Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV dự kiến thảo luận, thông qua một số Dự án Luật liên quan đến công tác Công an, trong đó có 04 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì tham mưu soạn thảo.
Bao gồm: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Công an tỉnh Hưng Yên trân trọng gửi tới bạn đọc một số nội dung mới, quan trọng của Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Ngày 27/8/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 387/TTr-CP trình Quốc hội dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bộ Công an xin trao đổi về một số nội dung lớn của dự án Luật như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG, BAN HÀNH LUẬT
Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở; cụ thể tại các văn bản sau:
- Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.
- Chỉ thị số 09/CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới đề ra yêu cầu điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, chế độ, chính sách để tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, nhất là Công an xã, bảo vệ dân phố đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
- Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về khoán kinh phí chi trả phụ cấp để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách.
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đề ra yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 01/8/2017 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở.
Hai là, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy
Đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với hơn 30 ngàn Công an xã chính quy. Điều này làm phát sinh thực tế là có 126.084 Công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã được thay thế bằng Công an xã chính quy do sĩ quan, hạ sĩ quan Công an đảm nhiệm; do đó, phải bố trí cho các chức danh Công an xã bán chuyên trách này được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy.
Ba là, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật. Vì vậy, xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện để tránh việc lạm dụng, tùy tiện, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Bốn là, sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Hiện nay, việc bố trí các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là không thống nhất (bảo vệ dân phố được bố trí thành ban, tổ trên địa bàn phường; dân phòng được bố trí thành đội, tổ ở thôn, làng, ấp, bản, đơn vị dân cư tương đương; Công an xã bán chuyên trách được bố trí theo mô hình dân phòng). Trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách) và đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự có tính chất tương đồng, từ đó dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, chồng lấn. Do đó, dự thảo Luật đã quy định theo hướng sắp xếp thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng thời góp phần kiện toàn, tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn.
Năm là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở
Trong điều kiện hiện nay khi tình hình thế giới, khu vực liên quan đến an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự, không để tích tụ trở thành điểm nóng; qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Sáu là, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Hiện nay, về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan ban hành, từ đó dẫn đến không đồng bộ, mâu thuẫn, chồng lấn. Do đó, sự cần thiết phải pháp điển hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào 01 đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
1. Mục đích xây dựng Luật
- Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
- Xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó có Công an nhân dân làm tham mưu, nòng cốt thực hiện.
- Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật
- Tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; bảo đảm các quy định của Luật được cụ thể và có tính khả thi.
- Tổng kết toàn diện thực tiễn hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; kế thừa các quy định pháp luật còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập để xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
- Tham khảo có chọn lọc pháp luật của một số nước về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở để vận dụng quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng dự án Luật, Bộ Công an đã thực hiện thủ tục thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự án Luật đã được gửi lấy ý kiến tham gia của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an các đơn vị, địa phương và đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định. Dự án Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Chính phủ nhất trí trình Quốc hội.
IV. MỘT SỐ NỘI DUNG LỚN CỦA DỰ THẢO LUẬT
Dự án Luật đã được xây dựng trên cơ sở bám sát 04 nhóm chính sách lớn đã được Bộ Công an báo cáo và Chính phủ nhất trí trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, cụ thể như sau:
1. Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Đây là nội dung quan trong đã được nhiều ý kiến góp ý tham gia và đã được Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý, hoàn thiện trong dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật điều chỉnh thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, xác định cụ thể phạm vi, giới hạn, phương thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và thể hiện rõ đây là lực lượng tham gia phối hợp, hỗ trợ Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, không trùng dẫm với nhiệm vụ của Công an cấp xã chính quy và chính quyền cơ sở, cụ thể với 07 nhóm nhiệm vụ sau:
- Hỗ trợ thu thập, tổng hợp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách;
- Tham gia hỗ trợ, phối hợp phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;
- Phối hợp, đề xuất, tổ chức thực hiện quy định về phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
- Phối hợp, tổ chức thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn;
- Phối hợp tham gia vận động, thuyết phục, cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng;
- Bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã; tham gia phối hợp truy bắt người đang bị truy nã, người trốn thi hành án phạt tù;
- Phối hợp, tổ chức thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự.
2. Về sắp xếp, bố trí lực lượng
Đây là nội dung hết sức quan trọng và có tác động rất lớn đến những người đang hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách. Do đó, trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, tổng kết, khảo sát, đánh giá làm cơ sở đề xuất nội dung quy định trong dự thảo Luật.
Qua tổng kết thi hành các quy định của pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và gần đây nhất là qua khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của lực lượng dân phòng trên toàn quốc do Bộ Công an thực hiện trong năm 2020 cho thấy, hầu hết các địa phương mặc dù có thành lập lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách nhưng về cơ bản đều do cùng một số người đảm nhiệm (một người gánh hai vai, đội hai mũ), nguyên nhân là do không có đủ người tham gia, địa phương không có đủ kinh phí trang trải và thực sự nhiều địa phương đề xuất không nhất thiết cùng một lúc phải duy trì 03 lực lượng này mà nên gộp thống nhất thành một lực lượng chung.
Mặt khác, trong quá trình lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật của các bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đều đề nghị cân nhắc nghiên cứu điều chỉnh lại theo hướng thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã để thành một lực lượng với tên gọi chung, được bố trí thống nhất trên địa bàn xã, phường, thị trấn; qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trên cơ sở đánh giá tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật và qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia, Bộ Công an đã báo cáo và được Chính phủ nhất trí quy định trong dự thảo Luật theo hướng sắp xếp thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí thành Tổ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần:
- Bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
- Kiện toàn, tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thật chất hơn.
- Xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; khắc phục thực trạng hiện nay là có nhiều lực lượng cùng tham gia nhưng không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm chính.
- Làm thay đổi sự nhìn nhận, đánh giá của người dân về vị trí, vai trò của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tích cực. Khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay khi rất khó phân biệt tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, địa bàn, phạm vi hoạt động… của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Giảm số người hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, giảm chi ngân sách nhà nước.
3. Về xác định trách nhiệm, quan hệ phối hợp của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong việc thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự
Nội dung nêu trên đã được nhiều ý kiến tham gia đề nghị cơ quan chủ trì cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các lực lượng khác cũng như các nội dung phối hợp giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng như xác định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bộ Công an đã tiếp thu và quy định trong dự thảo Luật như sau:
- Về quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật quy định lực lượng này: Chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã; chịu sự quản lý, điều hành, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự của cơ quan Công an và tham gia cùng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; đối với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thể quần chúng, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham mưu và theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã trực tiếp quản lý xây dựng kế hoạch phối hợp và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách.
- Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc quản lý, giám sát hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đây là những vấn đề mới mà pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể. Việc quy định trong Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm, quan hệ phối hợp của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong việc thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự.
4. Về bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Dự thảo Luật quy định việc bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân. Theo đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định (pháp luật hiện hành đang quy định bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng và hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ; Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được hưởng phụ cấp hàng tháng và mức bồi dưỡng, hỗ trợ). Việc xác định cụ thể, thống nhất việc bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; đồng thời, là để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về giảm chi từ ngân sách nhà nước để chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, tiến tới giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách; bảo đảm mỗi thôn, tổ dân phố và tương đương chỉ bố trí không quá 03 người hoạt động không chuyên trách và được hưởng phụ cấp hàng tháng theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngoài nội dung nêu trên, dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa quy định của pháp luật hiện hành đối với lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và vận dụng quy định của Luật Dân quân tự vệ để quy định bao quát hơn các điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bao gồm: Bố trí địa điểm, nơi làm việc và trang bị của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bồi dưỡng, huấn luyện, bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; giải quyết trường hợp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh./.
BỘ CÔNG AN