Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV dự kiến thảo luận, thông qua một số Dự án Luật liên quan đến công tác Công an, trong đó có 04 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì tham mưu soạn thảo.
Bao gồm: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Công an tỉnh Hưng Yên trân trọng gửi tới bạn đọc một số nội dung mới, quan trọng của Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT
PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (SỬA ĐỔI)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy, đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, đông đảo quần chúng; công tác cai nghiện có nhiều đổi mới; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả, nhiều tổ chức, đường dây tội phạm vận chuyển, mua bán ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia được phát hiện bắt giữ; thu giữ khối lượng lớn chất ma túy…
Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy đã thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực thi các Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy cũng như các Nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) do được ban hành từ lâu nên quá trình triển khai, thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập; một số nội dung không thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, ... vì vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy. Mặt khác, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện, nhưng chưa có quy định để điều chỉnh.
Căn cứ vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về "tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy"; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về "tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới" và xuất phát từ thực tiễn của công tác phòng, chống ma túy trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) là rất cần thiết. Do đó, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
- Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước.
- Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quan điểm chỉ đạo là quán triệt và thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các cam kết quốc tế, khu vực và một số công ước quốc tế về quyền con người.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
Đến nay, hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được Phiên họp thứ 48 ngày 11/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và nhất trí trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020).
IV. MỘT SỐ NỘI DUNG LỚN CỦA DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (SỬA ĐỔI)
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 69 điều, tăng 13 điều so với Luật hiện hành; trong đó có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều.
Chương I. Những quy định chung
Gồm 5 điều, từ Điều 1 đến Điều 5. Ngoài giữ nguyên quy định của Luật hiện hành, dự thảo Luật bổ sung các nội dung sau:
- Phạm vi điều chỉnh: Dự thảo Luật quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
- Đối tượng điều chỉnh: Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy.
- Dự thảo Luật quy định tách khái niệm "tội phạm về ma túy" ra khỏi "tệ nạn ma túy" nhằm xác định đúng tính chất của "tội phạm về ma túy" và "tệ nạn ma túy" vì tệ nạn là hiện tượng xã hội còn tội phạm là hành vi cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự cần tập trung đấu tranh.
- Về chính sách phòng, chống ma túy: Bổ sung quy định để đảm bảo điều kiện cho công tác phòng, chống ma túy, tăng cường nguồn lực và năng lực cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Chương II. Trách nhiệm phòng, chống ma túy
Gồm 7 điều, từ Điều 6 đến Điều 12. Ngoài việc sắp xếp lại các điều khoản của Luật hiện hành cho phù hợp; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các nội dung sau:
- Trách nhiệm của cá nhân, gia đình: Dự thảo Luật đã quy định theo hướng cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy.
- Bổ sung nội dung quy định để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy xuyên quốc gia hiệu quả hơn. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, đảm bảo đồng bộ với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.
Chương III. Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy
Gồm 10 điều, từ Điều 13 đến Điều 22. Về cơ bản nội dung Chương này được kế thừa các quy định của Luật hiện hành, trong đó có bổ sung các quy định về thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; các hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập cần được kiểm soát, không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.
Chương IV. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Gồm 5 điều, từ Điều 23 đến Điều 27. Đây là Chương được quy định mới trong dự thảo Luật. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính; dự thảo luật đã quy định các nội dung: Xác định người sử dụng trái phép chất ma túy; cơ quan có thẩm quyền xét nghiệm xác định sử dụng ma túy; biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã; cơ quan, gia đình và cá nhân người sử dụng trái phép chất ma túy. Kinh phí xét nghiệm xác định người sử dụng trái phép chất ma túy. Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy từ 18 tuổi trở lên là 01 năm, dưới 18 tuổi là 06 tháng. Thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy.
Chương V. Cai nghiện ma túy
Gồm 20 điều, từ Điều 28 đến Điều 47. Nội dung của Chương V được sửa đổi cơ bản và toàn diện so với Luật hiện hành nhằm khắc phục những bất cập trong công tác cai nghiện, đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả, cụ thể như sau:
Một là, về chính sách cai nghiện: Dự thảo Luật quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; quy định cụ thể trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác cai nghiện bắt buộc, xây dựng các cơ sở cai nghiện công lập, hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác cai nghiện tự nguyện, khuyến khích thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân. Tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác cai nghiện được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Thay thế biện pháp quản lý sau cai bằng biện pháp hỗ trợ sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện. Cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện công lập được sử dụng trang phục thống nhất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hai là, về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng do cơ quan chuyên môn thực hiện. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân và các cơ sở y tế, xã hội khác có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được phép cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn quản lý.
Ba là, về trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Luật quy định thực hiện theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền quyết định đưa người nghiện từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dâp cấp huyện trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.
Bốn là, bổ sung quy định về cai nghiện ma túy cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.
Năm là, người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu bị tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Sáu là, quy định cụ thể công tác thống kê người nghiện, giao Bộ Công an có trách nhiệm tổng hợp số liệu chung về người nghiện.
Chương VI. Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy
Gồm 13 điều, từ Điều 48 đến Điều 60. Về cơ bản nội dung Chương này kế thừa các quy định của Luật hiện hành vàbổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành cho phù hợp với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong luật. Theo đó, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an về giám sát, quản lý, theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng về phối hợp với cơ quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy và kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở khu vực biên giới và trên biển; trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phù hợp với các nội dung về công tác cai nghiện ma túy được sửa đổi. Phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy.
Chương VII. Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy
Gồm 7 điều, từ Điều 61 đến Điều 67. Các quy định về hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy được kế thừa quy định của Luật hiện hành. Trong đó có sửa đổi quy định về các trường hợp từ chối tương trợ tư pháp thực hiện theo pháp luật về tương trợ tư pháp để đảm bảo tính thống nhất pháp luật.
Chương VIII. Điều khoản thi hành
Dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn các điều, khoản được giao trong luật.