Thông tin chỉ đạo, điều hành
Đăng ngày: 30/09/2020 - Lượt xem: 2724
Sự cần thiết triển khai Dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân

Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD) của Bộ Công an đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt và sẽ được triển khai đồng bộ, song hành cùng Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành cùng thời điểm đầu năm 2021.

       Thực hiện Luật CCCD (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016), từ năm 2016 Bộ Công an đã triển khai cấp CCCD mã vạch tại 16 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình. Đến thời điểm hiện tại, 16 triệu thẻ CCCD mã vạch đã được cấp để người dân sử dụng. Với những người chưa đổi sang CCCD mã vạch thì vẫn sử dụng CMND loại 12 số hoặc CMND loại 9 số.

       Ngày 3/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1368/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân của Bộ Công an. Theo đó từ 01/11/2020, Bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc để thay mẫu thẻ CCCD có mã vạch sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử.

Dự kiến mẫu căn cước công dân gắn chíp điện tử

       Khi cấp thẻ CCCD gắn chíp trên cả nước thì CMND và thẻ CCCD mã vạch đã cấp cho người dân trước đây vẫn có giá trị sử dụng bình thường cho tới khi hết hạn theo quy định của Luật CCCD. Mong muốn của Bộ Công an là dự án cấp thẻ CCCD được thực hiện song trùng với dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục tiêu từ nay tới ngày 1/7/2021, cấp được 50 triệu CCCD cho người đến tuổi theo quy định. Đến cuối năm 2020, khi bắt đầu cấp thẻ CCCD gắn chíp, sẽ có đồng thời bốn mẫu căn cước cùng có hiệu lực, có giá trị sử dụng, gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chíp.

       Thẻ CCCD gắn chíp có nhiều ưu điểm hơn so với thẻ CCCD sử dụng mã vạch. Trước hết độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… và nó phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay so với việc sử dụng thẻ mã vạch CCCD.

       Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ CCCD mã vạch, có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ có giá trị khác… Qua đó, có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống, tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch, dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử. Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.

       Đặc biệt, mức độ bảo mật của chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chíp là không thể thay đổi và không thể giả mạo. Việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính. Ngoài ra, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền Internet.

       Mục tiêu của Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân là xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký Căn cước công dân tự động trên cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự; hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước; góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Minh Phương

Tin liên quan