Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, tình hình tội phạm trộm cắp tài sản có chiều hướng diễn biến phức tạp: Số vụ trộm cắp tài sản gia tăng, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội (90/310 vụ, chiếm 29%, thiệt hại tài sản khoảng 9 tỷ đồng)
Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là cậy cửa, phá khóa đột nhập vào các doanh nghiệp, nhà dân… phá két trộm cắp tài sản là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị; đập phá kính ô tô để trộm cắp tài sản bên trong gây thiệt hại lớn cho nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Điển hình: (1)Khoảng 4 giờ ngày 28/4/2024 tại phòng Kế toán của Công ty TNHH môi trường Ngân Anh ở thôn Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm bị kẻ gian đột nhập phá két sắt, trộm cắp 2,2 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hưng Yên đang tiếp tục phối hợp Công an huyện Văn Lâm điều tra, xác minh. (2)Ngày 27/02/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Khoái Châu, tiếp nhận đơn tố giác của công dân về việc bị kẻ gian đập kính ô tô trộm cắp tài sản trong xe. Quá trình điều tra, làm rõ đối tượng Nguyễn Công Thái SN 1988 trú tại ngõ 1 Phú Viên, tổ 25, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. Hà Nội; Thái khai nhận đã thực hiện 20 vụ trên địa bàn các huyện: Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Thị xã Mỹ Hào. Hiện vụ án đã kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến VKSND huyện Khoái Châu đề nghị truy tố bị can theo quy định.


Hình ảnh đối tượng Thái cùng vật chứng gây ra hàng loạt vụ cậy, phá cửa kính xe ô tô để cướp tài sản
Qua nhận điện, đánh giá tình hình về tội phạm trộm cắp tài sản cho thấy phương thức, thủ đoạn hoạt động đã có sự thay đổi, ngày càng tinh vi và manh động hơn; có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công cụ, phương tiện và số lượng đối tượng tham gia. Để có biện pháp bảo vệ tài sản cũng như nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, tố giác, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này; đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nắm vững phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này trên các phương diện sau:
1. Phương thức, thủ đoạn hoạt động
* Trộm cắp tại các cơ quan, doanh nghiệp:
Đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản tại cơ quan, doanh nghiệp thường có sự ngụy trang, ẩn danh rất tinh vi, kỹ lưỡng: Đối tượng có thể là cán bộ, nhân viên, lao công, giúp việc… đã từng công tác hoặc đang làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp, là người có điều kiện nắm rõ, tiếp cận địa điểm, nơi cất, giữ tài sản cũng như thời gian, không gian và nắm bắt được tâm lý, đời sống sinh hoạt của người được giao, quản lý tài sản. Từ đó tìm ra sơ hở, chủ quan của tập thể, cá nhân quản lý tài sản để đột nhập trộm cắp tài sản.
* Trộm cắp tại nhà dân:

Đối tượng thường lợi dụng các điều kiện sau để đột nhập nhà dân trộm cắp tài sản, cụ thể như:
- Lợi dung đêm khuya, khu dân có tuyến đường vắng người qua lại; thời tiết mưa bão; hệ thống điện lưới hư hỏng; chủ nhà chủ quan hoặc quên không khóa cửa (nhất là vào mùa hè), chủ nhà thường xuyên đi vắng dài ngày hoặc tham gia các kỳ nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ hè; có trường hợp gia đình con cái đi làm xa chỉ có người già ở nhà một mình…
- Địa thế, vị trí ngôi nhà có điều kiện để đối tượng trèo qua ban công rồi đột nhập vào nhà (liền kề cột điện, cây cao…); nhà chưa được lắp đặt các thiết bị giám sát cảnh báo, chống trộm. Một số khu biệt thự cao cấp, lực lượng bảo vệ mới chỉ chú trọng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát người ra vào; thiếu tuần tra, kiểm soát an ninh tại các căn biệt thự.
Công cụ, phương tiện gây án:
Đối tượng chủ yếu sử dụng các vật dụng như kìm cộng lực mini, xà cầy… để cắt, cậy, phá cửa - tủ - két sắt để trộm cắp tiền, tài sản
* Đập phá kính ô tô để trộm cắp tài sản:
Đối tượng thường tiếp cận, hướng tới những chiếc xe ô tô có giá trị, chủ sở hữu có điều kiện kinh tế; vào ban đêm lợi dụng chủ xe ngủ say, đỗ xe trước cửa nhà hoặc vỉa hè nhất là khu vực vắng người qua lại, xe không được lắp đặt thiết bị cảnh báo chống trộm. Để quan sát tài sản bên trong, đối tượng dùng đèn pin mini chiếu quan sát bên trong xe để xác định vị trí tài sản. Khi quan sát thấy trong xe có tài sản, đối tượng mới quyết định phá cửa kính ô tô để trộm cắp.
Công cụ, phương tiện gây án:
Đối tượng chủ yếu sử dụng các vật nhọn như tua vít tác động làm vỡ cửa kính ô tô, sau đó mở khóa cửa xe rồi tiếp cận trộm cắp tài sản trong xe.
2. Biện pháp phòng chống tội phạm trộm cắp tài sản
* Đối với các cơ quan, công ty, doanh nghiệp:
- Đơn vị, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao công tác quản lý, bảo vệ tài sản; tuyển chọn lực lượng bảo vệ uy tín, trách nhiệm, có khả năng xử lý tình huống khi sự việc xảy ra. Trang bị, lắp đặt các thiết bị an ninh nhằm giám sát, phát hiện, thông báo khi có kẻ gian đột nhập nơi cất giữ tài sản. Sử dụng các loại két sắt có tính bảo mật và sức chịu lực chống phá cao để bảo vệ tài sản.
- Cảnh giác cao đối với các đối tượng lạ mặt xuất hiện tại khu vực cơ quan, công ty, doanh nghiệp vào các khung giờ nghỉ, đóng cửa. Tổ chức các buổi thông báo, tuyên truyền trong đơn vị, công ty, doanh nghiệp để nâng cao ý thức cảnh giác, đồng thời răn đe, phòng ngừa chung.
* Đối với cá nhân, hộ gia đình:
- Cần nâng cao ý thức cảnh giác và không chủ quan, xem nhẹ đối với loại tội phạm này. Thường xuyên đề ra các biện pháp bảo vệ tài sản của mình; giả định các phương án, tìm ra khu vực điểm yếu - hạn chế về an ninh của ngôi nhà - nơi đối tượng có thể tiếp cận, cậy phá khóa để đột nhập; từ đó thiết kế, gia cố, tạo lớp bảo vệ an ninh kiên cố cho ngôi nhà (lắp các loại khóa chống trộm thông minh, thiết bị cảnh báo cảm biến hồng ngoại; xây, thiết kế tường rào, dây thép gai bao quanh …) không để kẻ gian có điều kiện, lợi dụng sơ hở để đột nhập trộm cắp tài sản.
- Khi có công việc vắng nhà dài ngày nên nhờ người giám sát; kiểm tra kỹ lưỡng, khóa chặt hệ thống các cửa ra vào, cửa sổ, cửa ban công… đồng thời kích hoạt các thiết bị an ninh, giám sát (nếu có). Về ban đêm, các loại phương tiện có giá trị như ô tô, xe máy, người dân cho xe trong nhà hoặc gửi xe tại điểm trông giữ, bảo vệ; lắp các thiết bị cảm biến cảnh báo trên xe. Đặc biệt không nên để các tài sản có giá trị lớn ở trong xe; đề phòng, cảnh giác với các đối tượng lạ mặt, có biểu hiện nghi vấn trộm cắp tài sản xuất hiện tại khu dân cư.
* Biện pháp xử lý tình huống đột xuất
- Khi nhận thấy đối tượng chuẩn bị hoặc đang thực hiện hành vi, cá nhân không nên tự ý một mình dượt đuổi, giằng co, bắt giữ đối tượng; tránh tình huống đối tượng manh động, sử dụng hung khí chống trả để tẩu thoát sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe.
- Nhanh chóng liên hệ số điện thoại của Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vụ việc, đồng thời gọi điện, hô hào huy động sức mạnh tập thể để tham gia ngăn chặn, khống chế, bắt giữ đối tượng.
Nguyễn Văn Thắng
Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh