện
Đăng ngày: 05/09/2018 - Lượt xem: 351
Hơn 23 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học 2018-2019

Hôm nay 5-9, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên chính thức bước vào năm học mới 2018-2019.

Lễ Khai giảng năm học 2018-2019 được tổ chức thống nhất trên cả nước vào buổi sáng 5/9/2018. Chương trình khai giảng ngắn gọn, hướng đến học sinh, sinh viên, đảm bảo trang nghiêm. Đối với cấp học Mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Bộ GD-ĐT lưu ý, việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả  để tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho học sinh.

 

 

5 phương hướng chung để nâng cao chất lượng đào tạo

Trong năm học này, toàn ngành Giáo dục  đưa ra 5 phương hướng chung để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và thực hiện tốt vệ sinh trường học; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Đối với cấp giáo dục mầm non tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Với hệ thống giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

Ở bậc giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Hệ thống giáo dục thường xuyên tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo từ xa hoạt động không đúng quy định; rà soát, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy việc học tập của người lớn.

Một số trường vùng lũ không thể khai giảng

Lễ khai giảng năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương vừa trải qua mưa lũ nặng nề, bởi vậy, có nhiều trường không thể tiến hành lễ khai giảng, hoặc có nhiều trường khai giảng xong các em lại tiếp tục phải nghỉ học để sửa chữa lại trường lớp, khôi phục cơ sở vật chất, môi trường của cơ sở giáo dục...

Như tại Thanh Hoá, đợt mưa lũ cuối tháng 8, đầu tháng 9/2018 đã khiến nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chìm trong biển nước. Theo báo cáo của ngành giáo dục Thanh Hóa, có 13 điểm trường trong toàn tỉnh bị ngập lụt, 6 điểm trường bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, 2 nhà bán trú cho học sinh bị vùi lấp. 

Hay tại Yên Bái, khi năm học 2018-2019 bắt đầu, cơ sở vật chất của một số điểm trường đã bị mưa lũ làm hư hỏng. Ở nhiều khu vực, các em học sinh vùng cao khai giảng trong tình trạng thiếu đồ dùng học tập, giao thông bị chia cắt, đi lại rất khó khăn…

Tại tỉnh Sơn La, hiện tại nhiều địa phương vẫn đang bị chia cắt do nước lũ, khiến cho việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là huyện Mai Sơn là địa phương có nhiều trường học bị thiệt hại nặng nề trong những ngày mưa lũ vừa qua.

 

Trường PTDTBT THCS Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn bị ngập bùn trước ngày khai giảng.

 

Theo báo cáo chiều 4/9, tổng số trường không thể khai giảng vào ngày 5/9 trong toàn quốc là 4 trường (Thanh Hóa 3, Nghệ An 1). Cụ thể, 3 trường ở huyện Mường Lát (Thanh Hoá) dự kiến lùi lễ khai giảng đến ngày 8/9 là: Mầm non Mường Chanh, Tiểu học Mường Chanh và THCS Mường Chanh do địa bàn chia cắt, học sinh không thể đến trường. Còn tại Nghệ An là trường Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Con Cuông, với khoảng 300 học sinh.

Cũng tại Thanh Hoá, có 3 trường phải đi khai giảng nhờ, gồm trường Tiểu học Trung Sơn; THCS Phú Xuân; Mầm non Thành Sơn (huyện Quan Hóa).

Còn tại tỉnh Hoà Bình, có 20 em học sinh ở xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu phải thực hiện khai giảng tại xóm trong xã, không đến được điểm trung tâm để khai giảng, do đường giao thông chưa thông tuyến...

Theo báo CAND

Tin liên quan