Sự phát triển và bùng nổ của mạng Internet hiện nay đã giúp cho nền quảng cáo số của khu vực cũng như thị trường Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Nhất là khi dịch bệnh Covid tác động, dẫn đến nhu cầu sử dụng Internet của người dân tăng mạnh. Nhưng cùng với đó là việc sử dụng quảng cáo để chống phá Đảng và Nhà nước, lôi kéo cờ bạc, tín dụng “đen”… cũng đang là vấn đề cần lưu tâm.
Các loại tội phạm đang lợi dụng hình thức quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Có thể kể đến những phương thức, thủ đoạn chính như:
Lợi dụng quảng cáo trên không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, chống đối đã sử dụng quảng cáo trên không gian mạng thu hút người xem, đăng tải, tán phát các bài viết, video clip nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Các đối tượng thường chạy quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Google, Youtube cho các bài viết, video clip có nội dung xấu độc, tin giả, sai sự thật, chống Đảng, Nhà nước để nâng thứ hạng tìm kiếm, tiếp cận người dùng. Phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, phản động trên mạng xã hội; lợi dụng các sự kiện về văn hóa, giáo dục, chính sách kinh tế, các dự thảo văn bản luật... để kích động, hình thành các hoạt động như tuần hành, biểu tình, rải truyền đơn, tụ tập kêu gọi chống đối cán bộ địa phương, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và nhân dân.
Chúng còn lập những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, các website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội…; qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, đáng chú ý là một số đối tượng tuy không có mục đích chống chính quyền, nhưng vẫn đăng tải các video xuyên tạc, “giật tít” mang các nội dung xấu, bịa đặt như “đấu đá nội bộ”, “thâm cung bí sử”, “bí mật đời tư”, “bằng chứng” tham nhũng…lên Facebook, Youtube, Tiktok nhằm thu hút lượng người truy cập, kiếm tiền quảng cáo.
Quảng cáo đánh bạc trên mạng và “tín dụng đen” kéo theo nhiều hệ lụy
Các đối tượng lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, Youtube để phát tán các sản phẩm cờ bạc, cá độ. Chúng xây dựng các video clip ngắn có nhiều phần thưởng hấp dẫn, giá trị cao để chạy trên các nhóm (Fanpage), kênh trên Youtube nhằm thu hút người tham gia, tặng mã khuyến mại (code) lôi kéo người chơi. Đồng thời tuyển đại lý, kênh quảng cáo vệ tinh, trung gian để khuếch tán sản phẩm cờ bạc của mình. Đã có rất nhiều người dùng bị dụ dỗ tham gia đánh bạc trên mạng thông qua hình thức quảng cáo này. Nhiều con bạc online cay đắng thừa nhận, sau một thời gian lún sâu vào các trò chơi đánh bạc online, họ đã nhận lại nhiều hậu quả nặng nề, không chỉ mất tiền bạc, mà cả sự nghiệp và hạnh phúc gia đình.
Các quảng cáo cờ bạc, cá độ nhan nhản trên mạng xã hội (nguồn: sưu tầm)
Ngoài các sản phẩm cờ bạc, các đối tượng còn lợi dụng hình thức quảng cáo này để lôi kéo, dụ dỗ người dùng vay tiền trực tuyến với lãi suất cao. Trên nhiều web, mạng xã hội (zalo, facebook), app nhan nhản thông tin quảng cáo cho vay với thủ tục trực tuyến, đơn giản. Khi người dân có nhu cầu vay, truy cập vào ứng dụng, các đối tượng nhanh chóng thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh; chuyển tiền vay và trả lãi qua tài khoản ngân hàng, áp dụng nhiều quy định biến tướng về lãi suất (thu phí dịch vụ cao, nhiều trường hợp lãi suất cộng dồn lên đến 2.000%/năm). Khi người vay trả nợ không đúng hạn, các đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người vay để đe dọa, cắt ghép hình ảnh xúc phạm, bôi nhọ, đăng lên mạng xã hội. Thậm chí chúng còn ném chất bẩn, chất thải, đặt vòng hoa, phun sơn… khủng bố tinh thần người vay và gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm của người vay.
Các đối tượng “giang hồ mạng” và thực hiện các thử thách nguy hiểm gây lệch lạc suy nghĩ của giới trẻ
Thời gian gần đây, nổi lên nhóm đối tượng “giang hồ mạng” như Ngô Bá Khá ( Khá Bảnh), Huấn “Hoa Hồng”, Dương Minh Tuyền… Điểm chung của những kẻ này là thường xuất hiện với vỏ bọc “giang hồ”, lên mạng dạy đời, nói đạo lý, đăng tải những videoclip có nội dung cổ súy bạo lực, côn đồ, kích động, nhảm nhí… nhằm mục đích thu hút người xem, kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo của Facebook, Youtube. Các videoclip này kích thích một bộ phận người trẻ tuổi, suy nghĩ chưa chín chắn có những hành vi lệch lạc, dễ đi vào con đường tội lỗi. Bên cạnh đó, xuất hiện hàng loạt các trang, kênh quảng cáo có nội dung nguy hiểm như “Thử thách thả 100 con dao nhọn từ mái nhà xuống đất”, “thả coca vào chảo dầu đang sôi”, hướng dẫn chế tạo vũ khí, cách sử dụng cần sa… đây là những nội dung nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm tính mạng người dùng nếu làm theo.
Ngô Bá Khá (tức Khá “Bảnh”) khi bị đưa ra xét xử (nguồn: Báo CAND)
Mạng Internet, nhất là mạng xã hội ngày càng phát triển đã mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống, tuy nhiên cùng với đó người dùng cũng phải đối mặt với phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch và các loại tội phạm. Bởi vậy, mỗi một người dân cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng và tham gia mạng xã hội; kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi dụ dỗ, lôi kéo phạm tội, lừa đảo, nhất là thông qua quảng cáo “bẩn” trên mạng cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý theo pháp luật.
Vũ Nhung