Thời gian qua, tình hình tội phạm do các đối tượng là người tâm thần, gây ra tại cộng đồng gây ra nói chung và tội phạm giết người do người mắc bệnh tâm thần nói riêng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Những vụ án do các đối tượng tâm thần gây ra tuy chiếm tỷ lệ không cao trong cơ cấu tội phạm nhưng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe người khác, nguy hiểm cho xã hội; các vụ án do người tâm thần gây ra đều có tính chất man rợ, nạn nhân chủ yếu là những người thân trong gia đình, gây hoang mang dư luận, tâm lý bất an, lo lắng trong nhân dân. Theo thông kê từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xảy ra 7 vụ giết người (trong đó có 1 vụ giết người, đối tượng giết người là người tâm thần và 02 nạn nhân bị giết), điển hình: khoảng 05 giờ 30 phút ngày 08/6/2024, Nguyễn Đình Quỳnh, sinh năm 1975 ở thôn Đồng Mỹ, xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đến nhà của ông Nguyễn Đình Ngự, sinh năm 1939 và bà Hoàng Thị Nếp, sinh năm 1939 (là bố mẹ đẻ của Quỳnh và ở phía sau nhà Quỳnh) sử dụng hung khí là một gậy sắt đánh ông Ngự và bà Nếp tử vong (Quỳnh là đối tượng tâm thần kinh năm 2013 đến tháng 01/2024 điều trị tâm thần kinh tại Bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên, đang trong danh sách người tâm thần kinh có nguy cơ phạm tội của địa phương). Ngay sau đó Công an huyện Yên Mỹ phối hợp Công an xã Lý Thường Kiệt đã khống chế bắt giữ được đối tượng.
Đối tượng Nguyễn Đình Quỳnh và hung khí gây án tại cơ quan Công an
Thông qua công tác điều tra các vụ án cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người mắc bệnh tâm thần phạm tội là do gia đình và xã hội quản lý, giám sát chưa chặt chẽ; việc chăm sóc, điều trị cho các đối tượng có thời điểm chưa kịp thời. Ngoài ra số lượng người tâm thần được đưa vào danh sách quản lý, cấp thuốc, điều trị hiện đang sinh sống tại cộng đồng còn nhiều, xã hội còn định kiến với người mắc bệnh tâm thần; đặc biệt nhiều gia đình từ chối việc cung cấp thông tin hoặc giấu tình trạng bệnh lý của người bệnh dẫn đến người bệnh không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời hoặc có nhiều trường hợp, người bệnh đã được chữa trị nhưng do nhiều lý do gia đình bỏ điều trị giữa chừng, đưa về nhà tự chăm sóc, quản lý và điều trị nhưng thiếu kỹ năng quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân…, từ đó đã tiềm ẩn nguy hiểm khó lường, dẫn đến những hậu quả nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
Để giữ vững trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn không để xảy ra các vụ việc, vụ án nghiêm trọng do người có bệnh tâm thần gây ra, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát, lập danh sách người tâm thần có nguy cơ phạm tội, thường xuyên nắm tình hình việc quản lý, giám sát của gia đình và xã hội, công tác chăm sóc và điều trị cho các đối tượng này theo quy định để kịp thời tham mưu các cấp ủy, chính quyền, gia đình giải pháp để tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ số người này, thực hiện nghiêm phương án về xử lý, giải quyết một số tình huống cấp bách, phức tạp khi xảy ra vụ án nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội nhằm nhanh chóng xử lý vụ việc do đối tượng tâm thần gây ra, hạn chế hậu quả ở mức thấp nhất. Ngoài ra tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi các biểu hiện, hành vi, các nguy cơ có thể do các đối tượng tâm thần gây ra để mọi người dân cùng biết và chủ động cảnh giác, phòng ngừa.
Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an thì cũng rất cần có sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan, ban, ngành chức năng, cũng như sự chung tay phối hợp chặt chẽ từ gia đình, chính quyền cơ sở, sự chung tay của cả cộng đồng và toàn xã hội để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Đồng thời các cá nhân, tổ chức nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần, chủ động, hỗ trợ gia đình và người tâm thần trong công tác quản lý, điều trị, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh trật tự.
Phương Nhung