Công tác cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại trong việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị CAND. Đối với lực lượng tham mưu CAND, để hoàn thành tốt vai trò là “bộ não” của lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, hội tụ đủ năng lực, trình độ, các tố chất chuyên biệt mới đáp ứng được yêu cầu bảo vệ ANTT trong tình hình hiện nay.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trong công tác tham mưu, phục vụ lãnh đạo chỉ đạo các mặt công tác Công an, những năm qua, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan tham mưu theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu từ Công an tỉnh đến Công an các đơn vị, địa phương; đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan tham mưu các cấp… Hiện nay, lực lượng tham mưu của Công an tỉnh có 215 đồng chí; trong đó: Phòng Tham mưu: 52 đồng chí; cán bộ làm tham mưu tổng hợp thuộc Công an các đơn vị, địa phương: 163 đồng chí. Lực lượng tham mưu đã làm tốt công tác nắm, tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá và dự báo diễn biến tình hình, qua đó, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh đề ra các chủ trương, quyết định, kế hoạch quan trọng; chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp nổi lên, mới nảy sinh về an ninh, trật tự. Đồng thời, phục vụ lãnh đạo các cấp tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành các nghị quyết, chỉ thị và đề ra chủ trương, giải pháp trong lĩnh vực an ninh, trật tự, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đảng bộ Tham mưu tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng
cho đảng viên trong buổi sinh hoạt Đảng bộ
Để xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong tình hình hiện nay, một trong các yếu tố quan trọng đã được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên xác định là phải nắm rõ những khó khăn về tâm lý của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác tham mưu; từ đó đề ra các giải pháp phù hợp. Từ thực tiễn công tác thời gian qua cho thấy, lực lượng tham mưu Công an tỉnh Hưng Yên thường gặp những khó khăn về tâm lý trên một số mặt công tác sau:
Một là, cán bộ khi được phân công nhiệm vụ làm công tác tham mưu chưa hiểu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tham mưu CAND; cho rằng làm công tác tham mưu là “ngồi một chỗ”, “đút chân gầm bàn”, không quan trọng bằng lực lượng trực tiếp chiến đấu như: Cảnh sát hình sự, ma túy… Đa số học viên chưa qua công tác thực tiễn, thường có nguyện vọng được công tác tại các vị trí như cảnh sát hình sự, cảnh sát kinh tế, cảnh sát phòng, chống ma túy… vì các lực lượng đó thường được tiếp xúc nhiều với xã hội, không gian làm việc phong phú, không bó buộc. Đối với cán bộ đã từng trải qua thực tiễn công tác chiến đấu, có kinh nghiệm thường mong muốn tiếp tục làm những nhiệm vụ mình đã quen; lo lắng, sợ làm công tác tham mưu vì không quen “ngồi một chỗ”, ngại nghiên cứu, nhất là phải học lại từ đầu về: kỹ thuật soạn thảo văn bản, xây dựng chương trình, kế hoạch, báo cáo…
Hai là, cán bộ, chiến sĩ làm công tác tham mưu tại Công an tỉnh Hưng Yên nói riêng, lực lượng Công an nhân dân nói chung chưa được đào tạo bài bản, có hệ thống, ít được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là về nghiệp vụ tham mưu. Do đó, khi được phân công làm công tác tham mưu, đa số cán bộ, chiến sĩ đều lo lắng vì đó không phải sở trường, không đúng chuyên ngành mình đã học.
Ba là, một số cán bộ tham mưu chưa gắn bó, thực sự tâm huyết với công tác tham mưu thường có tâm lý muốn được chuyển đổi lĩnh vực công tác khác do chế độ chính sách, đãi ngộ đối với lực lượng tham mưu CAND còn hạn chế. Trong khi đó, áp lực công việc của cán bộ làm tham mưu rất lớn, phải luôn đi trước, đón đầu; thời gian không cố định mà phụ thuộc vào công việc, vào hoạt động của lãnh đạo… Nếu tham mưu không đúng, không trúng, tham mưu chậm… dễ bị lãnh đạo phê bình, nhắc nhở hoặc kỷ luật nên gây ra sự chán nản, nhất là đối với cán bộ trẻ.
Nguyên nhân của những khó khăn, trở ngại về tâm lý kể trên của đội ngũ tham mưu Công an tỉnh là do: Cấp ủy, lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương nhận thức chưa thực sự đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác tham mưu, coi tham mưu chỉ là phục vụ, nên chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa được hệ thống, số cán bộ học chuyên ngành tham mưu còn ít. Chế độ, chính sách mặc dù đã được điều chỉnh, nhưng vẫn còn những bất hợp lý, không thu hút được người giỏi về làm công tác tham mưu; chưa khuyến khích đuợc tinh thần, trách nhiệm của cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao.
Để giải tỏa những khó khăn về tâm lý trong công tác của cán bộ, chiến sĩ làm công tác tham mưu Công an tỉnh Hưng Yên nói riêng, lực lượng tham mưu CAND nói chung; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ huy trong tình hình hiện nay, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ lãnh đạo Công an các cấp, cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu để nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác tham mưu CAND. Xác định công tác tham mưu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên; là công tác cơ bản, chiến lược; có vị trí, vai trò quan trọng, gắn liền với hoạt động lãnh đạo, chỉ huy, giúp lãnh đạo Công an các cấp đề ra các chủ trương, kế hoạch, mệnh lệnh công tác kịp thời, chính xác. Do đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thực, nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khách quan, toàn diện, sâu sát, cụ thể. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đuờng lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nuớc, nghị quyết, chỉ thị của ngành; nêu cao tính thần trách nhiệm, tự phê bình và phê bình...
Thứ hai, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, mở lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ công tác tham mưu; phân công cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác kèm cặp, đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ trẻ, cán bộ thiếu kinh nghiệm để góp phần nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu; tạo điều kiện để cán bộ làm công tác tham mưu đuợc học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra
Thứ ba, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ làm công tác tham mưu, ưu tiên cơ quan tham mưu được tuyển chọn những sinh viên giỏi ở các học viện, trường Công an nhân dân, những cán bộ có khả năng làm tham mưu ở các đơn vị nghiệp vụ về công tác. Thực hiện cơ chế điều động, luân chuyển, đưa cán bộ làm công tác tham mưu chưa qua thực tiễn chiến đấu đến công tác tại các đơn vị nghiệp vụ, sau đó điều động về cơ quan tham mưu.
Thứ tư, bảo đảm các điều kiện và cơ chế, chính sách để thu hút và điều động cán bộ có năng lực, trình độ về công tác tại các cơ quan tham mưu; nghiên cứu, đề xuất xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn hóa chức danh nghiệp vụ, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tham mưu; thực hiện tốt chế độ chuyên viên, trợ lý, hưởng cấp hàm tương đương trong các đơn vị tham mưu.
Thứ năm, ưu tiên đầu tư kinh phí, phương tiện, điều kiện làm việc; trang bị, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật, khoa học - công nghệ hiện đại vào công tác tham mưu, nhất là trong hoạt động thu thập, phân tích thông tin, dự báo tình hình, xây dựng, biên tập văn bản, hội thảo khoa học, khảo sát thực tế, tập huấn nghiệp vụ…
Các chi bộ trực thuộc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu về mọi mặt, luôn tâm huyết với công việc là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược và là khâu trọng tâm, then chốt trong xây dựng lực lượng tham mưu CAND. Thực hiện tốt những vấn đề nêu trên không chỉ góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đảm bảo cho lực lượng tham mưu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn góp phần quan trọng xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.
Thượng tá Vũ Đình Tuân - Trưởng phòng Tham mưu