Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một hoạt động không thể thiếu đối với con người và mọi tổ chức. C.Mác nhấn mạnh: “Tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa đến mức độ nào đó thành lực lượng sản xuất trực tiếp”, “Phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích”.
Nghiên cứu khoa học là một hoạt động xã hội, hướng vào việc tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết để phát hiện bản chất sự vật, phát triển nhận thức khoa học và giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Thông qua quá trình tìm hiểu, quan sát và thí nghiệm dựa vào các dữ liệu, tài liệu đã được thu thập, NCKH nhằm tìm hiểu về các kiến thức mới, sáng tạo phương pháp và phương tiện kĩ thuật mới để cải tạo thế giới. Nghiên cứu khoa học nói chung, gồm các loại hình: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, nghiên cứu thăm dò. Đặc điểm của nghiên cứu khoa học là có: Tính phát hiện mới, tính thông tin, tính tin cậy, tính khách quan, tính hiệu quả, sự dũng cảm và mạo hiểm…
Đánh giá về hoạt động NCKH ở nước ta 5 năm qua, Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo. Quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có bước đổi mới. Một số cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế, chính sách quản lý nguồn vốn đầu tư, tài chính bước đầu phát huy tác dụng”.
Trải qua từng thời kỳ lịch sử, công tác NCKH Công an đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với các mặt công tác công an, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND. Nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho việc rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, năng lực nghiên cứu và tạo phong cách làm việc khoa học cho mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an nhân dân nói chung, Công an tỉnh Hưng Yên nói riêng. Mục đích của nghiên cứu khoa học là hình thành cho CBCS phương pháp tiếp cận và làm quen với môi trường khoa học, phương pháp làm việc khoa học. Qua đó, góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề khoa học và giải quyết những vấn đề thực tiễn an ninh, trật tự (ANTT), xây dựng lực lượng nảy sinh nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT, xây dựng lực lượng CAND nói chung, Công an tỉnh Hưng Yên nói riêng. Vì vậy, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ thường xuyên và cực kỳ quan trọng của mỗi CBCS Công an tỉnh Hưng Yên trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0 hiện nay.
Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 - xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối internet - đang thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người, trong đó có CBCS lực lượng CAND nói chung, Công an tỉnh Hưng Yên nói riêng. Vai trò của người chiến sĩ Công an trong thế kỉ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà tri thức hầu như vô tận. Sự thay đổi nhanh chóng do cuộc cách mạng này đã tạo ra nhiều thay đổi về cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực ấy không chỉ cần kiến thức, kinh nghiệm, mà còn cần có khả năng giải quyết nhanh các vụ việc, tình huống và tư duy sáng tạo trong giải quyết những vụ việc, tình huống phức tạp về ANTT. Muốn bắt kịp xu hướng này, lực lượng CAND nói chung, Công an tỉnh Hưng Yên nói riêng cần phải có những thay đổi toàn diện để phù hợp với xu thế mới. Cán bộ chiến sĩ phải xác định nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay khác xa về chất so với giai đoạn trước. Do vậy, phải có cách tiếp cận mới để đáp ứng được yêu cầu của công việc, nhiệm vụ được giao. Để đáp ứng yêu cầu đó, mỗi CBCS phải thực hiện tốt ba chức năng quan trọng: Chức năng sáng tạo, chức năng phản biện và chức năng giáo dục. Sự hòa quyện giữa kinh nghiệm, sự mưu trí, sáng tạo của thực tiễn giải quyết công tác đảm bảo ANTT với trình độ trí tuệ, sáng tạo trong nghiên cứu lý luận giải quyết công tác ANTT là nền tảng để mỗi CBCS hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc được giao.
Nghiên cứu khoa học giúp mỗi CBCS mở rộng được vốn kiến thức của mình và vận dụng những kiến thức lý luận ấy vào trong thực tiễn công tác đảm bảo ANTT và xây dựng lực lượng. Đồng thời nghiên cứu khoa học còn giúp cho CBCS Công an tỉnh có được phong cách và phương pháp làm việc khoa học, đặt các vấn đề trong một khung tác động đa chiều với cách nhìn khách quan, chính xác.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo ANTT, xây dựng lực lượng, những năm gần đây, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời, sâu sát đến công tác nghiên cứu khoa học trong Công an tỉnh. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Công an tỉnh đã không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn và phát huy mọi nguồn lực trong hoạt động; bám sát các nội dung, định hướng chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an - Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Công an tỉnh phát triển mạnh hơn so với các giai đoạn trước đó; đã lựa chọn được hướng đi đúng đắn và tập trung đẩy mạnh tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực nên có những bước đột phá trong việc xây dựng và phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ cách mạng khoa học, công nghệ 4.0.
Trong công tác nghiên cứu khoa học từ năm 2015 đến nay, Hội đồng khoa học và công nghệ Công an tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, lựa chọn những vấn đề có tính cấp thiết nhất để thực hiện đề tài nghiên cứu. Việc xét chọn để thực hiện đề tài nghiên cứu, Hội đồng khoa học và công nghệ Công an tỉnh thực hiện đúng quy trình, lựa chọn lĩnh vực đưa vào nghiên cứu, trao đổi thẳng thắn với các chủ nhiệm đề tài và luôn tranh thủ ý kiến của các chuyên gia trên từng lĩnh vực, trước khi quyết định đề xuất, đăng ký thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, nội dung nghiên cứu bao gồm cả lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ và lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đã triển khai thực hiện nghiên cứu, 09 đề tài khoa học cấp cơ sở, 32 đề tài lịch sử, 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nâng cao công tác đảm bảo an ninh, trật tự các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên” đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2022 và đang triển khai các bước nghiên cứu theo quy định.
Công an tỉnh cũng xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt công tác công an trong lực lượng Công an tỉnh là yêu cầu bức thiết hiện nay. Đã xây dựng trang Web của Công an tỉnh, Trang thông tin điện tử; ứng dụng các phần mềm tin học vào từng mặt công tác Công an như phần mềm quản lý vụ việc, phần mềm lưu trữ, phần mềm thống kê số liệu tội phạm, phần mềm bấm biển số xe, quản lý hồ sơ đăng ký phương tiện giao thông; quản lý người nước ngoài đi lại, cư trú trên địa bàn tỉnh, quản lý đối tượng truy nã, quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; quản lý tài sản, phương tiện, thiết bị kỹ thuật… Tổ chức ứng dụng tin học vào một số hội nghị sơ kết, tổng kết của Công an tỉnh đạt hiệu quả cao.
Tạo và cấp hơn 70 thư điện tử nội bộ cho các đội công tác và Công an các đơn vị, địa phương phục vụ công tác. Triển khai ứng dụng phần mềm gửi nhận văn bản, phần mềm quản lý công việc, phần mềm phân loại vụ việc, phần mền văn thư lưu trữ, phần mềm tra cứu tạp chí CAND... vào công tác quản lý, điều hành trong Công an tỉnh. Đến nay việc gửi, nhận văn bản điện tử của Công an tỉnh đã đi vào nề nếp; văn bản, tài liệu được gửi, nhận nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin. Triển khai thực hiện các dự án về ứng dụng công nghệ thông tin như: dự án cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử, dự án truyền hình trực tuyến đến Công an các huyện, thành phố, thị xã, dự án Camera nhận diện khuôn mặt, hệ thống Camera giám sát an ninh; xây dựng trang Zalo, Facebook trong công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, an toàn giao thông…..
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin còn có một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương chưa thường xuyên quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Công an tại đơn vị địa phương mình; số lượng công trình nghiên cứu khoa học còn ít, chưa có công trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ; CBCS có trình độ trên đại học (TS, Ths) nhiều nhưng việc chủ động và tích cực trong nghiên cứu khoa học chưa cao; kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế; cán bộ làm công tác theo dõi, quản lý nghiên cứu khoa học còn trẻ, ít kinh nghiệm, chưa thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng; nhiều hệ thống thông tin, máy vi tính đã cũ, thường xuyên hư hỏng...do đó đã tác động ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin của Công an tỉnh.
Thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an đặt ra hết sức nặng nề, nhất là trong thời kỳ cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin của Công an tỉnh Hưng Yên phải phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công an, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh và cần hướng vào những vấn đề trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện các mặt công tác từ nghiên cứu, quản lý thông tin, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh. Tập trung nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học và bổ sung cán bộ cho cơ quan làm công tác theo dõi, quản lý nghiên cứu khoa học của Công an tỉnh.
Hai là, thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổng kết thực tiễn công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và công tác xây dựng lực lượng trong Công an tỉnh để phát triển khoa học nghiệp vụ, cung cấp luận cứ cho việc tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh và góp phần hoàn thiện lý luận CAND.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao phục vụ công tác Công an trong Công an tỉnh. Có cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo, thu hút đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học có trình độ cao, đủ sức làm chủ khoa học và công nghệ tiên tiến. Hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn các mặt công tác công an trong Công an tỉnh để giải quyết vấn đề quan trọng, cấp bách đặt ra đối với công tác Công an và sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự của tỉnh trong thời kỳ cách mạng khoa học, công nghệ 4.0.
Bốn là, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, chiến đấu của lực lượng Công an tỉnh.
Năm là, tăng cường phối hợp, huy động tiềm lực từ các sở, ban, ngành cho công tác NCKH và ứng dụng công nghệ thông tin trong Công an tỉnh.
Sáu là, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ hiệu quả công tác Công an và hội nhập về an ninh, trật tự của Công an tỉnh./.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Quân - Phó Trưởng phòng Tham mưu