Thượng tá Nguyễn Trường Lâm
Phó Giám đốc Công an tỉnh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đánh giá cao vai trò, sức mạnh của nhân dân và khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” là một trong những phong trào thi đua yêu nước, gắn bó chặt chẽ với các phong trào cách mạng khác, là cơ sở rất quan trọng để xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân trong 79 năm qua luôn gắn liền với những hình thức tổ chức và tập hợp quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, khả năng tiềm tàng, sáng tạo, ý thức và trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005, lấy ngày 19/8 hằng năm - Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân là “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đây là phong trào có vị trí chiến lược, là một trong những biện pháp công tác cơ bản của lực lượng Công an, là nền tảng cơ bản trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, là một bộ phận gắn bó khăng khít, chặt chẽ với các phong trào hành động cách mạng khác của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Để Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, huy động sức mạnh toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, lực lượng Công an đã triển khai phát động phong trào với nhiều biện pháp, hình thức khác nhau phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, địa bàn dân cư và với từng nhóm đối tượng cụ thể, trong đó, đồng bào các tôn giáo luôn giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng.
Ở nước ta, đồng bào các tôn giáo là bộ phận có số lượng đông đảo, có đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại đa số tín đồ, chức sắc các tôn giáo có tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó với dân tộc, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm công dân. Tuy vậy, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, tôn giáo vẫn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự ở các địa phương, cũng như lợi ích quốc gia và việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đất nước.
Công an tỉnh Hưng Yên luôn xác định: Tôn giáo là một hiện tượng xã hội - lịch sử đặc thù, liên quan đến tâm linh, tình cảm, nhận thức, tư tưởng và hành động của các cộng đồng dân cư theo tín ngưỡng, tôn giáo; có tác động đa chiều đến quá trình vận động, phát triển của thế giới; tôn giáo đã đáp ứng phần nào nhu cầu tinh thần của quần chúng, phản ánh khát vọng của con người về một xã hội tự do, bình đẳng, bác ái. Tuy nhiên, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã làm cho các vấn đề liên quan đến tôn giáo ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nhìn chung, hoạt động của các tôn giáo đều mang tính chất thuần túy. Các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo có ý thức sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành pháp luật và quy định của địa phương, không để xảy ra các điểm nóng, không gây mất an ninh, trật tự, không làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc. Quần chúng các tín đồ tôn giáo cơ bản tin tưởng vào chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, có tinh thần yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của công dân. Đồng bào các tôn giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc, đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương.
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Các sự kiện quan trọng của các tôn giáo đều được quan tâm, tổ chức trang trọng, vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm theo đúng nghi lễ tôn giáo, tạo được sự chia sẻ của đông đảo nhân dân trong tỉnh. Nhiều cơ sở tôn giáo đã được quan tâm, tạo điều kiện xây mới, xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ, phục vụ tín đồ; các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, an toàn, đáp ứng nhu cầu của đồng bào theo đạo; nhiều cơ sở tôn giáo tiếp tục được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lòng tin của đồng bào có đạo vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền ngày càng được khẳng định, mối quan hệ giữa các tôn giáo với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ngày càng gần gũi, gắn bó.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 03 tôn giáo được phép hoạt động là Phật giáo, Công giáo và Tin lành, trong đó có 04 điểm nhóm tin lành được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo tập trung theo điểm nhóm với khoảng 280 người địa phương công khai đức tin, hoạt động.
Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 ngày 19/8/2014 của Bộ Công an về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo, thời gian qua, Công an tỉnh Hưng Yên đã chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các văn bản, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) về “Công tác tôn giáo”; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” ; Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 04/CT-BCA ngày 21/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường xây dựng củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới”…; thống nhất nhận thức tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận không nhỏ quần chúng, còn tồn tại lâu dài; đồng bào các tôn giáo là bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết dân tộc; Đảng, Nhà nước luôn chủ trương tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo để xâm phạm an ninh, trật tự và lợi ích của đất nước, của nhân dân cũng như các hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Từ đó tạo những chuyển biến, thay đổi về mặt nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo; xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng Công an là lực lượng nòng cốt.
Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, tín đồ tôn giáo thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác và tính chủ động của đồng bào các tôn giáo trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, công tác tuyên truyền đã tập trung, theo sát những sự kiện, vấn đề được dư luận nhân dân quan tâm trong từng thời gian, như: Sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung; Quốc hội dự thảo Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt; thông qua Luật An ninh mạng; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng; việc xử lý cán bộ của Đảng, Nhà nước; hiện tượng "Thích Minh Tuệ"..., góp phần định hướng dư luận, lên án đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề chủ quyền quốc gia, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, xúi giục, kích động tụ tập đông người, tuần hành, biểu tình trái phép gây rối an ninh, trật tự.
Một số hình ảnh tại buổi tuyên truyền
Thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa bàn, đối tượng; đảm bảo đưa thông tin nhanh chóng, chính xác đến với đông đảo quần chúng nhân dân và đồng bào các tôn giáo, như: Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet (qua các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo,…), thông qua các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở, tuyên truyền miệng, qua tổ chức các hội nghị, các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi bộ; kết hợp tuyên truyền rộng rãi, vận động tập trung với tuyên truyền, vận động cá biệt; tuyên truyền bằng khẩu hiệu, pano, áp phích, phát tờ rơi kết hợp với tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động tình nguyện, từ thiện để thu hút, tập hợp quần chúng tín đồ; đã chú trọng phát huy vai trò tích cực của chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo, trong cộng đồng dân cư... để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, qua đó vận động người dân, đồng bào tôn giáo ủng hộ, tích cực hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, kết quả: Từ năm 2014 đến năm 2024, quần chúng Nhân dân đã cung cấp 22.481 tin báo liên quan đến an ninh, trật tự; trong đó có 15.242 tin có giá trị giúp lực lượng Công an điều tra làm rõ các vụ án; bắt giữ 12.460 đối tượng; đưa 4660 đối tượng vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn; bắt, vận động đầu thú 650 đối tượng truy nã. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều chức sắc, tín đồ đã tích cực quyên góp, ủng hộ quỹ vắc-xin, trao quà, thuốc, thực phẩm, khẩu trang... cho các vùng bị phong tỏa, giãn cách do dịch Covid-19, lực lượng Công an tham gia phòng, chống dịch.
Giáo xứ Ngọc Đồng (huyện Kim Động) - điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ
Công an tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, các hội nghị tuyên truyền cho chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo. Đã tiếp xúc, tranh thủ, động viên trên 2.500 lượt chức sắc, chức việc trong các tôn giáo; thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà người đứng đầu tổ chức tôn giáo, các chức sắc, gia đình chính sách, tín đồ tôn giáo tiêu biểu nhân dịp lễ tết của dân tộc, lễ trọng của các tôn giáo (Noel, Phật đản, Phục sinh, Vu lan...) để hướng dẫn, động viên, tạo điều kiện để họ hoạt động tôn giáo trên cơ sở tuân thủ pháp luật, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của các mô hình, tổ chức tự quản tại các vùng tôn giáo; thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã góp phần không nhỏ vào công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng giáo, tiêu biểu: Mô hình “Giáo xứ bình yên - kính Chúa yêu nước” tại giáo xứ Đức Ninh (xã Đức Hợp, huyện Kim Động), giáo xứ Ngô Xá (xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động); Hội thanh niên Công giáo giúp đỡ nhau phát triển kinh tế ở giáo xứ Thái Nội (xã Việt Cường, huyện Yên Mỹ); Tổ tự quản về an ninh, trật tự ở giáo xứ Bùi Xá (xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ)…
Thượng tá Nguyễn Trường Lâm – Phó Giám đốc Công an tỉnh tặng hoa chúc mừng giáo xứ Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động nhân dịp lễ Giáng sinh
Vào các dịp đầu xuân, năm mới, Công an tỉnh đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt giữa lực lượng Công an với chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ. Phối hợp tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh và tập huấn chính sách, pháp luật cho chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; phối hợp tuyên truyền về chính sách, pháp luật tại các khóa tu mùa hè của Phật giáo; tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy và lắp đặt hệ thống “Camera giám sát an ninh” tại các cơ sở thờ tự. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các cấp, các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương rà soát, lập danh sách và hướng dẫn đăng ký tiêm phòng, quan tâm, bố trí nguồn vắc xin được phân bổ của địa phương để ưu tiên tiêm sớm cho chức sắc, chức việc các tôn giáo...
Nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoạt động tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tuân thủ sự quản lý của Nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm ANQG, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; Công an tỉnh đã làm tốt công tác vận động treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo, nhà riêng tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, được đại đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo đồng tình ủng hộ, thực hiện đúng nghi lễ, trang trọng.
Ra mắt Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên, kính Chúa yêu nước” và ký cam kết, giao ước thực hiện
Đã tiến hành rà soát các chức sắc, chức việc, tín đồ; nghiên cứu, lựa chọn người “cốt cán phong trào”, “cốt cán đặc thù” để tác động, tranh thủ nhằm tính toán phục vụ công tác đảm bảo an ninh trong tôn giáo. Đồng thời tham mưu lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo chính quyền các cấp và trực tiếp tổ chức các đoàn thăm hỏi, tranh thủ chúc mừng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo nhân ngày lễ trọng, dịp Tết cổ truyền của dân tộc nhằm xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó, tạo thiện cảm, tâm lý gần gũi với chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Công an đối với công tác tôn giáo; từ đó phát huy vai trò của các chức sắc và người có uy tín trong các tôn giáo trong giải quyết tình hình, vụ việc phức tạp phát sinh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là trong giải quyết các vụ việc tập trung đông quần chúng, tín đồ nhằm gây sức ép, phản đối chính quyền khi có tình huống phức tạp nảy sinh, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, vi phạm pháp luật đất đai liên quan đến tôn giáo tại các địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; cảnh báo về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam, qua đó tranh thủ sự đồng thuận của đồng bào tôn giáo với các chủ trương đấu tranh, xử lý của Đảng, Nhà nước, ngành Công an đối với các đạo lạ, hình thức tín ngưỡng trái phép; có tiếng nói mạnh mẽ, phê phán, lên án các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Qua thực tiễn công tác triển khai, thực hiện xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời gian qua, Công an tỉnh Hưng Yên rút ra một số bài học kinh nghiệm, cụ thể:
Một là, sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị và vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an là những yếu tố cơ bản, quyết định chất lượng, hiệu quả của Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo.
Hai là, tiếp tục tập trung lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho chức sắc, chức việc, tín đồ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nói chung và tôn giáo nói riêng,
Ba là, nắm chắc đặc điểm từng tổ chức tôn giáo, giáo lý, giáo luật, hình thức sinh hoạt tôn giáo, đặc điểm riêng về chức sắc, chức việc, tín đồ của từng tôn giáo, nhu cầu pháp luật đặc thù của đồng bào từng tôn giáo, đặc điểm tình hình an ninh, trật tự địa bàn gắn với từng tôn giáo,… từ đó xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức, chọn cử cán bộ phù hợp để thực hiện đạt được hiệu quả cao nhất.
Bốn là, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả của Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào tôn giáo. Thực tế cho thấy ở đâu, khi nào, Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát huy hiệu quả, ở đó nhận thức pháp luật và tình hình an ninh, trật tự được đảm bảo.
Năm là, coi trọng và thường xuyên làm tốt công tác vận động, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, công tác phát triển đảng trong đồng bào các tôn giáo, thông qua họ để vận động quần chúng tín đồ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Thời gian tới, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tiếp tục lợi dụng, sử dụng triệt để chiêu bài tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta và đồng bào các tôn giáo sẽ là đối tượng chính để các thế lực thù địch, bọn phản động thực hiện các hành vi tác động, lôi kéo, xúi giục, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Hưng Yên xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, nắm vững, quán triệt sâu sắc, thực hiện đúng đắn các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.
Thứ hai, tích cực tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện công tác xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo. Chú trọng công tác khen thưởng, động viên đối với các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trong việc tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thứ ba, làm tốt công tác vận động, phát huy vai trò tích cực của chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, tạo điều kiện để họ trực tiếp tham gia và vận động quần chúng tín đồ hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật, gắn bó với đất nước, dân tộc, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các lực lượng chức năng đổi mới nội dung và các biện pháp xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo; đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh, tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để hỗ trợ công tác vận động đồng bào các tôn giáo tham gia Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thứ năm, kịp thời phát hiện, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục sơ hở thiếu sót trong thực hiện chính sách tôn giáo và quản lý kinh tế - xã hội, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự có liên quan đến tôn giáo ngay từ đầu và tại cơ sở gắn với chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của đồng bào các tôn giáo./