Thông tin chuyên đề
Đăng ngày: 02/02/2024 - Lượt xem: 329
Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tạo môi trường ổn định, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Bảo đảm tốt an ninh, trật tự (ANTT) là điều kiện cốt yếu cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:“Giữ gìn trật tự, trị an tốt thì dân mới an cư lạc nghiệp”, điều đó đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của công tác đảm bảo ANTT nhằm tạo môi trường ổn định, an toàn để người dân yên tâm sinh sống, làm việc, lao động sản xuất, kinh doanh cũng chính là góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước.

Xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh; những năm qua, Công an tỉnh Hưng Yên luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, vì cuộc sống bình yên của người dân, vì sự phát triển ổn định và bền vững của kinh tế, xã hội tỉnh nhà. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực còn có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội trong nước và trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đã luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi biến động về chính trị, xã hội để duy trì và bảo đảm tốt ANTT từ cơ sở.

Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Công an và phát động phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc năm 2024

Năm 2023, công an các cấp trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, tập trung đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm ANTT. Tập trung chỉ đạo bảo đảm tốt an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hoá - tư tưởng, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo..., không để xảy ra đột xuất, bất ngờ và các vụ việc phức tạp về ANTT. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc và đi qua địa bàn tỉnh. Triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, điều tra, khám phá làm rõ kịp thời các vụ án dư luận quan tâm, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Đã triển khai, tổ chức thực hiện 05 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; điều tra, khám phá 547 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 78,3%), bắt xử lý 859 đối tượng, thu hồi tài sản khoảng 480 triệu đồng; không để xảy ra các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng do băng, nhóm tội phạm gây ra. Phát hiện, đấu tranh 106 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, liên quan 158 đối tượng; phối hợp kiểm tra, phát hiện 508 trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; triệt phá 492 vụ, xử lý 606 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ: 5.311,5g heroin, 5.907,23g ma túy tổng hợp, 0,89g nhựa thuốc phiện, 19,504g thuốc phiện, 40,067g cỏ mỹ. Đặc biệt, đã tập trung lực lượng, phương tiện giải quyết, ổn định tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về ma tuý tại 02 Dự án Khu đô thị trên địa bàn huyện Văn Giang, Văn Lâm.

Triển khai thực hiện quyết liệt Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; triển khai 43 mô hình điểm Đề án 06; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương liên quan tập trung thực hiện cao điểm “90 ngày đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai các quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022; hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06; Trung tâm IOC tỉnh đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.… đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nhân dân, góp phần tiết kiệm thời gian và tiền bạc của người dân cũng như giảm chi ngân sách Nhà nước. Tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường; tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phát hiện, xử lý 14.440 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt 44,82 tỷ đồng. Công tác phòng cháy, chữa cháy được bảo đảm, không để xảy ra vụ cháy, nổ lớn; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy”, củng cố và duy trì 327 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, 832 đội dân phòng; xây dựng 755 mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, 606 điểm chữa cháy công cộng; xử lý 869 trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, phạt 6,8 tỷ đồng.. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có nhiều chuyển biến tích cực, đã có 01 mô hình hoạt động hiệu quả được Bộ Công an ghi nhận, thông báo nhân rộng toàn quốc.

Tuy nhiên, tình hình ANTT từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực; hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng có thời điểm chưa chặt chẽ, thường xuyên. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, có nơi còn yếu; một bộ phận nhân dân chưa tích cực tham gia giữ gìn ANTT, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, chưa huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng phức tạp, khó lường; cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, toàn diện, thậm chí đối đầu; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên, tình hình Biển Đông, hoạt động khủng bố, phá hoại vẫn là các thách thức nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu mới đối với nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ diễn biến phức tạp; âm mưu, hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Những thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp. Hoạt động của các loại tội phạm sẽ phức tạp và gia tăng. Những nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm còn nhiều, cần tiếp tục có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để tập trung giải quyết.

Lễ ra quân thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Năm 2024, là năm thứ tư, năm “tăng tốc” để đến năm 2025 là năm “về đích” thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; để bảo đảm tốt ANTT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh xác định cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, làm tốt hơn nữa công tác nắm tình hình, nhất là tình hình ở cơ sở, “lấy cơ sở làm trung tâm, xây dựng thành pháo đài vững chắc trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự”, đánh giá đúng, thực chất tình hình, xây dựng “tầm nhìn xa, trông rộng”, tạo tiền đề đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả ngay từ đầu và tại cơ sở các vấn đề nổi lên, vụ việc có liên quan đến ANTT. Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện cho được mục tiêu cao nhất, mục tiêu bao trùm, đó là “Giữ vững an ninh quốc gia, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.

Hai là, chủ động nhận diện, phân tích, đánh giá đúng tình hình tội phạm; quyết liệt thực hiện các giải pháp căn cơ phù hợp tình hình tội phạm mới trong phòng, chống tội phạm và kéo giảm tội phạm bền vững. Tiếp tục tổ chức đấu tranh, trấn áp tội phạm theo tuyến, địa bàn, lĩnh vực với phương châm “kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và tấn công quyết liệt các loại tội phạm - lấy phòng ngừa là chính - kết hợp đánh trúng, đánh đúng các loại tội phạm - không để tội phạm lộng hành gây bức xúc xã hội” theo tinh thần “tích cực, khẩn trương, hiệu quả”. Triển khai các giải pháp hạn chế thấp nhất, tiến tới triệt tiêu các điều kiện nảy sinh các loại tội phạm.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về ANTT theo phương châm “Công an tìm đến dân, tìm đến các cơ quan, tổ chức ” gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các khâu quản lý nhằm tăng cường tương tác, phục vụ Nhân dân. Chủ động tham mưu UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy nhanh những nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình của Đề án số 06, kế hoạch của UBND tỉnh. Duy trì bảo đảm thường xuyên, nghiêm túc, kịp thời dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Tiếp tục tạo chuyển biển mạnh mẽ, tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ.

Bốn là, đổi mới phương pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia công tác bảo đảm ANTT. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn liền với các phong trào thi đua, phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên xây dựng, củng cố, duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phối hợp tham mưu triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội thông qua để xây dựng trở thành lực lượng đắc lực, là "cánh tay nối dài” của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở.

Năm là, tiếp tục thống nhất, huy động sức mạnh của toàn lực lượng Công an tỉnh, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2023 của Bộ Chính trị, Đề án số 58 ngày 26/4/2023 của UBND tỉnh xây dựng lực lượng CAND tỉnh Hưng Yên thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng lộ trình cụ thể, xác định theo tháng, theo quý phải hoàn thành từng chỉ tiêu, nhiệm vụ và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để có biện pháp chỉ đạo kịp thời đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.

Sáu là, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp tục xây dựng, phát triển Hệ thống camera thông minh giám sát ANTT và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; xây dựng, triển khai áp dụng các phần mềm công nghệ hiện đại vào công tác đảm bảo ANTT./.

Đại tá, TS. Nguyễn Thanh Trường

Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên

Tin liên quan