Thời gian qua, qua công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện hiện tượng “Búp bê Kuman thong” gây hoang mang, lo ngại trong dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định về an ninh trật tự tại các địa phương. Vậy thực hư hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” là gì?
Nhiều người xưng mẹ và chăm sóc búp bê Kuman Thong như con (ảnh sưu tập)
Theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan, Kuman Thong là thần giám hộ. Kuman Thong có nghĩa là “Cậu bé vàng” hay còn gọi là “Quỷ linh nhi”. “Búp bê Kuman Thong” được tạo ra với mục đích là giúp đỡ những linh hồn hài nhi bị chết oan hoặc không có nơi nương tựa được siêu thoát. Các nhà sư cho rằng, khi đứa trẻ chết đi, thân xác bị phân hủy, nhưng linh hồn của chúng còn tồn tại và cần nơi trú ngụ, do vậy các nhà sư (hoặc thầy bùa) sẽ lấy một bộ phận trên xác chết hài nhi (tóc, móng tay, chân, xương...) để tạo thành bùa, sau đó yểm vào một vật cụ thể như búp bê. Con búp bê sẽ là nơi trú ngụ linh hồn của đứa trẻ bị chết, được đặt ở trong nhà và được chăm sóc như một đứa trẻ, được nghe kinh Phật để tạo nghiệp lành, xoá bỏ nghiệp dữ trong quá khứ, qua đó chúng sẽ được tái sinh vào nơi tốt hơn.
Búp bê Kuman Thong không được coi là một phần trong Phật giáo chính thống, nhưng nó phổ biến ở Thái Lan từ thời cổ đại. Cùng với sự tuyên truyền về khả năng siêu nhiên của búp bê, các pháp sư, đạo sỹ đã “biến tướng” và sử dụng nguyên một thai nhi mang sấy khô rồi tạo ra “Búp bê Kuman Thong” nhằm làm tăng giá trị cũng như tính thần bí của loại búp bê này.
Hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam; làm tổn hại kinh tế và nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may, bùa phép ở những người tin theo. Nếu việc sản xuất, mua bán, sử dụng hiện tượng này không được ngăn chặn kịp thời, để trở nên phổ biến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân và dẫn đến những nguy cơ xấu đối với xã hội.
Trước những ảnh hưởng tiêu cực từ hiện tượng “Búp bê Kuman Thong”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có Công văn chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể của tỉnh, trong đó có lực lượng Công an đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới cán bộ chiến sỹ, các đồng chí Cộng tác viên dư luận xã hội trong lực lượng Công an toàn tỉnh và nhân dân về các nội dung, tin tức liên quan đến hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” để cán bộ chiến sỹ và nhân dân trong tỉnh nhận diện, xác định rõ đây là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với truyền thống văn hóa và pháp luật Việt Nam. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ chiến sỹ và nhân dân về bản chất mê tín, vi phạm pháp luật của hiện tượng này, yêu cầu các ngành chức năng và lực lượng công an tuyên truyền, hướng dẫn để các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và nhân dân có nhận thức đúng đắn, không tin và làm theo những thông tin lệch chuẩn với các giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp, qua đó giúp người dân cảnh giác không tham gia sản xuất, mua, bán, sử dụng “Búp bê Kuman Thong”.
Để kịp thời ngăn chặn hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” xảy ra trên địa bàn tỉnh bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Công an sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và sẽ có biện pháp kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi cực đoan, vi phạm pháp luật trong việc tuyên truyền, hành nghề mê tín dị đoan, sản xuất, buôn bán “Búp bê Kuman Thong”. Không để hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và an ninh trật tự trên địa bàn.
Vậy đề nghị mọi người dân cần nâng cao cảnh giác, không nên mù quáng tin và làm theo các đối tượng tuyên truyền mê tín dị đoan về hiện tượng “Búp bê Kuman Thong”, không tham gia vào các hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan về hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” và sản xuất, buôn bán “Búp bê Kuman Thong”, bởi tất cả các hành vi trên sẽ bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật./.
Thùy Hương – Công an tỉnh