Ngày 12/4/2024, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác QLHC về TTXH Quý I/2024 và sơ kết 1 năm thực hiện chuyên đề đột phá gắn với chuyển đổi trạng thái công tác Cảnh sát khu vực (CSKV). Đại tá Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì tại điểm cầu Công an tỉnh Hưng Yên.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, Quý I/2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã hoàn thành các mặt công tác trọng tâm theo đúng nội dung, tiến độ chương trình công tác đề ra; đã chủ động nhận diện, đánh giá tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, tham mưu triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, biện pháp; tổ chức thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong đó, chủ động tham mưu với Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ; 63/63 Công an địa phương đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06 của Chính phủ năm 2024 và văn bản triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06 trong lực lượng CAND. Nhiều địa phương đã phát động phong trào thi đua cao điểm hoàn thành chỉ tiêu cơ bản của Đề án 06; có phương án, cách làm hay trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai Đề án 06.
Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã chủ động đánh giá tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để tham mưu triển khai các biện pháp quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Tăng cường công tác đảm bảo ANTT đối với các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; nhận diện hoạt động biến tướng, lách luật núp bóng ngành, nghề tiềm ẩn phức tạp về ANTT.
Toàn cảnh tại điểm cầu Công an tỉnh Hưng Yên
Về kết quả 1 năm thực hiện chuyên đề "đột phá" công tác CSKV, Công an 63/63 địa phương đã có mô hình, sáng kiến hoặc triển khai nhân rộng mô hình, sáng kiến thực hiện tới 3 cấp; bố trí trên 48.000 CSKV, cán bộ thực hiện công tác CSKV tại 10.598 xã, phường, thị trấn cơ bản đảm bảo số lượng, tiêu chí theo quy định; chủ động tổ chức tập huấn cho trên 29.000 đồng chí CSKV. Công tác làm sạch dữ liệu và xây dựng các giải pháp công nghệ, các nhóm công tác chủ yếu của CSKV đã chuyển đổi từ thủ công sang môi trường công nghệ với tỷ lệ cao. Hỗ trợ Công an cấp xã gửi xác minh qua hệ thống, hạn trả lời trong 3 ngày, rút ngắn trên 90% thời gian so với xác minh truyền thống (20-45 ngày).
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá công tác QLHC về TTXH tại các địa phương; đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác QLHC về TTXH trong thời gian tới, như đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chung cư, khu đô thị; triển khai Luật Căn cước 2023…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH ghi nhận và biểu dương những kết quả mà lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã đạt được trong Quý I/2024. Đồng thời đề nghị, thời gian tới lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác trong Quý II, bám sát chương trình, lịch công tác, chỉ tiêu của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã đề ra từ đầu năm và nhiệm vụ của các đề án, dự án để chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chỉ tiêu được giao.
Đối với nhiệm vụ thực hiện Đề án 06, trong đó, vai trò thường trực, tham mưu triển khai Đề án 06 là Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, trực tiếp là Trung tâm dữ liệu quốc về dân cư, tiếp tục phát huy vai trò thường trực trên cả 02 phương diện: Thường trực tham mưu Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ và Tổ Đề án 06 của Bộ Công an trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Quá trình thực hiện phải sâu sát, quyết liệt trong đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương để kịp thời phát hiện, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở; đồng thời, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống dữ liệu dân cư.
Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH tại các địa phương tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò thường trực, gương mẫu đi đầu trong thực hiện Đề án 06. Kịp thời tham mưu với UBND các cấp trong việc triển khai các văn bản chỉ đạo của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ; tham mưu đề xuất giải quyết các khó khăn vướng mắc tại địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT góp phần phòng ngừa, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu chuyển đổi trạng thái công tác của CSKV; xây dựng, hoàn thiện hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng CSKV trong công tác quản lý địa bàn. Từ đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở địa phương trong quá trình thực hiện công tác quản lý khu chung cư, khu đô thị mới; công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuân trong nội bộ nhân dân; công tác quản lý, giáo dục đối tượng theo chức năng CSKV…
Phương Huyền – Công an tỉnh