Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Đăng ngày: 08/06/2023 - Lượt xem: 1036
Nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng xã hội và trách nhiệm công dân

Với sự phát triển của công nghệ, không gian mạng đã trở thành một nơi để chia sẻ, trao đổi và hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh những lợi ích thì mạng xã hội cũng có những mặt tiêu cực, đặc biệt là vấn đề lan truyền thông tin xấu, độc. Do vậy, việc nhận diện và cảnh giác trước những thông tin xấu, độc là vô cùng cần thiết nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa tác động tiêu cực, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội của đất nước và xây dựng môi trường sống an toàn, chất lượng

Có thể thấy rằng, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhất là các nền tảng mạng xã hội với lợi thế nhanh chóng, thuận tiện đang chiếm lĩnh không gian, lượng thông tin của xã hội. Tuy nhiên, trong hàng vạn thông tin trên mạng xã hội, có không ít thông tin không chính xác, thông tin xấu - độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và cơ quan nhà nước, gây mất trật tự xã hội, hoang mang trong dư luận.

Thông tin xấu, độc là những thông tin có nội dung sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Thông tin có ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân;  Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đe dọa an ninh quốc gia…

 

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Những thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội do các thế lực phản động, các phần tử chống đối cơ hội chính trị và cả những cá nhân thiếu hiểu biết tung ra có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Âm mưu của các thế lực thù địch tán phát thông tin xấu, độc nhằm kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, kích động đồi trụy, bạo lực, lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát vi rút. Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội tác động tiêu cực đến nhận thức của người dân về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động đã lập ra và sử dụng các trang mạng xã hội tập trung tung tin xấu, độc xuyên tạc, nói xấu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch từ đó tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động dư luận, hình thành tâm lý hoài nghi, phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.

Bên cạnh đó, các đối tượng tội phạm lợi dụng mạng xã hội thông tin xấu, độc để thực hiện hành vi phạm tội như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen, sử dụng thông tin giả, xấu, độc để lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội làm phương tiện để cổ súy, quảng bá cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn, chất lượng. Để xác định được xem thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật; đúng hay sai; tốt hay xấu thì chúng ta cần tiếp cận tìm hiểu ở các nguồn thông tin chính thống. Nếu chủ thể đăng tải thông tin là các nick ảo, nick không chính danh và tổng thể nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ... Đồng thời, chọn lọc những thông tin có lợi, thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục, thông tin chính thống... để tiếp cận. Kịp thời phát hiện, tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý. Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cộng đồng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp. Nâng cao năng lực để chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội sẽ góp phần phát huy những tác động tích cực, hạn chế, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta.

Phương Huyền – Công an tỉnh

Tin liên quan