Thông tin Cải cách hành chính
Đăng ngày: 05/04/2022 - Lượt xem: 642
Quyết tâm lớn để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số quốc gia

Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò thường trực trong thực hiện Đề án 06, gương mẫu, đi đầu, sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì lợi ích của đất nước, của người dân; bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; duy trì liên tục tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 05/4/2022, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 có bài viết: "Quyết tâm lớn để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số quốc gia". Trang thông tin điện tử Công an tỉnh trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bộ trưởng.

1. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc trên mọi phương diện, khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh, định hướng lại chiến lược phát triển, với trọng tâm là đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Với khát vọng lớn, tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tận dụng tối đa những thời cơ, thuận lợi do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia . Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục xác định: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ.

Năm 2021, thành công lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số chính là hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân, tạo sự đổi mới căn bản, mang lại hiệu quả to lớn trong công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân.

Tiếp nối những thành công đó, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Bộ Công an đã phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Với Đề án này, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, hướng tới phục vụ năm nhóm tiện ích cốt lõi: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Có thể khẳng định, việc phê duyệt Đề án 06 với 07 quan điểm chỉ đạo lớn và 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp để thực hiện trên môi trường điện tử đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, góp phần thực hiện 03 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng); đồng thời, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.

Sau 03 tháng triển khai từ khi Thủ tướng Chính phủ triệu tập Hội nghị toàn quốc để chỉ đạo triển khai Đề án, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 khẳng định quyết tâm chính trị, thúc đẩy đồng bộ, mạnh mẽ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài, bảo đảm đúng tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án, một số nội dung đã vượt tiến độ đề ra. Nổi bật là:

(1)Công tác xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong đó, Bộ Công an đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử; tham mưu Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

(2)Hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân (9 số) với căn cước công dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu thuế phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế.

(3)Tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án đang được Bộ Công an và các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện bảo đảm tiến độ, bước đầu có hiệu quả tích cực, hồ sơ tiếp nhận tăng từng ngày. Đặc biệt là lĩnh vực cư trú, trước khi triển khai Đề án, trung bình tiếp nhận 1.225 hồ sơ/ngày, sau khi triển khai đề án, số lượng tăng gấp đôi, kết quả giải quyết đúng hạn tăng từ 89% lên 96,5%.

(4)Bộ Công an phối hợp với 25 doanh nghiệp lớn để triển khai nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; triển khai cung cấp việc xác thực danh tính của người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của một số ngân hàng.

(5)Tổ chức kết nối thành công dữ liệu bảo hiểm, dữ liệu mã số thuế cá nhân, dữ liệu học sinh, dữ liệu trẻ em, dữ liệu đăng ký sử dụng điện; tiếp tục triển khai thống nhất kỹ thuật với các bộ, ngành liên quan để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo đúng lộ trình của Đề án 06. Trong đó, Bộ Công an đã phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành giải pháp và triển khai thành công việc đồng bộ 36 triệu dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân để phục vụ người dân chỉ sử dụng một loại giấy tờ căn cước công dân khi đi khám bệnh.

2. Những mục tiêu, nhiệm vụ Đề án 06 xác định trong năm 2022 cho thấy khối lượng công việc rất nhiều, quy mô lớn, với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc triển khai thực hiện Đề án 06 sẽ gặp những khó khăn, thách thức. Phạm vi triển khai rộng, là nhiệm vụ chưa từng có trong tiền lệ nên việc triển khai Đề án trên một số lĩnh vực còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo lộ trình của Đề án phải quan tâm đầu tư, nâng cấp thiết bị, bảo đảm an toàn thông tin, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong hệ thống thông tin của một số bộ, ngành. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mặc dù được nâng lên nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế. Việc thanh toán trực tuyến khi thực hiện dịch vụ công còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trường hợp trả lại phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân khi thủ tục không thực hiện được.

Tình hình trên đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt, sự chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thì mới có thể bảo đảm tốt nhất tiến độ, hiệu quả của Đề án. Trước mắt, cần thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

Một là, tranh thủ tối đa từng ngày, từng giờ tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Đề án tại Thông báo số 70/TB-VPCP ngày 11/3/2022, đảm bảo đồng thời các yếu tố: Tiến độ, chất lượng, ý nghĩa của Đề án 06. Các đồng chí thành viên Tổ Công tác căn cứ vào chương trình công tác năm 2022 để triển khai nhiệm vụ của cá nhân, gắn với trách nhiệm chỉ đạo đơn vị mình phụ trách; thể hiện tinh thần gương mẫu thực hiện trước, từ đó đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo. Phối hợp chặt chẽ, đề cao tính kỷ luật, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ; tăng cường trao đổi trực tiếp để kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thực hiện các nội dung của Đề án. Trước mắt, tập trung hoàn thành 04 văn bản pháp luật: Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương; Thông tư của Bộ Tài chính về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, khẩn trương rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, tổng thể, liên thông, tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án.

Ba là, Tổ Công tác triển khai Đề án thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc quyết liệt các nhiệm vụ được giao; chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai; kịp thời tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là về cơ chế chi kinh phí các dự án công nghệ thông tin và khắc phục những lỗ hổng về an ninh, an toàn để kịp thời phục vụ Đề án.

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu; đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án. Đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục… Chủ động tăng cường tuyên truyền về Đề án 06, nhất là về những tiện ích thiết thực mang lại nhằm tạo sự đồng thuận tham gia của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Năm là, Tổ Công tác của Chính phủ cùng các bộ, ngành tập trung hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ TP Hà Nội – địa phương được Chính phủ chọn làm điểm, thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Đề án 06, từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các địa phương khác trên toàn quốc.

Sáu là, Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò thường trực trong thực hiện Đề án; xác định vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện, luôn sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì lợi ích của đất nước, của người dân; bảo đảm dữ liệu dân cư chính xác và luôn được bổ sung, cập nhật thường xuyên, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; duy trì liên tục tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an 

Tin liên quan