Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước hết và quan trọng nhất là cần nâng cao mức độ "luật hoá" bằng việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ngày 10/2, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.
Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí Trung tướng, TS. Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử Công an kiêm Viện trưởng Viện Chiến lược Công an chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của gần 150 nhà khoa học, thực tiễn, chuyên gia pháp lý trong và ngoài lực lượng CAND phát biểu tham luận, viết báo cáo khoa học và đóng góp ý kiến trực tiếp qua Ban tổ chức.
Phát biểu tại khai mạc hội thảo, Trung tướng, TS. Đỗ Lê Chi cho biết, với quyết tâm chính trị cao thực hiện đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa, trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là đối với các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là những nội dung trọng tâm.
Ông Phan Thanh Uy, Chánh Văn phòng Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Đây cũng là những vấn đề đã được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên cơ sở đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XIV thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.
Với tinh thần tích cực, chủ động và chức năng, nhiệm vụ của mình, lãnh đạo Bộ Công an đã tổ chức họp đánh giá toàn diện những vấn đề liên quan đến việc báo cáo, giải trình về 2 dự án Luật này.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty tư vấn, thiết kế giao thông vận tải phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thống nhất về phương hướng, giải pháp thực hiện pháp luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Về hình thức hoàn thiện, cần ban hành luật chuyên ngành để điều chỉnh cụ thể, toàn diện lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đề cập đến vấn đề thực hiện các nội dung của Luật và các Thông tư về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, trong tham luận tại hội thảo, ông Phan Thanh Uy, Chánh Văn phòng Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị cần có quy định rõ ràng về chi phí gia cố, mở rộng cầu, đường khi vận chuyển những cấu kiện thiết bị lớn; vai trò hướng dẫn, chủ trì cơ quan quản lý đường bộ để đảm bảo hoạt động vận tải an toàn và hiệu quả các chi phí đã đầu tư để đáp ứng nhu cầu vận chuyển.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
Bổ sung nội dung phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, dữ liệu về hành trình, tốc độ của phương tiện khi lưu thông phải được theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm nếu có… Định kỳ hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết thực hiện chế độ thanh kiểm tra công tác tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý, cấp phép, theo dõi, giám sát quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm.
Tham luận của ThS. Nhà báo Lê Anh Đức, Báo Đại đoàn kết tại hội thảo thể hiện rõ việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về pháp luật cũng như quản lý Nhà nước. Luật Giao thông đường bộ được tách thành 2 dự án luật riêng biệt nhằm đảm bảo quy định chi tiết, cụ thể, tạo điều kiện cho việc quản lý chuyên sâu, hiệu quả, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương hàng năm. Đơn cử về việc hiện tượng làm giả giấy phép lái xe hiện nay, ThS. Nhà báo Lê Anh Đức cho rằng, việc giao cho Bộ Công an kiểm soát quy trình cấp giấy phép lái xe sẽ giảm thiểu đáng kể nạn làm giả giấy phép lái xe hiện nay. Bởi, với nghiệp vụ chuyên sâu, kết hợp các thiết bị máy móc chuyên dùng, công nghệ hiện đại, Bộ Công an sẽ khiến các đối tượng làm giả giấy phép phải “bó tay” hoặc rất lâu mới có thể làm giả được loại giấy tờ này, góp phần hạn chế, ngăn ngừa loại tội phạm này, giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu những góc tiếp cận từ thực tiễn đối với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Thương tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra một số ý kiến hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty tư vấn, thiết kế giao thông vận tải tham luận với chủ đề “Đường bộ cao tốc: Hoàn thiện pháp luật về quy tắc giao thông”; Thượng tá Hoàng Minh Huệ, Viện Lý luận Công an cũng đưa ra những ý kiến đánh giá tác động của dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
ThS. Nhà báo Lê Anh Đức phát biểu tại hội thảo.
Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước hết và quan trọng nhất là cần nâng cao mức độ "luật hoá" bằng việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ý kiến này được nhiều nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và chuyên gia trong và ngoài ngành Công an nhất trí cao.
Sau khi ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần kịp thời ban hành các văn bản dưới luật, như Nghị định, Thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa và triển khai thực hiện sát thực tiễn, hiệu quả, hiệu lực. Bộ Công an có chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, chủ động hoàn thiện, tham mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức lực lượng thực thi hiệu lực, hiệu quả.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần kế thừa những quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008, đồng thời tập trung pháp điển hoá các chế định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập như: Thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được khẳng định là một bộ phận, một nội dung của công tác bảo đảm an ninh, trật tự thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND.
Các đại biểu dự hội thảo.
Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, ngành, địa phương một cách rõ ràng, rành mạch quyền hạn đi đôi với chịu trách nhiệm. Bảo đảm các quy tắc giao thông đường bộ Việt Nam tương thích và phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Xác định rõ hơn về khái niệm người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; cụ thể hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí về tuổi đời, sức khỏe, thời gian lái xe trong ngày, việc sử dụng chất kích thích... Đồng thời, chuẩn hoá quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ một cách khoa học hơn để góp phần làm giảm tai nạn giao thông.
Xây dựng lực lượng CSGT là lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm tham mưu với cấp có thẩm quyền về tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
Nhật Minh - Theo Báo CAND