Việc xây dựng các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là thật sự cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo cơ sở phục vụ tốt cho quần chúng Nhân dân.
Thực hiện kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật quan trọng trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ V, gồm: (1) Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; (2) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; (4) Luật Căn cước, (5) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, việc ban hành Luật với mục đích điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước; xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, thể hiện quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ. Việc ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.
Việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân nhằm thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành: Quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về tăng hạn tuổi phục vụ đối với người lao động cho đến khi đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2028 và 62 tuổi đối với nam vào năm 2035; các quy định của Luật Cảnh sát cơ động mới ban hành; quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về kéo dài hạn tuổi phục vụ trong trường hợp đặc biệt; Công văn số 172 của Văn phòng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân để có căn cứ pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ thực hiện việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.
Quyết tâm xây dựng lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Luật Căn cước đã kịp thời quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước công dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; phù hợp với tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân; thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Hưng Yên làm thủ tục cấp CCCD cho người dân
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành 02 luật này; tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy cải cách hành chính, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tạo thuận lợi cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Theo đó nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tập trung vào 2 chính sách: Tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tình hình hiện nay; Hoàn thiện một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Cán bộ phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp hộ chiếu trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công Bộ Công an
Vũ Nhung