Tin tức, sự kiện
Đăng ngày: 22/09/2021 - Lượt xem: 927
XỬ LÝ NGHIÊM CÁC HÀNH VI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHỐNG COVID-19

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 hiện nay đang có diễn biến phức tạp. Bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân đồng lòng chống dịch cũng còn xuất hiện nhiều tâm lý chủ quan, lơ là. Điều đáng lo ngại, nhiều cá nhân khai báo không trung thực và cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch.

Trong đợt dịch bệnh COVID 19 bùng phát tại nước ta trong thời gian qua, đã có những trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí bị khởi tố hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Ngày 08/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Mỹ đã khởi tố vụ án hình sự theo Điều 295 Bộ luật hình sự đối với vụ việc không chấp hành quy định về tạm dừng hoạt động kinh doanh dẫn đến lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, xảy ra tại cơ sở cắt tóc Anh Khoa, thôn Thụy Trang, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Hiện Công an huyện đang củng cố hồ sơ xử lý.

Ngày 07/9, Hưng Yên ghi nhận trường hợp nam ở thôn Nghĩa Giang, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động. Là F1 của bệnh nhân 435.727 và bệnh nhân 435.728, cách ly tập trung từ 30/8 tại Bệnh viện Nhiệt đới Hưng Yên. Tuy nhiên, trường hợp này có dấu hiệu khai báo không trung thực khi chỉ khai “có đến bệnh viện nhiệt đới Hưng Yên cùng giờ với 2 F0”. Qua khai thác thông tin từ F0 thì chính trường hợp này là người đã lái xe riêng đưa 2 F0 đến xét nghiệm tại bệnh viện nhiệt đới Hưng Yên. Trường hợp này đang được giao cho Công an Kim Động xác minh, làm rõ vụ việc này.

Đến ngày 08/9, Hưng Yên ghi nhận thêm 1 ca nhiễm Covid -19 trong cộng đồng, trường hợp ca mắc mới này có hộ khẩu thường trú tại thôn Bình Phú, xã yên Phú, huyện Yên Mỹ. Dù đang trong thời gian cách ly tại nhà nhưng vẫn đi bán hàng tại Hà Nội, vi phạm nghiêm trọng quy định phòng chống dịch của tỉnh. Đối với trường hợp này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Mỹ đã củng cố hồ sơ, tài liệu khởi tố vụ án theo quy định.

Để tìm hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về mức độ hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính, xử lý  hình sự, chúng ta cần biết một số nội dung quy định như sau:

Theo quy định tại Điều 8. Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm:

"Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm:

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chóng bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền".

Theo đó, hành vi không tuân thủ các biện pháp cách ly làm lây lan dịch bệnh cho người khác, tùy vào tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật, cụ thể:

1. Xử lý hành chính

Ngày 29/01/2020, Bộ Y tế đã có quyết định số 219/2020/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Người có hành vi làm lây lan dịch bệnh này chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng, cụ thể:

"Điều 7.Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng  đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm;

b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;

c) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A."

2. Xử lý hình sự

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 với hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Cụ thể:

Điều 240 BLHS quy định tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra tại khoản 1.1 Mục 1 Công văn số 45/2020/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID 19 có hướng dẫn về việc xác định tội làm lây ban dịch bệnh truyền nhiễm cho người với điều khoản "Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người", cụ thể như sau:

"1. Hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự

1.1. Người đã được thông báo mắc bệnh; nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID 19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID 19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối..."

Công tác phòng chống dịch đang được các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương tập trung cao độ, không chủ quan, lơ là. Việc phòng, chống dịch thành công hay không còn tùy thuộc vào ý thức của người dân.

Do vậy, ở thời điểm hiện tại “Sống không chỉ cho mình mà còn sống vì cộng đồng và xã hội” mỗi công dân đều phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để cùng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh./.

Đặng Thị Mỹ Linh

Tin liên quan