Tin tức, sự kiện
Đăng ngày: 21/07/2020 - Lượt xem: 1320
Tăng cường công tác đảm bảo An toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu và phòng chống ngộ độc rượu

Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội ngày 04/4/2020 đã làm 03 người chết, 11 người khác phải nhập viện điều trị.

     Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững...) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời). Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.

     Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường cho sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên, đặc biệt khi sử dụng rượu có chứa nhiều methanol. Chất methanol có trong cồn công nghiệp. Loại cồn này được pha vào rượu với mục đích tăng nồng độ của rượu, sản xuất rượu nhanh và giảm giá thành. Đây là một chất cực độc, một khi vào cơ thể, sẽ chuyển hóa thành các axit gây tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và dẫn đến tử vong.

Nguy cơ ngộ độc từ các loại rượu ngâm

     Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn, không để xảy ra các vụ ngộ độc rượu có tính chất tương tự, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm rượu. Tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, đặc biệt các cơ sở kinh doanh, sản xuất sản phẩm rượu, chấp hành tốt quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm khi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rượu.

     Các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra Sở Y tế, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Quản lý thị trường, chính quyền cơ sở,… để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; tiến hành rà soát lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất rượu có sử dụng nguyên liệu, phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng chất cấm; sản xuất, kinh doanh rượu có nồng độ methanol vượt quy chuẩn cho phép; buôn bán các loại rượu không được phép, dưới danh nghĩa ngâm thuốc từ động vật, thực vật, quảng cáo có tác dụng tăng cường sức khỏe; chú ý các điểm bán rượu lẻ ở các chợ nông thôn, các cửa hàng kinh doanh ăn uống; kiến nghị đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm hoặc cơ sở không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định; tịch thu, tiêu hủy ngay các loại rượu, nguyên liệu, phụ gia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật.

     Để bảo đảm sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo như sau:

1. Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol.

2. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng.

3. Không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

4. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

5. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên uống rượu.

6. Trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia.

7. Không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần. 

Người sử dụng rượu, bia và các chất có cồn phải biết dừng đúng lúc bởi rượu, bia dù có tốt, đảm bảo chất lượng nhưng khi uống nhiều vẫn gây hại cho sức khỏe của người sử dụng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến phản xạ của não và hành vi cơ thể, sử dụng nhiều có thể gây nghiện và về lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan, ung thư gan, giảm chức năng sinh sản, thúc đẩy quá trình lão hóa, ảnh hưởng đến não, thần kinh và các vấn đề về tim mạch...     

                                                                  Minh Phương

Tin liên quan