Nói về văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Trong Công an nhân dân (CAND), văn hóa ứng xử được xây dựng trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hóa ứng xử, chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách, đạo đức người Công an cách mạng. Văn hóa ứng xử của lực lượng CAND giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với các mặt công tác công an, nhất là góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) và xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thực hiện ứng xử có văn hóa trong các đơn vị, địa phương thuộc Công an tỉnh Hưng Yên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an Hưng Yên mẫu mực, vì nhân dân phục vụ, góp phần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng công an với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh; củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, làm cho nhân dân “hiểu Công an, tin Công an và giúp đỡ Công an”. Mỗi việc làm, cử chỉ, lời nói hay,cách ứng xử của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an tỉnh chính là thước đo để nhân dân đánh giá về trình độ văn hóa, năng lực công tác, tư cách đạo đức cách mạng cũng như uy tín của lực lượng Công an từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Cảnh sát giao thông Công an thành phố đưa người già qua đường
Nhận thức rõ vai trò, tác dụng và ý nghĩa của việc thực hiện văn hóa ứng xử đối với việc xây dựng hình ảnh đẹp của Công an tỉnh Hưng Yên; thời gian qua, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh và cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, địa phương đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc nâng cao văn hóa ứng xử cho CBCS gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an tỉnh, nhất là trong bối cảnh tình hình đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tác động mặt trái của kinh tế thị trường, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dịch bệnh Covid 19, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống phá nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; hoạt động tấn công, lôi kéo, mua chuộc của các loại tội phạm và phần tử xấu đối với lực lượng CAND.
Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “ tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng, Chỉ thị số 05 và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; xây dựng đội ngũ CBCS Công an tỉnh Hưng Yên ứng xử có văn hóa, mẫu mực, vì nhân dân phục vụ. Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã chú trọng phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và người đứng đầu đơn vị; ban hành các văn bản, kế hoạch, quy định để triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/2016/CT-BCA ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về Tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử CAND trong tình hình mới; Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân; Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 06/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” trong Đảng bộ và lực lượng Công an toàn tỉnh.… Chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy trình, quy chế và tiêu chí trongthực hiện văn hóa ứng xử với cấp trên, với cấp dưới, với đồng nghiệp, với nhân dân và cả với đối tượng có liên quan, vi phạm pháp luật.
Tổ chức các buổi tọa đàm, ký cam kết, giao ước thực hiện tiêu chí gương mẫu, tiêu chí văn hóa ứng xử trong việc giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tu dưỡng rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND cả ở trong đơn vị, ngoài xã hội và tại nơi cư trú. Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ Công an tỉnh và Công an các đơn vị địa phương tổ chức nhiều buổi nói chuyện về văn hóa ứng xử trong đó có mời các chuyên gia, học giả là PGS, TS, Ths từ các học viện, trường, viện nghiên cứu của trung ương.
Đoàn thanh niên Công an tỉnh ký cam kết thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
Nhằm phát huy tối đa ý thức, trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy, Đảng ủy Công an tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch số 1415/KH-CAT về “Xây dựng người chiến sỹ Công an mẫu mực, vì nhân dân phục vụ” với 08 tiêu chí về xây dựng người chiến sĩ Công an mẫu mực, 06 tiêu chí về vì nhân dân phục vụ trong đó có những tiêu chí quy định về thực hiện văn hóa ứng xử để từng CBCS và lãnh đạo, chỉ huy thực hiện. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung nhằm xây dựng “Đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành điều lệnh CAND”, gắn với xây dựng người chiến sỹ “Văn hóa - kỷ cương - trách nhiệm”; chú trọng đề cao tính nêu gương của Bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị. Mặt khác, Công an tỉnh đã xây dựng, ban hành Bộ tình huống giả định với những tình huống cụ thể, sát với thực tế trong giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT để kiểm tra, đánh giá về quy trình, thời gian giải quyết, xử lý vụ việc và đồng thời kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy tắc ứng xử, văn hóa ứng xử khi giải quyết công việc của CBCS.
Thông qua việc triển khai thực hiện nghiêm túc, đã tạo chuyển biến rõ nét, tích cực trong nhận thức và hành động của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp và của mỗi cá nhân CBCS, cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi CBCS mà văn hóa ứng xử, công tác đảm bảo ANTT và xây dựng lực lượng của Công an tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả tích cực, được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh ghi nhận và đánh giá cao, nhiều CBCS đã có những hành động, việc làm tốt, hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân như: đồng chí Cao Anh Quân - Công an huyện Tiên Lữ đã phát hiện, giúp đỡ 01 công dân có dấu hiệu tâm thần đang đi lang thang trở về với gia đình an toàn, được gia đình gửi thư cám ơn; 02 đồng chí Lê Minh Hiếu, Vũ Thị Mai Hương - Công an thị xã Mỹ Hào đã phát hiện, giúp đỡ 01 cháu nhỏ (người Sơn La bị lạc gia đình trên địa bàn thị xã) trở về với gia đình an toàn và được gia đình cháu gửi thư cám ơn...; Công an 02 xã Liên Phương và xã Hồng Nam - thành phố Hưng Yên đã nỗ lực tìm kiếm cháu Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh năm 2007 (đi chơi không thấy về) Công an 02 xã đã đưa cháu về với gia đình an toàn; nhiều chương trình, hoạt động chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid 19; thực hiện chiến dịch cấp căn cước công dân; chương trình “nồi cháo nghĩa tình”; chương trình “Trao xe đạp, gửi niềm tin”, hiến máu tình nguyện, chiến dịch tình nguyện hè... của Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ Công an tỉnh đã để lại nhiều hình ảnh đẹp, nét ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện, vì cộng đồng của CBCS Công an tỉnh.
Tuy nhiên, do đặc thù của nhiệm vụ công tác công an là đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật; CBCS Công an tỉnh thường xuyên phải tiếp xúc với mặt trái của xã hội. Cùng với đó là mặt trái cơ chế thị trường, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, âm mưu chống phá nham hiểm, thâm độc của các thế lực thù địch đang từng ngày, từng giờ tác động tiêu cực đến CBCS. Do đó, một bộ phận CBCS, trong đó có cả lãnh đạo, chỉ huy cấp đội, cấp xã có những biểu hiện thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống làm mất lòng tin của nhân dân; nhiều CBCS còn vi phạm điều lệnh, quy trình, chế độ công tác, trong giao tiếp tại cơ quan, đơn vị, với nhân dân, với đối tượng chưa thực sự văn minh, lịch sự. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy một số đơn vị chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Để nâng cao văn hóa ứng xử của CBCS trong Công an tỉnh cần phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cả về nhận thức và hành động của CBCS trong đó vai trò của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an tỉnh là hết sức quan trọng, tác động trực tiếp tới mức độ thực hiện văn hóa ứng xử của CBCS. Ở đâu cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy gương mẫu, quan tâm tới văn hóa giao tiếp, ứng xử thì ở đó CBCS có văn hóa ứng xử tốt và ngược lại. Do đó, để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an tỉnh đối với việc nâng cao văn hóa ứng xử CBCS, góp phần xây dựng lực lượng Công an Hưng Yên trong sạch, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, củng cố hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an Hưng Yên mẫu mực, vì nhân dân phục vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp và CBCS trong Công an tỉnh về xây dựng và thực hành văn hóa ứng xử.
Để văn hóa ứng xử thực sự lan tỏa sâu rộng và trở thành chuẩn mực trong ứng xử của CBCS thì trước hết cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp trong Công an tỉnh cần nhận thức rõ, đúng đắn về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa ứng xử đối với việc xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao văn hóa ứng xử, trước hết phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, của các đồng chí cấp ủy viên và đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp.
Hai là, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp trong Công an tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm vì nhân dân phục vụ cho CBCS; nâng cao nhận thức cho CBCS về Sáu điều Bác Hồ dạy CAND gắn với Chỉ thị số 05 và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và Kế hoạch của Công an tỉnh về “Xây dựng người chiến sỹ Công an mẫu mực, vì nhân dân phục vụ”…
Thông qua đó nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng cho CBCS; xây dựng lối sống văn hóa văn minh, thân thiện, phong cách ứng xử giản dị, tinh tế, khéo léo theo tấm gương của Bác Hồ, tinh thần vì nước quên thân, vì dân quên mình, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ba là, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp cần chủ động chỉ đạo tiếp tục xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, ban hành và sửa đổi, bổ sung những quy định, tiêu chí đánh giá phân loại thi đua liên quan đến thực hiện văn hóa ứng xử trong cơ quan, đơn vị, ngoài xã hội và nơi cư trú của CBCS.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị, địa phương mình xây dựng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình hành động để cụ thể hóa các văn bản, quy định của cấp trên về nâng cao văn hóa ứng xử cho CBCS; phải xác định được những nội dung trọng tâm, trọng điểm, biện pháp thực hiện và có lộ trình thời gian cụ thể. Đồng thời cụ thể hóa những nội dung, quy định về văn hóa ứng xử thành nội dung bình xét thi đua hàng tháng để việc thực hiện được “công minh”, biểu dương, khen thưởng CBCS thực hiện tốt và xử lý kịp thời CBCS vi phạm và lấy kết quả thực hiện văn hóa ứng xử là một tiêu chí bình xét thi đua hàng năm đối với tập thể và cá nhân.
Bốn là, cần quan tâm đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, chiến sỹ. Đưa nội dung văn hóa ứng xử lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt tập thể của đơn vị, kết hợp với các hoạt động giáo dục truyền thống như: tổ chức các hoạt động giao lưu, tham quan, các hoạt động về nguồn, báo công; tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, các cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hóa… từ đó nâng cao văn hóa ứng xử trong CBCS.
Năm là, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm tra điều lệnh việc thực hiện văn hóa ứng xử của CBCS trong đơn vị, ngoài xã hội và cả khi thực hiện nhiệm vụ lẫn việc sinh hoạt tại nơi cư trú.
Việc kiểm tra, giám sát, kiểm tra điều lệnh phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất để duy trì tốt việc thực hiện văn hóa ứng xử của CBCS trong Công an tỉnh, đặc biệt là những bộ phận CBCS thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với cá nhân, tổ chức trong và ngoài lực lượng. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi CBCS cư trú để nắm tình hình hoặc kiểm tra việc thực hiện văn hóa ứng xử của CBCS tại nơi cư trú, ngoài xã hội.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo, chỉ huy có biện pháp điều chỉnh hành vi ứng xử chuẩn mực đối với từng mối quan hệ cụ thể, đặc biệt là ứng xử với các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ được giao của CBCS.
Sáu là, trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao văn hóa ứng xử cho CBCS cần tranh thủ sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhân dân.
Cần tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền về các quy định, nội dung văn hóa ứng xử của CAND để nhân dân và các ban ngành, đoàn thể biết, để từ đó phối hợp, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của CBCS. Tiếp tục tổ chức tốt các hội nghị Công an lắng nghe ý kiến nhân dân để các ban ngành, đoàn thể và nhân dân đóng góp ý kiến về việc thực hiện văn hóa ứng xử, đạo đức, lối sống của CBCS.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thực sự phát triển, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh nền văn hóa, đạo đức xã hội Việt Nam đang có những biến đổi sâu sắc về nhiều mặt do sự tác động nhiều chiều của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của thế giới và trong nước.Việc xây dựng và nâng cao văn hóa ứng xử cho CBCS trong Công an tỉnh là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng Công an Hưng Yên cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng thời nó không chỉ giúp cho mỗi CBCS hoàn thiện bản thân về nhân cách, đạo đức, lối sống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao mà còn góp phần làm cho hình ảnh của người chiến sỹ Công an Hưng Yên đẹp hơn, gần gũi hơn trong lòng nhân dân, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh quê hương Hưng Yên - Phố Hiến văn minh, thân thiện.
Đại tá Vũ Chí Công - Trưởng phòng PX03