Thông tin chuyên đề
Đăng ngày: 02/01/2022 - Lượt xem: 941
VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC CÔNG AN BAN HÀNH TRONG THÁNG 12/2021

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC CÔNG AN BAN HÀNH TRONG THÁNG 12/2021

Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng CAND; thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; thay đổi định mức ăn, chế độ mặc của người bị tạm giữ, tạm giam; tiêu chuẩn xét, trao tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu;... là những nội dung trọng tâm quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác công an ban hành trong tháng 12 năm 2021.

Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy tại Nghị định số 105/2021/NĐ-CP, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong phối hợp triển khai các nội dung cơ bản trong công tác phòng, chống ma túy như tham mưu, chỉ đạo; tuyên truyền, vận động Nhân dân; trao đổi thông tin; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; đấu tranh chuyên án và điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cụ thể...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công tác phòng, chống tội phạm ma túy rất quyết liệt bởi đây là “nguồn gốc, là tội phạm của các loại tội phạm”.

Theo đó, sáng 22/12/2021, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy và mại dâm đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật Phòng, chống ma túy 2021. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý, công tác phòng, chống ma túy phải kiên quyết cả 2 mũi đầu cung và đầu cầu, cùng với đó là công tác cai nghiện cho các đối tượng, phải được thực hiện nghiêm vì lợi ích của số đông, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân...

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Các quy định của Luật sát với thực tiễn, giúp cho công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn “cầu” về ma túy. Luật cũng đã quy định cụ thể các trường hợp xác định tình trạng nghiện để cho Công an cấp xã kịp thời đưa đi xác định tình trạng nghiện, nhằm sớm phát hiện người nghiện ma túy, áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp. Đồng thời, quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện và không bị coi là xử lý vi phạm hành chính...

Sửa đổi, bổ sung quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân

Lực lượng Công an tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ người dân.

Với mục đích đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung đáng chú ý như: Đối với tố giác, tin báo hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an báo ngay bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; tổ chức ngay lực lượng đến bảo vệ hiện trường, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, bị hại, người làm chứng, người bị tố giác và những người có liên quan; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; phát hiện, tạm giữ, bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo đồ vật, tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận; đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận...

Thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Cán bộ Công an hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Nghị quyết được xây dựng với mục đích tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.

Tiêu chí, quy trình lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, dự thảo Nghị quyết quy định không đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam thuộc một trong những trường hợp sau: Phạm nhân có từ 02 tiền án trở lên; Tái phạm nguy hiểm; Phạm nhân có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù loại “Trung bình” hoặc “Kém”; Phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi nơi giam hoặc bỏ trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc; Phạm nhân là đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong các vụ án, tổ chức tội phạm; Phạm nhân trong các vụ án kinh tế lớn dư luận xã hội quan tâm. Phạm nhân phạm một trong các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Hiếp dâm; Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; Giết người; Trộm cắp tài sản có tính chất chuyên nghiệp; Cướp tài sản hoặc Cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp hoặc sử dụng vũ khí (các loại súng quân dụng, kiếm, mã tấu) hoặc hành hung để tẩu thoát; Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; Phạm nhân là người chưa thành niên; Phạm nhân là người nước ngoài; Phạm nhân liên quan đến an ninh quốc gia.

Thay đổi định mức ăn, chế độ mặc của người bị tạm giữ, tạm giam

Mới đây, Nghị định số 113/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định về định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Cụ thể, định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giam gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 1 kg thịt lợn (trước đây là 0,7 kg thịt nói chung); 1 kg cá (trước đây là 0,8 kg cá); 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối (trước đây là 1 kg muối); gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.
Cùng với đó, trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc y tế, khám chữa bệnh theo quy định của Luật Trẻ em và Luật Bảo hiểm y tế. Trường hợp bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá, cơ sở giam giữ làm thủ tục chuyển đến cơ sở y tế của Nhà nước để điều trị; Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc trích xuất và áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam là mẹ của trẻ đi cùng để chăm sóc...

Tiêu chuẩn xét, trao tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu 

Giải thưởng Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu có mục đích tôn vinh gương mặt trẻ trong lực lượng CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu trong công tác, chiến đấu, học tập, lao động, rèn luyện, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật, xuất bản, báo chí và thể dục thể thao. Giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích, tạo động lực để phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện của tuổi trẻ CAND trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng Đảng và xây dựng lực lượng CAND...
Theo đó, Bộ Công an ban hành Thông tư số 102/2021/TT-BCA quy định giải thưởng Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/12/2021 và thay thế Thông tư số 59/2013/TT-BCA ngày 19/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về giải thưởng Thanh niên Công an tiêu biểu; áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, học viên, công nhân công an, lao động hợp đồng trong lực lượng Công an nhân dân tuổi không quá 35 (tính đến ngày 31/12 của năm xét giải thưởng), đang sinh hoạt trong tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Đề xuất quy định đối với lao động hợp đồng trong Công an nhân dân

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về lao động hợp đồng trong Công an nhân dân, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục tuyển, ký kết, sử dụng lao động hợp đồng tại các, đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập trong Công an nhân dân.

Tiêu chuẩn chung ký kết hợp đồng lao động quy định người lao động hợp đồng trong Công an nhân dân là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; có tư cách đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có lý lịch rõ ràng và được Công an cấp xã nơi cư trú xác nhận...

Nguồn: Cổng TTĐT BCA

Tin liên quan