Thông tin chuyên đề
Đăng ngày: 09/03/2022 - Lượt xem: 596
Lực lượng Công an tỉnh với “cuộc chiến” đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”

Những lời quảng cáo hấp dẫn “cho vay không thế chấp, thủ tục đơn giản…” đã khiến nhiều nạn nhân “sập bẫy” “tín dụng đen” để rồi kéo theo biết bao hệ lụy đau lòng cho gia đình và xã hội. Với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, lực lượng Công an toàn tỉnh đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm đấu tranh, đẩy lùi tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

“Ma trận tín dụng đen” với những chiếc bẫy tinh vi được giăng khắp nơi, chỉ chờ những con nợ sập bẫy là những hệ lụy của nó cuốn chặt, đeo bám các nạn nhân và gia đình đến kiệt quệ. Mặc dù, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an đã tổ chức nhiều “chiến dịch” ra quân đấu tranh, ngăn chặn, nhưng những cơn sóng ngầm “tín dụng đen” vẫn luôn có một dòng chảy khó ngắt mạch, tiềm ẩn phát sinh nhiều loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương. Thượng tá Nguyễn Quang Tạo – Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: “Thời gian qua, các hoạt động  liên quan đến “tín dụng đen” đã ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự tại nhiều địa phương. Khi cơ quan chức năng đấu tranh, bóc gỡ quyết liệt… thì các đối tượng sẽ tìm mọi cách để tiếp tục hoạt động với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát hình sự đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đơn vị đã chủ động phối hợp với Công an các huyện, thành phố, thị xã và chính quyền các địa phương nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện các hành vi, thủ đoạn mới của các đối tượng cho vay lãi nặng; đẩy mạnh công tác đấu tranh trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân, Tòa án nhân dân cùng cấp khẩn trương điều tra xử lý nghiêm các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen; lựa chọn các vụ án điểm xét xử lưu động để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, răn đe tội phạm. Qua đó, góp phần làm tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương. Cơ quan Công an cũng khuyến cáo mỗi người dân cần tỉnh táo trước những lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn về hình thức, thủ tục cho cho vay của các đối tượng… Bởi thực chất đây chính là những cái bẫy đã đẩy nhiều con nợ và gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn cùng vì… “tín dụng đen”.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân, các đối tượng đã tung ra rất nhiều “chiêu trò” để lôi kéo con nợ với những lời mời chào như “cho vay không cần thế chấp”, “hỗ trợ tài chính”, “gọi điện là có tiền”… Và rồi “dễ vay, khó trả”, các nạn nhân sau khi “nhắm mắt đưa chân” sẽ phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”, nếu không trả sẽ bị uy hiếp, khủng bố tinh thần, thậm chí bị hành hung, đe dọa tính mạng của bản thân và gia đình.

Các đối tượng đổ “chất bẩn” vào nhà “con nợ”

Xác định hoạt động “tín dụng đen” liên quan đến nhiều loại tội phạm khác như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, giết người, cưỡng đoạt tài sản… gây nguy hại cho xã hội, thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn và hệ lụy của hoạt động vay tiền liên quan đến “tín dụng đen”. Chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, nhất là các đối tượng hình sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư... nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê. Bên cạnh việc chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, “đánh mạnh”, “đánh trúng” vào các băng, ổ nhóm, đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính để vi phạm pháp luật. Chỉ tính từ ngày 01/12/2021 đến ngày 14/2/2022, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố, thị xã đã kịp thời phát hiện, bắt giữ 12 vụ, 17 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”; trong đó khởi tố 10 vụ, 14 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tiêu biểu là Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã bắt giữ 3 vụ với 3 đối tượng, phòng Cảnh sát hình sự bắt giữ 2 vụ, 4 đối tượng; Công an huyện Yên Mỹ xác lập, triệt phá 2 chuyên án, bắt 2 đối tượng; Công an huyện Khoái Châu phát hiện 2 vụ, 4 đối tượng…

Điển hình là Công an huyện Khoái Châu đã ghi nhận một vụ cưỡng đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen. Anh Nguyễn Chí T., sinh năm 1990 ở thị tứ Bô Thời, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu cho biết, từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, do kinh tế gia đình gặp khó khăn, anh đã vay nợ của Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1983 ở cùng thôn số tiền 20 triệu đồng với lãi suất 5 nghìn/1 triệu/1 ngày. Sau 4 lần trả lãi, anh không còn khả năng tiếp tục chi trả nên bị Nguyễn Văn Tuấn cùng một số đối tượng khác chặn đánh và yêu cầu phải gọi điện cho người nhà mang trả đủ 20 triệu tiền gốc và 15 triệu tiền lãi. Anh T. chia sẻ: “Từ vụ việc trên, tôi rút ra được bài học kinh nghiệm rằng, trước khi  vay tiền phải tìm hiểu kỹ thông tin hoặc trực tiếp đến ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn vay vốn. Tránh việc nợ chồng nợ, khó khăn càng thêm khó khăn, mà còn bị chủ nợ đe dọa, khống chế”.

Các đối tượng cưỡng đoạt tài sản của anh T.

Có cầu thì ắt có cung và đó là một trong những nguyên nhân khiến “tín dụng đen” len lỏi khắp nơi. Để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”,  bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an và các cơ quan chức năng, người dân cần chủ động phòng tránh, không tự đưa mình trở thành nạn nhân của các đối tượng cho vay lãi nặng. Nếu có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ với các địa chỉ có nguồn vốn chính thống, như hệ thống Ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân, hoặc các chương trình hỗ trợ người nghèo từ các tổ chức xã hội. Nếu phát hiện hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, đề nghị người dân phối hợp, cung cấp thông tin cho lực lượng Công an để kịp thời có các biện pháp xử lý, giải quyết, qua đó, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phương Huyền – Công an tỉnh

Tin liên quan